Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị: Thời cơ đã chín muồi
Thiết chế chính quyền đô thị vừa tinh gọn vừa phải đủ mạnh!
LTS: Ngày 19-4-2019, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 46-KL/TƯ về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, trong đó cơ bản đồng ý với nội dung của đề án do Thành ủy Hà Nội xây dựng. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường ở các quận, thị xã Sơn Tây; UBND phường do UBND quận, thị xã thành lập... Với sự phát triển theo xu hướng đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, sự chuẩn bị công phu của chính quyền thành phố, có thể thấy thời điểm thực hiện Đề án đã chín muồi.
Bài đầu: Đòi hỏi từ thực tiễn
Sự quá tải về cơ sở hạ tầng ngày càng bộc lộ rõ ở Thủ đô Hà Nội, trong khi tốc độ gia tăng dân số cơ học ngày một cao. Thực tiễn này gây áp lực lớn đối với các phường khu vực nội đô, đòi hỏi bộ máy chính quyền cần đổi mới theo hướng vừa tinh gọn, vừa quản lý, điều hành hiệu lực, hiệu quả.
Nhu cầu bức thiết
Những năm gần đây, dân số Hà Nội trung bình mỗi năm tăng cơ học thêm khoảng 200.000 người. Hệ lụy từ việc phá vỡ quy mô dân cư đang gây nhiều bức xúc cho nhân dân và cử tri cả nước. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, cử tri Trần Mạnh Hảo (phường Điện Biên, quận Ba Đình) nêu: “Thành phố Hà Nội đã quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên; các dự án giao thông công cộng, biện pháp chống ùn tắc không theo kịp tình hình…”. Điều đáng nói là hiện tượng ùn tắc giao thông mới chỉ là bề nổi của những áp lực đối với các cấp chính quyền Thủ đô khi phải mang trên mình “chiếc áo cơ chế” chật chội.
Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Với diện tích khoảng 4,85km2, nơi đây có tới gần 80 nhà chung cư và hơn 8 vạn dân sinh sống. Thực tế, đất chật người đông phát sinh hàng loạt vấn đề về an ninh trật tự, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, văn hóa ứng xử… khiến các cán bộ phường làm ngoài giờ cũng không hết việc. Đó cũng là vấn đề chung của những phường có quy mô dân số lớn như Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) có hơn 4 vạn dân, Phúc La (quận Hà Đông) có hơn 3 vạn dân… Trong khi đó, theo dự báo, đến năm 2020, tổng dân số Hà Nội vượt mọi dự báo trước đó và đạt mức quy hoạch cho phát triển kinh tế - xã hội của năm 2050 với khoảng 14 triệu người.
Từ thực tiễn công tác, Phó Chủ tịch UBND phường Cống Vị (quận Ba Đình) Trần Thị Thu Quỳnh cho biết: UBND cấp phường rất vất vả, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Thậm chí có những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên nhưng xảy ra trên địa bàn thì chính quyền phường cũng phải chịu trách nhiệm. Pháp luật hiện hành lại chưa quy định rõ việc phân cấp, phân quyền cho UBND cấp phường.
Chung quan điểm trên, Phó Chủ tịch HĐND quận Long Biên Phạm Bạch Đằng chia sẻ: "Tôi từng nhiều năm công tác ở UBND cấp phường nên biết ở phường rất nhiều việc. Trong khi đó, quy định hiện nay là không sử dụng lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn. Vì vậy, việc phân cấp rõ UBND phường được làm những gì là rất cần thiết”.
Rõ ràng, công tác quản lý địa bàn tại nhiều phường thuộc Thủ đô Hà Nội nếu không có sự đổi mới, không căn cứ vào đặc thù sẽ gây áp lực, quá tải tới đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người làm công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ tại cơ sở.
Xây dựng chính quyền gọn nhẹ, gần dân
Trước thực tiễn đó, Hà Nội đã bắt tay vào nghiên cứu việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Đến ngày 7-11-2017, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 22-KL/TƯ về Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”. Sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và ý kiến của các cơ quan liên quan, ngày 19-4-2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 46-KL/TƯ về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, nội dung cụ thể hóa Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6-2020. Dự kiến, nếu thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường, thành phố Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 đến 3.500 cán bộ HĐND cấp phường, trong đó phần lớn là người hưu trí. Đặc biệt, điều quan trọng là sẽ thể hiện tính liên thông và thông suốt của quá trình điều hành từ cấp quận xuống các cơ quan hành chính cấp phường.
Khẳng định dự thảo nghị quyết có đầy đủ cơ sở pháp lý, không vi hiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thông tin thêm: “Trong toàn bộ dự thảo Nghị quyết không nói đến việc mô hình HĐND phường của quận, thị xã không hoạt động hiệu quả nên phải bỏ, mà đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại chính quyền đô thị”. Làm rõ hơn vấn đề này, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định: “Việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của thành phố. Là đô thị phát triển nhanh, thành phố mong muốn xây dựng hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng các yêu cầu của người dân tốt hơn”.
Tán thành với chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND phường, song để thực hiện hiệu quả, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng: “Cần sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó cần phân cấp, phân quyền, tài chính cho Thủ đô; làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND được làm những gì cũng như cần phát huy vai trò giám sát của HĐND quận, làm sao giải quyết nhanh chóng và kịp thời những vấn đề liên quan đến đời sống người dân”.
(Còn nữa)