Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại Gia Lai: Hiệu quả, đúng quy trình

Gia Lai là một trong 9 tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, TP. Pleiku là đơn vị cấp huyện và phường Hội Thương (TP. Pleiku) là đơn vị cấp xã được chọn triển khai từ tháng 7-2019 đến tháng 7-2020. Đến nay, chương trình này đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn tỉnh có sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành. Tháng 8-2019, Sở Y tế phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP và cấp chứng chỉ cho 70 học viên. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP tại tỉnh, trước mắt là tại TP. Pleiku và phường Hội Thương.

Qua thanh tra, các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định, chưa phát hiện vi phạm ATTP. Ảnh: N.N

Qua thanh tra, các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định, chưa phát hiện vi phạm ATTP. Ảnh: N.N

Thành phố Pleiku có 14 phường, 9 xã với 3.370 cơ sở sản xuất. Trong số này, lĩnh vực do ngành Y tế quản lý là 1.635 cơ sở, gồm: 98 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 1.298 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 239 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Lĩnh vực do ngành Công thương quản lý có 1.439 cơ sở gồm 16 chợ và 1.423 cơ sở sản xuất, kinh doanh; có 205/1.439 cơ sở được cấp giấy chứng nhận và ký cam kết chấp hành tốt các quy định về ATTP. Lĩnh vực do ngành nông-lâm-thủy sản quản lý là 296 cơ sở, có 170/296 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Riêng phường Hội Thương có 5 trường học, 2 chợ, 108 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó, tỉnh quản lý 13 cơ sở, thành phố quản lý 29 cơ sở, còn lại 66 cơ sở do phường quản lý). Đến nay đã có 40 cơ sở do phường quản lý ký cam kết đảm bảo ATTP.

Được lựa chọn thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn, UBND TP. Pleiku đã có kế hoạch và phối hợp với lực lượng thừa hành triển khai thực hiện. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, thành phố đã ban hành các văn bản, xây dựng kế hoạch; giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện, xã và tăng cường tuyên truyền giúp người dân nắm bắt thông tin. Ủy ban nhân dân thành phố cũng chủ động bố trí ngân sách cho công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP theo quy định. Đồng thời, dự toán ngân sách phục vụ cho công tác triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP gồm: kinh phí may trang phục, mua mẫu và kiểm nghiệm mẫu… với số tiền trên 117 triệu đồng.

Qua các bước chuẩn bị, đầu tháng 12-2019, UBND TP. Pleiku và UBND phường Hội Thương thành lập 2 đoàn tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý. Đến nay, TP. Pleiku đã thanh tra tại 11/14 cơ sở và phường Hội Thương thanh tra tại 4/8 cơ sở theo kế hoạch. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm về ATTP. Bà Phan Thị Thu Trang-Phó Trưởng phòng Kinh tế, trưởng đoàn thanh tra ATTP TP. Pleiku-cho biết: Hoạt động này đã giúp nâng cao hiệu lực quản lý về ATTP và ý thức người dân trong đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cán bộ được phân công nhiệm vụ đều kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên việc tổ chức các bước thanh tra đôi lúc còn lúng túng…

Vấn đề nhân lực cũng là khó khăn đối với phường Hội Thương. Bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương-thông tin: Nhân lực tại phường mỏng nên một lúc phải cử 5 người tham gia thanh tra thì rất khó vì như vậy sẽ không có người làm nhiệm vụ chuyên môn. “Ngoài ra, phường không có cán bộ chuyên trách ATTP, chủ yếu kiêm nhiệm nên dù đã được tham gia bồi dưỡng nhưng vẫn không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu. Đây lại là lĩnh vực mới mẻ, để triển khai tốt trong thời gian tới, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hơn từ tuyến tỉnh”-bà Hằng nói.

Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn tỉnh ngày 19-12 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đỗ Hữu Tuấn-Phó Cục trưởng Cục ATTP làm trưởng đoàn đã ghi nhận những nỗ lực của các sở, ban, ngành trong việc triển khai công tác này. Ông Tuấn đề xuất: “Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, các đơn vị đã có kinh nghiệm thanh tra chuyên ngành ATTP như thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Công thương… cần trao đổi, hướng dẫn cụ thể quy trình từng loại hình thanh tra, qua đó cán bộ làm nhiệm vụ có thể đơn giản hóa nội dung nhưng vẫn đảm bảo quy trình, hiệu quả thanh tra. Ngoài ra, có thể cử cán bộ chuyên trách có kinh nghiệm tham gia và hướng dẫn cụ thể, cầm tay chỉ việc giúp người làm nhiệm vụ tự tin triển khai công việc”.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12379/201912/thi-diem-thanh-tra-an-toan-thuc-pham-tai-gia-lai-hieu-qua-dung-quy-trinh-5662660/