Thí điểm trường học dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai: Giáo viên nước ngoài nói gì?
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2024-2025, Thành phố xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Sau khi hoàn thành sẽ triển khai thí điểm ở một số trường từ năm học 2025-2026.
Hiện các phòng chuyên môn đang rà soát các nội dung xây dựng dự thảo tiêu chí. Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi khi thí điểm triển khai việc này nhờ hiệu quả từ chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp…
Việc thí điểm tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai sẽ sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước kết hợp với các mô hình xã hội hóa. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực của giáo viên, trang bị cơ sở vật chất dạy học hiện đại.
Liên quan đến việc Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học, tôi đã trực tiếp phỏng vấn một số giáo viên nước ngoài đang thỉnh giảng ở đơn vị nơi tôi đang công tác (trường trung học phổ thông) để có thêm một góc nhìn khách quan.
Được biết, những giáo viên này còn tham gia thỉnh giảng ở một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khác trên địa bàn Thành phố. Để bảo mật danh tính, tên các giáo viên đã được tôi thay đổi.
Giáo viên John (người Nam Phi) chia sẻ, ông rất bất ngờ trước thông tin Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở trong trường học. Bởi vì, ví dụ cụ thể, năng lực tiếng Anh của giáo viên (dạy môn Tiếng Anh) và học sinh nơi đơn vị tôi đang công tác còn rất nhiều hạn chế.
Ông nói rõ hơn, ông dạy 5 lớp gồm lớp 10, 11 và 12, mỗi lớp trung bình có 45 học sinh thì khoảng 10 em giao tiếp được với ông. Trong số này, khoảng 2, 3 học sinh nói lưu loát, còn các em khác chỉ nói ở mức trung bình. Khoảng 2/3 học sinh trong lớp lười nói vì các em không nghe được và phát âm thiếu chính xác.
Tuy vậy, ông đánh giá cao về khả năng ghi nhớ ngữ pháp và từ vựng của học sinh. Ông cho rằng, việc học ngữ pháp và từ vựng là cần thiết, nhưng vì học sinh không có môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh nên nhiều em học cả chục năm vẫn không/hạn chế về nghe, nói.
Về giáo viên dạy môn Tiếng Anh, ông John đánh giá họ rất thân thiện, hỗ trợ đắc lực cho ông trong việc quản lí học sinh và trợ giảng. Còn về khả năng nghe nói, ông đánh giá có một giáo viên (tổng số 13 giáo viên) thực sự giao tiếp tốt như người bản ngữ. Còn các thầy cô giáo khác khi bàn sâu vào một chủ đề nào đó, ví dụ văn hóa, giáo dục,… thường là không nói được.
Còn giáo viên Thomson (người Mỹ) nói rằng, Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở trong trường học chỉ là điều mơ ước. Ông kể, ông đi nhiều siêu thị lớn nhỏ khác nhau ở Thành phố thì nhận thấy khả năng giao tiếp tiếng Anh của nhiều người Việt còn yếu. Họ chủ yếu chào, hỏi người nước ngoài những câu quen thuộc đến mức nhàm chán.
Ông Thomson cũng đang dạy thỉnh giảng hai trường trung học cơ sở ở một quận trên địa bàn Thành phố. Ở trường học thứ nhất ông nhận xét, học sinh giao tiếp quá yếu, một lớp học chỉ có vài ba em nói tiếng Anh tạm được, còn lại khi ông hỏi thì các em không nói gì hoặc cúi mặt hoặc cười.
Đáng nói, ở trường học thứ hai, ông chê giáo viên người Việt dạy tiếng Anh vì khả năng giao tiếp của họ còn yếu. Ông đã từng hỏi họ những câu có từ vựng rất quen thuộc nhưng họ phải sử dụng điện thoại thông minh để nhờ Google tra nghĩa của từ. Thậm chí, có giáo viên tiếng Anh không hề nói chuyện với ông và ông đoán có thể họ không nghe nói được gì.
Kết thúc cuộc phỏng phấn khoảng 25 phút vào giờ ra chơi, tôi tiết lộ cho ông Thomson biết rằng, tôi là giáo viên môn… Ngữ văn. Tôi thừa nhận khả năng tiếng Anh của tôi có hạn. Tôi có thể nghe và hiểu những gì ông nói, nhưng vì tôi phát âm chưa chuẩn, diễn đạt còn vấp,… nên mong ông vui vẻ bỏ qua cho. Thật bất ngờ, ông khẳng định, khả năng giao tiếp của tôi còn hơn nhiều giáo viên dạy môn Tiếng Anh mà ông đã từng nói chuyện.
Cả hai giáo viên John và Thomson nói thẳng, học sinh học rất nhiều môn, còn bản thân giáo viên thì chưa sử dụng được tiếng Anh để dạy về môn chuyên ngành, làm sao có thể thí điểm dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở trong trường học.