Thí điểm vùng phát thải thấp, từng bước giảm ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía bắc. Hà Nội đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Đây là bước đột phá để phát triển giao thông xanh - sạch - thuận tiện - chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Ngày 21/1, Báo Tiền phong phối hợp với các đơn vị tổ chức Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội. Đây là diễn đàn để cơ quan quản lý, chuyên gia, chính quyền địa phương cùng nhau thảo luận các giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội một cách hiệu quả, khả thi.
6 nhóm nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía bắc. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.
Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58-74%) cho bầu không khí thành phố.
Trên các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Đại sứ quán Mỹ hay của PAM Air, mọi người đều thấy một màu đỏ, màu tím, thậm chí màu nâu xuất hiện trên các điểm đo chất lượng không khí.
Theo Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT Nguyễn Hoàng Ánh, với những vấn đề nội tại ô nhiễm của Hà Nội thì UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng các sở ngành có báo cáo xây dựng chất lượng không khí Hà Nội. Đây là động thái quyết liệt của TP. Hà Nội, thể hiện chúng ta không thể thờ ơ trước môi trường không khí.
Qua theo dõi chất lượng không khí trên website của Tổng cục môi trường có thể thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng qua các năm, đây là vấn đề thực sự lo ngại. Không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết, đặc biệt cứ đến cuối năm lại chịu tác động rất lớn, do đó cần nhìn nhận tổng quát để thấy đâu là yếu tố chủ quan, đâu là yếu tố khách quan khi xem xét nguyên nhân ô nhiễm không khí.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh cũng chỉ rõ 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, đốt mở, dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy xí nghiệp tăng công suất tối đa, cộng thêm khí hậu thời tiết khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.
Các báo cáo, nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và Bộ TN&MT chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn là do ít mưa.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: "Chúng ta không thể điều khiển được khí hậu, thời tiết, do đó phải tìm nguyên nhân gây ô nhiễm để đưa ra giải pháp xử lý. Có thể thấy vấn đề phát thải của phương tiện giao thông - một trong những nguyên nhân lớn gây nên ô nhiễm môi trường tại TP. Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên thế giới nói chung - là một trong những nguyên nhân mà chúng ta có thể tác động được, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường".
Ngoài các nguyên nhân gây được nêu ra nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác... cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí Hà Nội. Ví dụ như hoạt động của các nhà máy xi măng tại Hà Nam, hay đốt rơm rạ ở Thái Bình sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường của Hà Nội. Chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được.
Lần đầu tiên thí điểm thực hiện ‘vùng phát thải thấp’ tại Hà Nội
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, tại Kỳ họp lần thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025. Trước mắt, thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: "Theo thống kê quý IV tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm".
Vì vậy, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Đây là bước đột phá của Hà Nội, cũng như cả nước nhằm phát triển giao thông xanh - sạch - thuận tiện - chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Vùng phát thải thấp bước đầu sẽ được thí điểm tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đây là hai quận có mật độ dân cư đông và đang có những nền móng để phát triển vùng phát thải thấp.
Theo bà Lưu Phương Chi, giải pháp vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025. "Chúng tôi đang xây dựng những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí", bà Lưu Phương Chi cho biết.
Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tâng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát, dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch… sẽ được triển khai.
Hà Nội cũng vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố. Từ đó, tiến tới Hà Nội đạt tỉ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035.