Thí điểm hợp nhất các cơ quan văn phòng chưa đạt được yêu cầu đề ra

Chiều 1-6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45 (đợt 2), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4-10-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, việc thực hiện thí điểm tại 12 địa phương đã đạt được kết quả quan trọng. Tại 11 địa phương thí điểm hợp nhất 3 văn phòng đã giảm 22 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở, 27 đơn vị cấp phòng và 32 công chức, viên chức.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, thí điểm hợp nhất 2 văn phòng đã giảm được 1 đầu mối cơ quan tương đương cấp sở nhưng tăng 1 đơn vị cấp phòng.

Nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của văn phòng chung và các đơn vị thuộc văn phòng cơ bản được xác định rõ ràng, không chồng chéo. Kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị giúp việc nơi thực hiện thí điểm được tập trung vào một đầu mối quản lý và áp dụng thống nhất.

Cùng với những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm như: Việc hợp nhất còn mang tính cơ học, chỉ giảm số người đứng đầu mà chưa giảm được cấp phó; còn tình trạng nhiều chủ thể có thẩm quyền chỉ đạo hoạt động của văn phòng chung; người đứng đầu văn phòng phải đảm nhận khối lượng công việc lớn…

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đây mới chỉ là hoạt động thí điểm nên chưa thể khẳng định là thành công hay chưa thành công. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, chỉ là báo cáo bước đầu. Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc hợp nhất khiến năng lực tham mưu gặp nhiều hạn chế, khó khăn; chưa rõ hệ quả của việc sắp xếp nhân sự, chưa rõ hiệu quả tiết kiệm chi phí. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc thí điểm, trở lại mô hình tổ chức thiết chế ban đầu.

Đồng thời, đồng chí Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình việc sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND, mà căn bản là cần nâng cao chất lượng hoạt động bên trong các văn phòng.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, xem xét lý luận và thực tiễn, các cơ quan văn phòng có nhiệm vụ phục vụ cho các tổ chức có vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Thực tế, các văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội đã đáp ứng được yêu cầu thì mới có thể tồn tại được ngót 20 năm qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc thí điểm sáp nhập các văn phòng không thành công thì cho trở lại cơ cấu 3 văn phòng như cũ.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, ý kiến đa số các địa phương thực hiện thí điểm cho rằng, việc thí điểm chưa đạt được yêu cầu đề ra. Các địa phương và Chính phủ cũng cho rằng, chỉ nên sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND, còn Văn phòng UBND vẫn thực hiện như cũ. Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, 3 văn phòng trên cần có sự tách biệt với nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo để thực hiện các nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/968927/thi-diem-hop-nhat-cac-co-quan-van-phong-chua-dat-duoc-yeu-cau-de-ra