Thí điểm nhưng không được thất bại
Từ 1/6/2024, Hà Nội bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn trên diện rộng, tạo đà cho việc thực hiện quy định phân loại rác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Khác với các lần trước, đợt thí điểm này không cho phép Hà Nội được thất bại, chỉ là khó ở đâu gỡ ở đó.
Sở dĩ nói như vậy vì việc thực hiện phân loại rác tại nguồn không phải là mới với Hà Nội. Cách đây khoảng 17 - 18 năm, Hà Nội đã thực hiện phân loại rác tại nguồn trong khuôn khổ dự án 3R được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, áp dụng thử nghiệm, triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Cuộc thử nghiệm này, khi ấy, đã thu được kết quả nhất định, song vẫn không thành công như mong đợi vì hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, “công cuộc” phân loại rác tại nguồn khi ấy vì thế cũng bị lãng quên.
Phải đến 10 năm sau - năm 2020, Hà Nội mới lại tái khởi động chiến dịch phân loại rác tại nguồn tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với nhiều năng lượng mới, thế nhưng “niềm vui lớn chẳng tày gang” vì đại dịch Covid-19 hoành hành; cùng đó, Hà Nội khi ấy vẫn chưa có đủ điều kiện cả về con người, tài chính và công nghệ, cho nên thí điểm vẫn dở dang.
Và nay, từ 1/6/2024, 23 phường thuộc 5 quận của Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm) sẽ lần lượt tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn - đợt thí điểm triển khai rộng nhất từ trước tới nay.
Thời gian thí điểm giai đoạn 1 đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025.
Việc thí điểm nhằm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án “Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2025.
Được biết trước đó, để triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ năm 2025, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Mới đây nhất là hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Trong đó, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ.
Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản. Nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại.
Với hướng dẫn trên, quả thực để đợt thí điểm của Hà Nội hiệu quả ngay như mong đợi là khó có thể, vì người dân chúng ta vẫn quen gom tất cả rác sinh hoạt, chất thải rắn vào một, trong khi đó điều kiện để phân loại, thu gom và xử lý chất thải chưa đồng bộ.
Có nhiều câu hỏi được đưa ra, rằng đợt thí điểm này, liệu Hà Nội có thất bại như các lần trước?. Đây quả là câu hỏi không dễ gì trả lời vì thực hiện phân loại rác tại nguồn không hề đơn giản. Đúng là rất khó nhưng Hà Nội vẫn phải quyết tâm làm bằng được.
Bởi lẽ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ việc phân loại rác thải tại nguồn là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục.
Do đó, đợt thí điểm lần này của Hà Nội không phải chuyện thích hay không theo kiểu vận động, khuyến khích phong trào mà là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn TP trong năm 2026; là căn cứ để Hà Nội điều chỉnh phù hợp cho việc thực hiện quy định của Luật một cách hiệu quả hơn.
Vậy nên, khó, vướng ở đâu, chúng ta sẽ giải quyết ở đó. Điều quan trọng lúc này là sự nhất tâm vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, Nhân dân, đưa thí điểm phân loại rác tại nguồn thành hiện thực hóa trong đời sống; góp phần dựng xây Hà Nội văn minh, sạch đẹp và phát triển bền vững.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-diem-nhung-khong-duoc-that-bai-772179.html