Thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường ở Hà Nội: Bước đi cần thiết

Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 27/11. Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, cán bộ cơ sở và người dân, mô hình mới này có tính khả thi cao, mang lại lợi ích lớn cho công tác quản lý của mô hình chính quyền đô thị và giúp việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hợp lý.

Trụ sở UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trụ sở UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Xuyên suốt và tinh gọn

Như nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia đã nhận định, nên tổ chức mấy cấp chính quyền địa phương để bộ máy Nhà nước được tinh gọn, thông suốt, nhanh nhạy, hiệu quả, tiết kiệm luôn được đặt ra trong quá trình xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước, nhất là đối với chính quyền đô thị. Dự thảo Nghị quyết không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội do Chính phủ trình Quốc hội lần này, về bản chất, không chỉ là cho phép thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội mà là thí điểm tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (TP và quận). Trong trường hợp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp thì phường không phải là một cấp chính quyền nên không cần thiết phải tổ chức HĐND. Dự thảo Nghị quyết là một cách đi và bước đi cần thiết để tới đây có thể nhân rộng cho các phường trong cả nước.

Trong thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với việc tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị và ba cấp chính quyền ở nông thôn như đề xuất của Chính phủ. Tổ chức chính quyền địa phương ở TP Hà Nội như Dự thảo Nghị quyết là phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nhiều ý kiến cũng tán đồng, quản lý ở chính quyền nông thôn theo địa bàn, lãnh thổ, khác với quản lý của đô thị cần theo ngành, lĩnh vực và bảo đảm tính tập trung, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền, việc thí điểm lần này về bản chất khác với thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trước đây. Từ bước đi đầu tiên này sẽ tạo cơ sở hoàn thiện được quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với khu vực đô thị theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Thực tế, ở mỗi phường trên địa bàn TP Hà Nội đều có mức độ đô thị hóa rất cao. Ranh giới giữa các phường mong manh, không giống như ranh giới giữa các xã khu vực nông thôn. Quản lý hành chính, đô thị ở các phường này cũng khác với ở khu vực nông thôn. Do vậy, nếu mô hình chính quyền đô thị được tổ chức giống với mô hình chính quyền nông thôn rõ ràng là không hợp lý.

Tăng vai trò đại biểu HĐND quận

Từ góc độ cán bộ cơ sở, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai Lê Thành Vinh cho biết, từ lâu, nhiều cán bộ cơ sở đã đồng tình với chủ trương không tổ chức HĐND ở cấp phường nữa. Dù vậy, nhiều ý kiến cũng băn khoăn rằng nếu không có HĐND cấp phường, ai sẽ thực hiện vai trò giám sát ở cấp phường, nhưng khi đó, các đại biểu HĐND cấp quận sẽ làm thay luôn vị trí chức năng của đại biểu HĐND cấp phường hiện nay. “Bản thân tôi đang là đại biểu HĐND quận ở khu vực 3 phường, nếu bỏ HĐND cấp phường, tôi cũng có thể đảm nhiệm công việc của các đại biểu, thực hiện giám sát ở địa bàn phường, vẫn đảm bảo sâu sát, dù thực tế cũng sẽ bận rộn hơn” - ông Vinh chia sẻ. Đồng thời nhận định, khi đã không tổ chức HĐND cấp phường nữa, một tổ đại biểu HĐND quận gánh vác mọi việc từ giám sát, nắm bắt tình hình, ý kiến của Nhân dân…, cùng với chất vấn các cơ quan giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở, đòi hỏi đại biểu HĐND quận phải sâu sát hơn mới làm tốt được công việc. Hiện, phường Bạch Mai đang bám theo các chủ trương, chỉ đạo, lộ trình của TP trong việc này. HĐND phường dù vẫn hoạt động bình thường nhưng cũng đang hướng tới mô hình chính quyền đô thị, tiến tới không tổ chức HĐND, tổ chức bộ máy cũng phải hướng tới sắp xếp gọn hơn.

Từng là đại biểu HĐND phường liên tục 12 năm, từ thực tế hoạt động của HĐND phường, ông Phạm Sông Thao (Bí thư Chi bộ khu dân cư số 3, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cho rằng, không tổ chức HĐND phường là một chủ trương đúng và được nhiều người dân nhất trí cao. Tuy nhiên, khi không còn HĐND cấp phường, cần phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tinh thần trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo UBND trong việc tôn trọng ý kiến của Nhân dân để điều hành hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương mình. Đồng thời, vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp cũng phải vươn lên trong giám sát, chất vấn, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp, để phát huy quyền làm chủ chính đáng của Nhân dân.

Từ thực tế khu dân cư, ông Lê Huy Khôi (Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư số 23 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cũng nhận định, khi không tổ chức HĐND phường, rõ ràng HĐND cấp quận sẽ vất vả hơn rất nhiều. Do đó, đòi hỏi HĐND, chính quyền cấp quận cần tăng cường bám sát cơ sở; sâu sát với cuộc sống của người dân, lắng nghe Nhân dân phản ánh, để bám sát, phát huy được tính dân chủ cơ sở lên cấp trên hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để cán bộ cấp trên tăng cường gần dân, lắng nghe nguyện vọng của người dân.

Đúng như nhiều ý kiến đã góp ý, đích đến cuối cùng của việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị là phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn đô thị. Do đó, để bảo đảm tính tập trung, thống nhất, hoạt động nhanh nhạy thông suốt, hiệu lực, hiệu quả cao, thì các thiết chế HÐND và UBND ở quận, thị xã và TP cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc, tăng cường sự kiểm tra, giám sát chính quyền ở phường để nâng cao chất lượng hoạt động.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trên địa bàn TP Hà Nội, hầu như chính quyền đô thị phân cấp cho cấp phường ít việc, phần lớn công việc được chuyển từ TP xuống quận, huyện. Tại các phường chủ yếu quản lý hành chính, còn thực hiện nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng… như một cấp chính quyền đều hạn chế. Do vậy, nếu tổ chức cấp chính quyền hoàn thiện ở phường sẽ cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kinh phí, biên chế nên không phù hợp với tình hình hiện nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền

Việc thí điểm không tổ chức HĐND phường đáp ứng với yêu cầu phát triển, đô thị hóa, hội nhập quốc tế tại Hà Nội, là yêu cầu trực tiếp đổi mới, cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, DN hiệu lực, hiệu quả. Qua đó, tạo chủ động cho Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, bầu cử HĐND các cấp ở TP Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)

Đề án về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội được TP Hà Nội chuẩn bị công phu, có tiếp thu rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 26/2008/QH12 và có xây dựng lộ trình từng bước, thận trọng. Quá trình xây dựng, hoàn thiện, Thành ủy, HĐND, UBND đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm ở các TP đã thí điểm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội.

Trần Hà – Hồng Thái – Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-diem-khong-to-chuc-hdnd-cap-phuong-tai-ha-noi-buoc-di-can-thiet-358202.html