Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi vùng DTTS: Khơi dậy khát vọng làm giàu
Bình Phước hiện có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm khoảng 20% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo của Trung ương và địa phương, phong trào nông dân, nhất là nông dân đồng bào DTTS thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được Hội Nông dân tỉnh triển khai sâu rộng, đã thu hút đông cán bộ, hội viên tham gia hưởng ứng. Nguồn lực từ phong trào đã tạo điều kiện cho nhiều hộ DTTS vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn.
LINH ĐỘNG, SÁNG TẠO TRONG LÀM KINH TẾ
Tận dụng thời gian nhàn rỗi khá nhiều trong quá trình trồng và chăm sóc cây điều, ông Điểu VRút, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dành nhiều công sức tìm hiểu và triển khai nuôi chim cút thương phẩm. Qua tìm hiểu trên internet, ông tiếp tục đầu tư vốn để nuôi ruồi lính đen, dế nhằm tạo nguồn thức ăn cho chim. Mỗi con chim cút thương phẩm bán ra thị trường giá dao động từ 12-15 ngàn đồng, 1kg dế có giá khoảng 200 ngàn đồng và 2 sản phẩm này đang được thị trường tiêu thụ với số lượng khá lớn.
Ông Điểu VRút chia sẻ: “Bước đầu làm mô hình này không dễ vì bản thân đã lớn tuổi, không có nhiều kinh nghiệm. Song thực hiện được một thời gian thì tôi thấy đam mê. Sản phẩm làm ra đảm bảo sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng nên được nhiều người đón nhận, cố gắng làm thêm thì thu nhập cũng đỡ”.
Với 16 ha đất, trong đó 14 ha cao su, nhờ chịu khó lao động đem lại thu nhập cao cho gia đình giúp ông Phùng Văn Quáng ở ấp 8, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Với tinh thần trách nhiệm của một người công tác lâu năm ở cơ sở; là đại biểu HĐND xã và thành phố Đồng Xoài nhiệm kỳ 2021-2026, ông là người đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phong trào, cuộc vận động, áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Hiện trong tổng 120 hộ dân tộc Tày, Nùng, chiếm 1/3 số hộ dân sinh sống trên địa bàn ấp không còn hộ nghèo, kinh tế ổn định nhờ gắn bó lâu dài với cây cao su, điều và cây ăn trái.
Ông Quáng cho biết: Nhiều năm làm Trưởng ấp, kinh tế gia đình phải vững thì mới thuyết phục được bà con. Đến nay, nhìn chung kinh tế các hộ DTTS trên địa bàn ấp ổn định nhờ tiếp cận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bà con tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nên không còn những tập tục lạc hậu như trước.
Để phong trào mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, sắp tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ xúc tiến xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật thông qua hình thức nông dân dạy nông dân. Kịp thời phát hiện nhân rộng những mô hình, điển hình trong sản xuất, kinh doanh, hướng đến tạo điều kiện cho đồng bào học tập, vận dụng mô hình người thật, việc thật để phát triển kinh tế bền vững.
Bà Đào Thị Lanh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Từ chỗ chỉ gắn bó với cây điều, ruộng lúa, xác định muốn phát triển kinh tế phải gắn với việc đa canh cây trồng, vật nuôi, bà Thị Mương ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã từng bước chuyển đổi, đầu tư cho cây cao su, hồ tiêu, rau màu và nuôi heo thương phẩm. Không chỉ xây dựng cho mình cơ ngơi vững chắc về kinh tế, bà còn là nhân tố đầu tàu trong việc truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống giúp cải thiện thu nhập cho nhiều bà con trong vùng.
Bà Thị Mương cho hay: “Là đảng viên, người có uy tín, bản thân phải luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động. Đặc biệt là chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới để bà con đồng bào nắm bắt, từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao thu nhập.
CHỖ DỰA TIN CẬY Ở CƠ SỞ
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ DTTS đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế về lao động, đất đai, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. Qua đó góp phần giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần.
“Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp, không chỉ làm giàu cho bản thân, các hộ DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh còn là nhân tố đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, cây - con giống. Qua đó tạo động lực quan trọng cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn” - ông Lý Trọng Nhân, Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ.
5 năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã vận động phát triển hơn 14.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 91.064 người; trong đó có 20.047 hội viên DTTS, 17.317 hội viên là tín đồ tôn giáo. Các cấp hội đã xây dựng được 17.841 hội viên nòng cốt, trong đó hội viên nòng cốt là đồng bào DTTS 2.476 người, tín đồ tôn giáo 2.611 người. Hiện toàn tỉnh có 2.455 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là đồng bào DTTS. Đây là lực lượng nòng cốt và là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và tổ chức hội với đồng bào DTTS, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo, nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS và xây dựng 1.000km đường giao thông nông thôn của Tỉnh ủy Bình Phước đã phát huy, mang lại hiệu quả thiết thực thời gian qua. Phong trào nông dân DTTS thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh có sức lan tỏa sâu rộng, đã tạo sức bật quan trọng, tạo điều kiện cho các hộ DTTS phát huy truyền thống cần cù, mạnh dạn tiếp thu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nhận thức được nâng lên, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Phong trào được triển khai sâu rộng thời gian tới tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng DTTS cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới; tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh Bình Phước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.