Thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, C
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với dự án đầu tư công, hiện nay mới chỉ có dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A được phép tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Đối với dự án nhóm B, C chưa có cơ chế thí điểm trên phạm vi rộng nhằm đánh giá hiệu quả của công tác này (đối với tỉnh Khánh Hòa, theo phản ánh chưa triển khai thí điểm được do thiếu một số quy định liên quan).
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề xuất Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C nhằm:
Mục tiêu xây dựng Nghị quyết
Cụ thể hóa các chủ trương về thí điểm việc tác công tác GPMB ra khỏi dự án đầu tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Hoàn thiện, ban hành cơ chế thí điểm đồng bộ cho việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án đầu tư công nhóm B, C. Kết quả thí điểm sẽ là căn cứ để đánh giá cụ thể lợi ích, kết quả có thể đạt được, các vướng mắc trong triển khai để xem xét, tổng kết nhằm đánh giá sự cần thiết thể chế hóa nội dung này trong quy định pháp luật
Phạm vi thực hiện Nghị quyết
Các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đề xuất áp dụng thí điểm của bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án GPMB được tách riêng và dự án còn lại.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được thực hiện các trình tự, thủ tục để quyết định việc tách GPMB thành dự án độc lập đối với các dự án tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết đến hết năm 2025.
Các dự án GPMB được tách riêng được phép thực hiện đến khi hoàn thành.
Nội dung chính sách
Đề cương Nghị quyết nêu rõ:
Cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể được quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án tổng thể thành dự án giải phóng mặt bằng trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án giải phóng mặt bằng tại chủ trương đầu tư của dự án tổng thể.
Cấp quyết định đầu tư dự án giải phóng mặt bằng được phép áp dụng quy định về xác định kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai để xác định tổng mức đầu tư dự án giải phóng mặt bằng.
Việc lập, thẩm định, quyết định, điều chỉnh quyết định đầu tư dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Quyết định đầu tư dự án giải phóng mặt bằng là căn cứ để bố trí kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đầu tư công.
Giải pháp thực hiện chính sách đã lựa chọn và lý do lựa chọn lựa chọn
Đề cương Nghị quyết quy định 01 chính sách về việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C do Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất.
Mục tiêu nhằm tách công tách GPMB thành dự án độc lập để triển khai sau khi dự án tổng thể được phê duyệt chủ trương đầu tư, không phải chờ đến khi phê duyệt quyết định đầu tư nhằm tạo điều kiện sớm triển khai công tác GPMB, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiết kiệm thời gian, bảo đảm nguồn lực, tránh phát sinh chi phí.
Chính sách tập trung giải quyết các vấn đề sau đây: Tạo hành lang pháp lý để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, nhóm C.
Tạo điều kiện để sớm bố trí kế hoạch vốn đầu tư công thực hiện công tác GPMB, không phải chờ đến khi phê duyệt quyết định đầu tư dự án tổng thể.
Giải pháp lựa chọn: Xây dựng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B, nhóm C thuộc phạm vi thí điểm.
Lý do lựa chọn là tạo hành lang pháp lý cho việc thí điểm tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với một số dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C nhằm có cơ sở đánh giá cụ thể về hiệu quả của chính sách, làm cơ sở nghiên cứu, sửa đổi quy định liên quan trong pháp luật về đầu tư công.
30 dự án có quy mô thuộc nhóm B, nhóm C
Qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thí điểm thực hiện đối với 30 dự án có quy mô thuộc nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của 2 Bộ và 12 địa phương.
Tỉnh Đắk Nông
Dự án hồ Đắk Gang của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
TP. Hồ Chí Minh
Dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm Pháp y tâm thần (Khu Tân Tạo, Chợ Đệm, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) của Bộ Y tế.
Tỉnh Bình Dương có các dự án: Xây dựng suối Bình Thắng (đoạn từ Đại học Quốc gia đến quốc lộ 1A); Nâng cấp, mở rộng đường ĐT741B; Xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư Chợ Đình (Thủ Dầu Một); Nâng cấp, mở rộng đường vào Khu du lịch lòng Hồ Dầu Tiếng.
Tỉnh Đắk Lắk có Dự án đường nối từ ngã ba Y Wang- Lê Duẩn đến đường 30 tháng 4 (đường Bà Huyện Thanh Quan nối dài).
