Thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại giúp tăng nguồn cung, giảm giá nhà

Theo HoREA dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất được thông qua giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà.

Góp phần kéo giảm giá nhà

Chính phủ vừa có Tờ trình Quốc hội đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho biết, Hiệp hội rất kỳ vọng dự thảo Nghị quyết thí điểm sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10/2024), sẽ tháo gỡ được vướng mắc do quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 chưa cho phép nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Theo HoREA, việc thí điểm làm nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất được thông qua giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà.

Theo HoREA, việc thí điểm làm nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất được thông qua giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà.

Hiệp hội nhận thấy dự thảo Nghị quyết thí điểm nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, “thuận mua vừa bán” giữa người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, bên cạnh các phương thức tiếp cận đất đai thông qua thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại để góp phần kéo giảm giá nhà.

Theo ông Châu, đây cũng là nỗ lực cao độ của Hiệp hội luôn kiên trì góp ý về sự cần thiết phải có dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có thị trường bất động sản nhà ở thương mại để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở thương mại, nhất là nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.

Đồng thời, để khắc phục “khoảng trống” do điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 chưa quy định nội dung này và cũng nhằm để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (…) Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.

Những loại đất được đề xuất xây nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận

Theo Điều 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất quy định rõ về các loại đất được chuyển mục đích sử dụng gồm:

Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với một hoặc các loại đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất.

Việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Trường hợp khu đất thực hiện dự án nhà ở thương mại có diện tích lớn hơn diện tích đất tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất thì tổ chức, cá nhân thực hiện thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích còn thiếu để thực hiện dự án.

Trường hợp trong khu đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức nhận quyền sử dụng đất có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý mà không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập thì Nhà nước thu hồi đất, thực hiện giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Trường hợp người sử dụng đất chưa được cấp các loại giấy chứng nhận quy định tại khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trước khi chuyển quyền.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định này nhằm mở rộng các loại đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, khắc phục được hạn chế chỉ cho phép đất ở hoặc đất ở và đất khác được thực hiện dự án nhà ở thương mại đã quy định tại Điều 127 Luật Đất đai, đồng thời quy định giải quyết các vướng mắc đối với trường hợp trong khu vực thực hiện dự án có quỹ đất do nhà nước quản lý, trường hợp đất chưa có giấy chứng nhận nhưng đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận để cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian triển khai dự án nhằm giải phóng nguồn lực đất đai cho việc phát triển nhà ở thương mại, đáp ứng kịp thời nhu cầu về đất ở, nhà ở cho người dân.

Ninh Phan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thi-diem-mo-rong-loai-dat-xay-nha-o-thuong-mai-giup-tang-nguon-cung-giam-gia-nha-post1682490.tpo