Thi đua đổi mới, sáng tạo dạy và học

Ngành Giáo dục cả nước đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1, tạo đà để tiếp tục triển khai từ các năm học sau ở các khối lớp còn lại. Thầy, trò cùng thi đua đổi mới, sáng tạo là yêu cầu, cũng là động lực để hoàn thành thắng lợi việc dạy, học theo chương trình mới và tiếp tục lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là nội dung của phong trào thi đua 'Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập' đang được triển khai, lan tỏa trong toàn ngành Giáo dục Thủ đô.

Giáo viên Trường Tiểu học Liên Hà A (huyện Đông Anh) dạy trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ học do dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Quang

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những phong trào thi đua tác động mạnh mẽ, khắc phục được nhiều bất cập, khó khăn, tạo chuyển biến toàn diện ở các trường học trên cả nước trong giai đoạn 2016-2020 là “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho rằng, phong trào đã bám sát nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tại Hà Nội, các nhà trường đã cụ thể hóa phong trào thành những nội dung cụ thể, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và học sinh trong việc khắc phục khó khăn. Nhờ đó, nhiều năm qua, ngành Giáo dục Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và đào tạo mũi nhọn.

Là đơn vị 6 năm liên tiếp được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của quận, kết quả này có sự nỗ lực lớn của đội ngũ nhà giáo trong việc khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hiện tượng quá tải về sĩ số học sinh/lớp.

Còn bà Nguyễn Thị Mai, phụ huynh Trường Mầm non Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Chúng tôi yên tâm vì trường được đầu tư đạt chuẩn. Các cô giáo mầm non không chỉ giàu nhiệt huyết, mà còn giỏi kỹ năng, thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động giáo dục...”.

Chung sức đổi mới, nhà giáo nêu gương

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục phát động phong trào đổi mới, sáng tạo trong toàn ngành từ nay tới năm 2025. Trong đó, phong trào thi đua đã được nâng tầm, bổ sung nhiệm vụ “quản lý” để tác động toàn diện hơn đến mọi hoạt động của nhà trường, với phương châm là: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Quyết tâm của ngành Giáo dục Hà Nội trong triển khai phong trào là thầy, trò cùng chung sức đổi mới, trong đó nêu cao vai trò làm gương của nhà giáo.

Với mục tiêu đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Cùng với việc tích cực đổi mới hình thức tổ chức bài giảng trực tuyến để lôi cuốn sự tập trung của học sinh, tôi còn cùng các đồng nghiệp khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc học tập, đánh giá kết quả của việc học trực tuyến...”.

Cùng nhận thức, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp cho biết, nhà trường tập trung đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành nhằm tạo động lực, môi trường làm việc, học tập hạnh phúc, giúp giáo viên, học sinh phát huy tối đa năng lực. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường luôn nỗ lực nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ, làm gương để học trò học tập, khắc phục điểm yếu về công nghệ thông tin và ngoại ngữ của nhiều người trong những năm qua.

Em Nguyễn Quỳnh Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên bày tỏ: “Nhằm ứng phó với mọi tình huống của dịch Covid-19, em cùng các bạn trong lớp cố gắng đổi mới cách thức học tập bằng cách dành nhiều thời gian tự học hơn”.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, để duy trì và phát huy vị thế dẫn đầu cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và vai trò làm gương cho học trò.

“Cùng với việc tích cực hưởng ứng, làm lan tỏa phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục phát động Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” và các phong trào khác, như xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…, tạo động lực, khí thế để mỗi nhà giáo phát huy tối đa khả năng đổi mới, sáng tạo, chung sức xây dựng sự nghiệp giáo dục Thủ đô phát triển bền vững”, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/991626/thi-dua-doi-moi-sang-tao-day-va-hoc