Tỉnh Thừa Thiên Huế có Dự án đường vành đai 3; Dự án chỉnh trang, mở rộng nút giao Trần Phú - Đặng Huy Trứ - Đoàn Hữu Trung thuộc TP Huế.
Thủ đô Hà Nội có Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ - giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông, thuộc lưu vực Hữu Nhuệ.
Tỉnh Ninh Bình có Dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn phục vụ phòng chống lũ lụt bão đoạn từ quốc lộ 10 đến đê Hữu Đáy, huyện Kim Sơn.
Tỉnh Ninh Thuận có Dự án Doanh trại cơ quan Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Dự án trụ sở làm việc TAND tỉnh Ninh Thuận.
Tỉnh Nghệ An có Dự án mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (phần mở rộng khu A).
Tỉnh Thái Nguyên có 4 dự án: Đường vành đai I và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; Đường kết nối ĐT265 (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) đi Bắc Giang; Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao và Trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao, TP Thái Nguyên; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc.
Tỉnh Trà Vinh có Dự án Xây dựng doanh trại Ban chỉ huy quân sự huyện Tiểu Cần/Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Trà Vinh.
Tỉnh Vĩnh Phúc có Dự án mở rộng đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ vành đai 2 đến cầu Quảng Khai (Khu công nghiệp Thăng Long- Bình Xuyên).
Tỉnh Đắk Nông có 6 dự án: Dự án hoa viên khu vực bờ hồ trung tâm thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô; Trung tâm xã Nam Đà; Chỉnh trang khu dân cư đô thị (khu vực nhà ông Cát); Trung tâm xã Đức Xuyên; Trung tâm xã Đắk Nang; Hồ điều hòa Đắk Na.
Tỉnh Bình Phước có Dự án nâng cấp, mở rộng đường quốc lộ 14, đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành.
Phân loại dự án nhóm A
Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công 2019 thì trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc một trong các tiêu chí sau đây là dự án nhóm A:
(1) Dự án không phân biệt tổng mức đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật;
- Dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ;
- Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
(2) Dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:
- Giao thông, bao gồm cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ;
- Công nghiệp điện;
- Khai thác dầu khí;
- Hóa chất, phân bón, xi măng;
- Chế tạo máy, luyện kim;
- Khai thác, chế biến khoáng sản;
- Xây dựng khu nhà ở;
(3) Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:
- Giao thông, trừ dự án giao thông, bao gồm cầu, cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, đường quốc lộ nêu tại mục (2);
- Thủy lợi;
- Cấp thoát nước, xử lý rác thải và công trình hạ tầng kỹ thuật khác;
- Kỹ thuật điện;
- Sản xuất thiết bị thông tin, điện tử;
- Hóa dược;
- Sản xuất vật liệu, trừ dự án hóa chất, phân bón, xi măng nêu tại mục (2);
- Công trình cơ khí, trừ dự án chế tạo máy, luyện kim nêu tại mục (2);
- Bưu chính, viễn thông;
(4) Dự án có tổng mức đầu tư từ 1.000 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:
- Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên;
- Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới;
- Công nghiệp, trừ dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nêu tại mục (1), (2) và (3);
(5) Dự án có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên thuộc lĩnh vực sau đây:
- Y tế, văn hóa, giáo dục;
- Nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình;
- Kho tàng;
- Du lịch, thể dục thể thao;
- Xây dựng dân dụng, trừ xây dựng khu nhà ở nêu tại mục (2);
- Dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trừ dự án quy định tại nêu tại mục (1), (2), (3) và (4).
Phân loại dự án nhóm B
Căn cứ quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư công 2019 thì dự án nhóm B được phân loại như sau:
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (2) nêu trên có tổng mức đầu tư từ 120 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng.
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (3) nêu trên có tổng mức đầu tư từ 80 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng.
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (4) nêu trên có tổng mức đầu tư từ 60 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (5) nêu trên có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng đến dưới 800 tỷ đồng.
Phân loại dự án nhóm C
Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Đầu tư công 2019 thì dự án nhóm C được phân loại như sau:
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (2) nêu trên có tổng mức đầu tư dưới 120 tỷ đồng.
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (3) nêu trên có tổng mức đầu tư dưới 80 tỷ đồng.
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (4) nêu trên có tổng mức đầu tư dưới 60 tỷ đồng.
- Dự án thuộc lĩnh vực nêu tại mục (5) nêu trên có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng.