Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Thời điểm chín muồi thì phải mạnh dạn cải cách
Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Nhu cầu tất yếu của nhiều địa phương Nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội có đầy đủ cơ sở pháp lý Nhu cầu cần thiết xuất phát từ thực tiễn của Thủ đô
(HNMO) - Ngoài những phân tích cụ thể về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường tại Hà Nội phù hợp với quy định mở của Hiến pháp năm 2013, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Văn Phúc khẳng định, thời điểm hiện nay đã chín muồi cho thí điểm cải cách mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Phúc trao đổi với HNMO chiều 16-11. Ảnh: Quang Thái
Không tổ chức HĐND phường không trái với Hiến pháp!
“Với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa XIII, vinh dự được giúp Quốc hội biên tập Dự thảo Hiến pháp năm 2013, tôi khẳng định Dự thảoNghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội được Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ tám là không trái Hiến pháp”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định quan điểm trong buổi trao đổi với HNMO chiều 16-11.
Nguyên Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhớ lại, một trong những nội dung rất quan trọng được Quốc hội khóa XIII lưu ý là quy định về chính quyền địa phương. Các nhà lập hiến đề cao 2 yêu cầu là cải cách chính quyền địa phương phải theo hướng chính quyền địa phương sẽ được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và giảm bớt tầng nấc.
Điều 111 Hiến pháp năm 2013 được thiết kế với 2 khoản để phân biệt rõ giữa “chính quyền” và “cấp chính quyền”. Cụ thể, khái niệm chính quyền được hiểu rộng hơn, là “được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Cụ thể hóa quy định này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nêu: Tất cả cấp tỉnh, cấp huyện và xã, phường, thị trấn đều là cấp chính quyền, tức bao gồm cả HĐND và UBND.
“Mặc dù Hiến pháp quy định mở, nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, dù đã có bước phân biệt giữa chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn nhưng chưa đi đến cải cách mạnh mẽ”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định.
Tại Điểm b, Khoản 2, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Luật này mở ra khả năng cho Quốc hội có thể ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách chưa được quy định trong luật. Trường hợp điển hình là Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ tư, đã thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”.
“Với Dự thảoNghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội trình ra kỳ họp Quốc hội lần này, qua theo dõi, tôi thấy một số đại biểu băn khoăn về tính hợp hiến. Để giải đáp những băn khoăn này, tôi xin khẳng định, việc không tổ chức HĐND ở cấp phường phù hợp với quy định mở của Hiến pháp. Dự thảo Nghị quyết về nội dung thí điểm coi chính quyền phường trong các quận nội thành và thị xã tại Hà Nội không phải là một cấp chính quyền đầy đủ, mà là chính quyền dưới hình thức một tổ chức hành chính”, ông Nguyễn Văn Phúc lý giải.
Chính quyền không đồng nhất với việc phải có cả UBND và HĐND
“Trong lịch sử, đã có lúc chúng ta từng tổ chức chính quyền dưới hình thức có ủy ban hành chính Bắc - Trung - Nam mà không có HĐND cùng cấp”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm.
Về các tầng nấc, trước năm 1980, đơn vị hành chính của nội thành Hà Nội không chia thành cấp phường mà chỉ có hai cấp: Thành phố và khu. Đến Hiến pháp năm 1980 mới thành lập thêm cấp phường để phục vụ cho công tác quản lý với lập luận để phù hợp với đặc thù giao thông, liên lạc và năng lực, điều kiện quản lý… Lập luận đó phù hợp với giai đoạn phát triển lúc bấy giờ. Hiện nay, do đặc thù đô thị là hạ tầng kết nối và dân cư sinh sống tập trung cao nên mô hình tổ chức chính quyền đô thị 3 cấp không còn phù hợp.
Nguyên Phó Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng bày tỏ quan điểm, về lâu dài, trong điều kiện xây dựng đô thị thông minh, quản lý bằng những công nghệ hiện đại, Hà Nội phải tính đến việc không tổ chức chính quyền cấp phường, kể cả UBND. Thành phố chỉ nên tổ chức chính quyền đô thị 2 cấp: Thành phố và quận, với quy mô của quận ở mức vừa phải. Đó cũng là những yêu cầu căn cốt mà Hiến pháp năm 2013 hướng đến.
Ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội phù hợp với những quy định mở của Hiến pháp.
“UBND phường là cơ quan đại diện hành chính của UBND quận đặt tại phường nên HĐND quận thực hiện chức năng giám sát. Chủ tịch, phó chủ tịch UBND và các ủy viên UBND phường do chủ tịch UBND quận bổ nhiệm và coi đó như một cơ quan của UBND quận. Do đó, dù không tổ chức HĐND phường nhưng vẫn bảo đảm có tiếng nói và vai trò giám sát của cơ quan dân cử tại phường”, ông Nguyễn Văn Phúc phân tích.
Ông Nguyễn Văn Phúc dẫn Điều 115 Hiến pháp quy định: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu”.
Thời cơ chín muồi và tính khả thi cao
Việc Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường được ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá là có tính khả thi cao, bởi thành phố thực hiện việc này đồng bộ với cải cách chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp phường.
Qua nghiên cứu kỹ Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: "Đây là thí điểm không tổ chức HĐND nhưng UBND không còn bản chất như trước đây mà trở thành cơ quan hành chính thuộc UBND quận, được đặt tại phường để thực hiện chức năng của chính quyền phường".
“Khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban Biên tập đã tổ chức các cuộc làm việc với chính quyền các thị xã, thành phố; gặp lãnh đạo các phường tại Hà Nội, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh, thành phố khác, qua đó đều ghi nhận ý kiến không cần tổ chức cấp chính quyền phường như trước đây bởi cấp chính quyền này là đơn vị thừa hành thực hiện. Nếu tiếp tục tổ chức cả cấp chính quyền như hiện nay, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy như nhiều tầng nấc, bộ máy nặng nề, dễ phát sinh nhiều tiêu cực, phiền hà cho người dân...”, ông Nguyễn Văn Phúc phân tích.
“Có những thứ đã chín muồi thì phải mạnh dạn cải cách, bởi quá trình chúng ta áp dụng mô hình chính quyền cấp phường từ năm 1980 đến nay đã qua gần 40 năm “trải nghiệm”, đủ để rút ra được kết luận. Và chỉ có thể thông qua thực hiện thí điểm mới tìm được mô hình quản lý mới theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định.