Thi đua tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua, khen thưởng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, các đại biểu đại diện cho các tập thể và các cá nhân điển hình tiên tiến đã tham luận nhiều kinh nghiệm quý, cách làm hay trong triển khai thực hiện, hưởng ứng các phong trào thi đua.

Giám đốc Sở Y tế Hoàng Quốc Hương: Ngành y tế quyết tâm nỗ lực phòng, chống Covid - 19

Giám đốc Sở Y tế Hoàng Quốc Hương.

Giám đốc Sở Y tế Hoàng Quốc Hương.

Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới và Việt Nam nói chung, trong đó có tỉnh Lào Cai. Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhiều cán bộ có năng lực, tâm huyết với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, các lực lượng tuyến đầu chống dịch như công an, y tế, quân đội… đã nỗ lực triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch: Thần tốc truy vết, cách ly, xét nghiệm, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị cho các bệnh nhân; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các vùng không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân. Nhiều y, bác sỹ đêm thức trắng, làm việc với cường độ gấp nhiều lần, tất cả vì an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Bất chấp mọi khó khăn, không kể ngày đêm, mưa nắng, các nhân viên y tế phải tham gia truy vết thật nhanh, xét nghiệm thần tốc, điều trị tích cực, tìm mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân, đau cùng nỗi đau của bệnh nhân, vui mừng, hạnh phúc khi bệnh nhân khỏi bệnh.

“Đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế tỉnh Lào Cai đã và đang kiên cường chiến đấu với dịch bệnh, họ xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y như từ mẫu”.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Trong năm qua, mặc dù vừa phải thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên địa bàn tỉnh, nhưng để chia lửa với các địa phương có tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, tỉnh Lào Cai đã cử 4 đoàn gồm 170 thầy thuốc, các y, bác sỹ, các nhân viên, cán bộ y tế với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho 3 địa phương là Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai chống dịch.

Trên cơ sở những bài học, kinh nghiệm đúc kết trong 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch; ngành y tế sẽ nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trước mắt, tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong xã hội và tạo điều kiện tốt cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế: Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”

Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Ngô Minh Quế.

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã rút ra được kinh nghiệm, đó là phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của ban chỉ đạo, tổ giúp việc. Đặc biệt là ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã, trong đó Đảng ủy cần có nghị quyết phân công cấp ủy phụ trách các chi bộ về xây dựng nông thôn mới.

Tích cực tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát động phong trào thi đua ở các thôn, các đoàn thể gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”.

Bên cạnh đó, chú trọng tới việc huy động mọi nguồn lực tập trung cho xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, chủ động khai thác, huy động mọi nguồn lực của địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tổ chức quy hoạch và lập dự án khu dân cư mới ở các vị trí giá đất thị trường để tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn các tiêu chí ưu tiên về trường học, trạm y tế và các tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị, văn hóa - xã hội có vai trò thúc đẩy phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chọn thực hiện các dự án, công trình cấp bách phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm phát huy hiệu quả của dự án, không đầu tư dàn trải. Mặt khác, phải có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và làm tốt công tác thi đua - khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới...

Huyện Bảo Thắng đưa ra các giải pháp để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025, đó là:

Làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng lòng chung sức của người dân, gắn kết chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền trong suốt quá trình thực hiện duy trì và nâng cao từng tiêu chí nông thôn mới; đồng thời, tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo.

Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Tranh thủ các nguồn vốn theo phương châm “đa dạng hóa các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn từ bên ngoài”. Vận động ủng hộ đóng góp của các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ động đề xuất các công trình xây dựng theo quy hoạch chi tiết thực hiện xây dựng kế hoạch vốn hằng năm và cho từng dự án cụ thể; ưu tiên việc chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa. góp phần tăng thu nhập cho nhân dân; xây dựng mạng lưới giao thông, thủy lợi, nhà ở dân cư, trường học, các công trình điện nước, thông tin liên lạc, cơ sở bảo vệ môi trường... phù hợp với từng tiêu chí nông thôn mới.

Tăng thu ngân sách; khai thác thế mạnh phát triển kinh tế của mỗi địa phương để gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời, cần tăng cường nguồn thu cho ngân sách từ thu tiền sử dụng đất thông qua rà soát, xây dựng các khu trung tâm xã phù hợp với quy hoạch trung tâm xã theo tiêu chí nông thôn mới để tạo quỹ đất; rà soát chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các hộ làm nhà trên đất nông nghiệp nếu đủ điều kiện theo quy hoạch.

Khai thác tối đa nội lực, huy động sức dân kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên cho phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, hạ tầng nông thôn. Lồng ghép các nguồn lực hoàn thiện việc xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao; đồng thời, tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời có hiệu quả các chính sách. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình tiêu biểu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào quyên góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”. Có chế độ khen thưởng đối với những xã, thị trấn đăng ký thực hiện và hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được lâu dài, hiệu quả, đề nghị tỉnh cần quan tâm nghiên cứu bổ sung thêm các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang phải đối mặt liên quan đến những khó khăn về đầu vào (mặt bằng sản xuất, nhân lực, nguyên nhiên vật liệu, chính sách thuế, chính sách cho vay vốn...) và đầu ra của sản xuất (thị trường tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, thủ tục hành chính, xây dựng thương hiệu...).

Từ thực tiễn xây dựng đường điện, đường hoa trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện nay, là huy động nguồn lực từ sự đóng góp công sức của toàn xã hội, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới theo khẩu hiệu "Đường rộng, sáng điện, nhiều hoa/Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển"...

Cũng xin đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét triển khai, nhân rộng trên địa bàn tỉnh để làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, mang nét riêng mới, đặc sắc của tỉnh Lào Cai.

Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú (Văn Bàn) Trần Tiến Dũng: Thi đua phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú Trần Tiến Dũng.

Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú Trần Tiến Dũng.

“Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân” là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Xác định được điều đó, những năm qua, xã Liêm Phú đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại những đổi thay tích cực trên các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ.

Chính từ việc ưu tiên các nguồn lực cho phát triển kinh tế, nên đến nay đời sống của người dân xã Liêm Phú được cải thiện tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 21,82% năm 2016 xuống còn 2,27% năm 2021; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 36,5 triệu đồng/năm, tăng 23,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Cùng với những kết quả đạt được trong các lĩnh vực, đến 2019 xã Liêm Phú đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 1 năm so với Nghị quyết Đảng ủy xã đã đề ra.

Từ thực tiễn chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Liêm Phú rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, không ngừng đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức sản xuất, chuyển đổi từ tư duy sản xuất truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hai là, làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất và định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, chất lượng. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh; mở rộng diện tích sản xuất tập trung. Làm tốt công tác khuyến nông, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp để người dân yên tâm phát triển sản xuất.

Ba là, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại hiện có và du nhập nghề mới phù hợp với điều kiện của địa phương; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351943-thi-dua-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te--xa-hoi