Thi đua- động lực của những bứt phá

Người lao động là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bởi vậy, việc khơi dậy và phát huy sự sáng tạo của mỗi người lao động được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng thông qua việc phát động các phong trào thi đua. Từ các phong trào thi đua sôi nổi, đã tạo động lực cho người lao động nghiên cứu, sáng tạo ra những sáng kiến làm lợi nhiều tỷ đồng cho doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá vươn lên.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thu nhập của người lao động trong Công ty TNHH May Nam&Co (Kim Sơn) tăng đáng kể. Ảnh: Minh Quang

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thu nhập của người lao động trong Công ty TNHH May Nam&Co (Kim Sơn) tăng đáng kể. Ảnh: Minh Quang

Với sáng kiến "Cải tiến phương thức trao đổi nhiệt của giàn hóa khí Nitơ, từ trao đổi nhiệt lò sang trao đổi nhiệt, khí và nước", anh Đặng Văn Kiều, Ca trưởng, Công ty TNHH Dương Giang - Nhà máy kính nổi Tràng An đã tiết giảm cho nhà máy về nhân công, điện năng tiêu thụ, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị và thay ống; giảm chi phí tra thiếc do bị ôxy hóa, bi dính thiếc bề mặt kính trong quá trình phóng Nitơ chậm… với tổng chi phí tiết giảm trên 6 tỷ đồng/năm. Việc tiết giảm chi phí sản xuất này đã góp phần tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm của nhà máy, theo xu hướng sử dụng tiết kiệm, giảm chi phí vật tư thiết bị và nhân công, tăng thêm thu nhập cho người lao động, đem lại lợi ích kinh tế cho nhà máy.

Anh Đặng Văn Kiều chia sẻ: Người lao động được tiếp xúc trực tiếp với công nghệ sản xuất trong thời gian dài, vì vậy họ chính là người sẽ phát hiện ra những hạn chế của phương pháp sản xuất cũ, từ đó có những ý tưởng mới để cải tạo. Vì vậy, việc công đoàn cơ sở phát động các phong trào thi đua, trong đó có thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thực sự là các hoạt động có ý nghĩa, tạo được sân chơi trí tuệ bổ ích, sáng tạo cho người lao động. Với sự động viên, tạo mọi điều kiện của doanh nghiệp, tôi đã hoàn thiện được sáng kiến của mình.

Tôi rất tự hào và hạnh phúc khi sáng kiến của mình đã góp phần cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất; thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh khi tham gia hội nhập khu vực và quốc tế.

Ông Lê Trí Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Nam&Co, xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) khẳng định: Chất lượng nguồn lao động có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp, nhất là khi thị trường ngày càng được mở rộng và kỹ tính hơn. Lao động là yếu tố để cạnh tranh. Vì vậy, việc nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động được xem là hoạt động thường xuyên, liên tục của Công ty. Với tinh thần ấy, thời gian qua, Công ty đã tổ chức cho người lao động học tập nâng cao trình độ, học nghề, đào tạo lại nghề, thường xuyên tổ chức các hội thi "luyện tay nghề, thi thợ giỏi", thi đua "lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng, an toàn và hiệu quả"; thi đua áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào sản xuất…, thu hút đông đảo người lao động tham gia.

Từ các phong trào thi đua đó đã tạo động lực để người lao động phát huy năng lực, sở trường để đạt hiệu quả tối đa trong lao động. Nếu như trước đây, để hoàn thành 1.000 sản phẩm, Công ty cần có quỹ thời gian là 10 ngày sản xuất, nhưng nay thời gian rút ngắn lại còn 7-8 ngày. Do đó trong 2 năm 2020, 2021, dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, nhưng thu nhập của người lao động tại Công ty vẫn tăng.

Ông Trần Kim Long, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Những năm qua, công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp phát động các phong trào thi đua như: "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất"; "Thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng để nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh khi tham gia hội nhập khu vực và quốc tế"; "Lao động sáng tạo, năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn"... đã góp phần giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, thực hiện tốt các nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, với tỉnh và với xã hội; thu nhập và đời sống của người lao động ngày một nâng cao.

Tính riêng năm 2021, thông qua phong trào thi đua đã có hàng nghìn sáng kiến cấp cơ sở được công nhận, trong đó có 20 đề tài, sáng kiến được công nhận cấp tỉnh; 9 tác giả được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo… Tiêu biểu như giải pháp: "Thiết kế chế tạo máy cắt bê tông cốt thép, cắt khe co gián bê tông nhựa trong xây dựng, giao thông" của tác giả Nguyễn Xuân Quyền, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Xuân Quyền; sáng kiến "Thiết kế, lắp đặt hệ thống cẩu nóc bằng palang ghép lên khoang chính xe Hyundai Accent & Elantra" của tác giả Vũ Văn Hùng, Tổ trưởng xưởng Hàn, Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam...

Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút người lao động tích cực tham gia vào các phong trào thi đua đòi hỏi các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở phải không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy người lao động làm đối tượng vận động.

Biện pháp cụ thể là tập trung đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển tổ chức, tập hợp đông đảo người lao động trong các thành phần kinh tế gia nhập tổ chức công đoàn. Hoạt động này được gắn với việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC-LĐ.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thi-dua-dong-luc-cua-nhung-but-pha/d20220610091322783.htm