Thi đua, khen thưởng phải trở thành động lực để phát triển đất nước
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng nhấn mạnh, cần tránh tình trạng khen thưởng tràn lan và không thực chất.
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân. Ngày 11/6 hằng năm trở thành Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng thực sự có tác dụng to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và tăng cường đoàn kết dân tộc. Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ban thi đua khen thưởng Trung ương về nội dung này.
PV: Thưa ông, trong thời gian qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, xin ông đánh giá những đóng góp của công tác khen thưởng vào thành tựu chung của đất nước như vậy?
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hà: Trước hết có thể khẳng định, theo tinh thần Chỉ thị 34 của BCT đã thực sự là phương thức lãnh đạo, của cấp ủy các cấp và là động lực để phát triển an sinh xã hội, xây dựng con người mới có tác dụng khơi dậy sức mạnh trí tuệ và sức sáng tạo của từng con người, từng cơ quan địa phương đơn vị qua từng giai đoạn.
Đặc biệt, công tác khen thưởng đã tôn vinh kịp thời các cá nhân đạt được thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được làm tốt hơn. Thứ hai, phong trào được tổ chức sâu rộng, đổi mới nội dung, hình thức, phát động thi đua bám sát thực tiễn gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị mà Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo thực hiện trong tất cả hệ thống đảng, chính quyền các cấp và cả nước.
PV: Theo ông trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp gì để công tác thi đua khen thưởng tiếp tục phát huy tác dụng, thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước?
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hà: Phải đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0. Cần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Cấp ủy tổ chức đảng và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của công tác thi đua khen thưởng. Tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan và không thực chất.
Điều này rất cần mỗi đảng bộ, chi bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân. Đổi mới công tác khen thưởng phải hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng cho tập thể nhỏ, công nhân, người lao động, chiến sỹ ở vùng sâu vùng xa, nơi biên giới, hải đảo. Khen thưởng cho các doanh nghiệp, doanh nhân theo tinh thần Thủ tướng phát động phong trào thi đua doanh nghiệp hội nhập và phát triển.
PV: Theo ông, để phong trào thi đua đi vào thực chất thì các cơ quan và mỗi người cần phải làm gì?
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hà:Công tác thi đua khen thưởng đảm bảo thực chất thì trước hết các cơ quan đơn vị phải bố trí làm công tác thi đua khen thưởng, do vậy, cần phải nêu cao vai trò bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng và người đứng đầu. Thứ hai, chúng ta phải bố trí ngay những cán bộ có năng lực, tâm huyết, trình độ và thực tiễn để làm công tác thi đua khen thưởng. Đây phải là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hội nhập quốc tế và công nghệ 4.0 như hiện nay.
Một điều nữa không thể thiếu, đó là tất cả những người được khen thưởng của cấp Bộ, cấp tỉnh như bằng khen của Thủ tướng, Huân chương thì phải được tuyên truyền, nhân rộng và lan tỏa, trở thành những điển hình tiêu biểu để cho nhân dân noi theo. Tất cả những điều này trở thành hiệu ứng lan tỏa lớn cho xã hội.
Nếu làm được như vậy thì công tác thi đua khen thưởng thực sự như Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị đã khẳng định đó là, công tác thi đua khen thưởng luôn là phương thức lãnh đạo của cấp ủy từ trung ương đến cơ sở. Đây cũng là công cụ để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo hiện có và còn tiềm ẩn trong mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân, trong mỗi tập thể với mong muốn được phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị và của đất nước. Cuối cùng đều hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!/.