Thi đua xây dựng nền tài chính quốc gia ngày càng lớn mạnh
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày, mùng 9 và 10/12 với 2.300 đại biểu tham gia. Đoàn đại biểu Bộ Tài chính tham dự Đại hội có 18 đồng chí. Những năm qua, thi đua thực sự là động lực để xây dựng ngành Tài chính ngày càng lớn mạnh.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách
Dịp Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc nhằm biểu dương những điển hình, tấm gương tiên tiến trong cả nước, nhằm nhân lên và khơi dậy nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân trên cương vị công tác của mình, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Bộ Tài chính là cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Tài chính đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, từng bước xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh và hiệu quả. Trong suốt những chặng đường phát triển, toàn Ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong đó, phải kể đến ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Trong giai đoạn 2015-2019, Bộ Tài chính đã luôn chủ động, tích cực trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó, chú trọng đổi mới đồng bộ hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu, rộng.
Việc ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, phải kể đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quản lý thuế; quản lý NSNN; tài sản công; thị trường tài chính; bảo hiểm; quản lý giá…
Bộ Tài chính trong nhiệm kỳ qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, chi ngân sách hàng năm; cơ cấu thu, chi NSNN ngày càng bền vững; cân đối ngân sách tích cực, nợ công được kiểm soát và sử dụng một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia, thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Minh chứng là trong giai đoạn 2015-2019, thu NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực, kết quả thu NSNN năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân tăng khoảng 8,3%/năm. Kết quả thu NSNN trong giai đoạn 2015-2019 cho thấy, quy mô thu NSNN năm 2019 tăng 1,81 lần so với năm 2014; tính chung quy mô thu NSNN 5 năm giai đoạn 2015-2019 gấp 1,82 lần giai đoạn 2010-2014. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, giai đoạn 2015-2019 đạt khoảng 80% (năm 2018 là 80,6%, năm 2019 là 82%, theo đúng định hướng tại Đại hội Đảng XII là tăng tỷ trọng thu nội địa) (giai đoạn 2010-2014 là 68,7%), đạt mục tiêu trước 5 năm theo Chiến lược tài chính đến năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết 07-NQ/TW là đến năm 2020 đạt 84% - 85%.
Chi NSNN ngày càng chặt chẽ, tiết kiệm, góp phần nâng cao hiệu quả chi NSNN, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Cân đối ngân sách tích cực, nợ công được kiểm soát ở mức an toàn. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2015-2019 là 4,3% GDP, giảm 1% so với giai đoạn 2010-2014 (là 5,3%); năm 2019 là 3,4%, đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết 07-NQ/TW (đến năm 2020 xuống dưới 3,44% GDP). Nợ công, nợ Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2019 ước đạt lần lượt là dưới 55% GDP và 48,5% GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.
Nhắc đến thành công trong điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN nhiệm kỳ vừa qua, không thể không nhắc đến kết quả trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Tài chính.
Ngành Tài chính đã đột phá trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các quy trình quản lý hiện đại vào công tác quản lý tài chính - NSNN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính; giảm thủ tục hành chính, giảm hồ sơ giấy tờ, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 7 năm liên tục (2013-2019), Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 bộ dẫn đầu về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và luôn giữ vị trí đứng đầu trong khối các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).
Các đơn vị trong ngành Tài chính đã quyết liệt thực hiện đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Đảng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tài chính. Kết quả, bộ máy của ngành Tài chính đã được kiện toàn, giảm gần 5.400 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương. Trong đó: cấp phòng thuộc cục địa phương giảm 21,2%; cấp chi cục giảm 13,2% và cấp tổ (đội) giảm 54,9%. Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được 2.719 đầu mối đơn vị hành chính.
Thi đua mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, người dân
Điểm lại phong trào thi đua trong thời gian quan, ngành Tài chính đã phát động và tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước; cùng với đó, không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn 2015-2019, Bộ Tài chính đã tổ chức phát động 5 phong trào thi đua thường xuyên xuyên suốt trong toàn Ngành với các khẩu hiệu, nội dung thi đua và giải pháp hành động cụ thể gắn liền với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế đất nước tại thời điểm phát động và hướng tới mục tiêu chung là phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, đó là quản lý, điều hành NSNN chủ động, có hiệu quả, đồng thời phát triển mạnh thị trường dịch vụ tài chính nhằm đa dạng hóa các công cụ huy động nguồn lực.
Thi đua là thiết thực, không phải các câu khẩu hiệu sáo rỗng, mà để lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến. Những kết quả thi đua của ngành Tài chính được đong đếm bằng tiền, bằng thời gian tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp.
Với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2015 đến năm 2019, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các các văn bản quy định, hướng dẫn về các cơ chế, chính sách tài chính.
Nhờ đó, giai đoạn 2016-2019, tổng mức vốn đã huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 1.268.823,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2019, NSNN đã bố trí 14.445,2 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần thực hiện các nhiệm vụ của giảm nghèo bền vững.
Hay ví dụ như phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, giai đoạn 2017-2019, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Thời gian nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 300 giờ từ 537 giờ (năm 2014) xuống còn 237 giờ năm 2020; thời gian thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới giảm được khoảng 297 giờ từ 408 giờ (năm 2014) xuống còn 111 giờ năm 2020; thời gian tiếp nhận và thông qua đối với hàng luồng xanh chỉ còn từ 1-3 giây…
Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V của ngành Tài chính vừa qua, nhắc đến truyền thống thi đua yêu nước của ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, truyền thống đó đã khơi dậy tinh thần tốt đẹp, quyết tâm vượt khó, vinh dự tự hào là cán bộ ngành Tài chính, để không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu hơn nữa, đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho ngành, cho đất nước trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngành Tài chính từ khi thành lập đã có nhiều cách làm sáng tạo để tạo ra của cải và ngân sách, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc gian khổ mà anh hùng. Đặc biệt, trong hành trình 35 năm đổi mới, chứng kiến sự đổi thay lớn lao của đất nước, thế và lực của ta đã mạnh hơn nhiều, trong đó có sự đóng góp của ngành Tài chính.../.
Ngành Tài chính đón nhận nhiều phần thưởng cao quý
Với những thành tích, đóng góp trên, trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Tài chính đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh năm 1995, Huân chương Sao vàng năm 2000; Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 năm 2015.
Từ năm 2015 đến nay, trong toàn Ngành đã có 526 tập thể và 3.255 cá nhân đã được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý gồm: Anh hùng Lao động cho 1 tập thể; Huân chương Độc lập các hạng cho 10 tập thể và 11 cá nhân; Huân chương Lao động các hạng cho 213 tập thể và 1.003 cá nhân; Huân chương Chiến công các hạng cho 34 tập thể và 79 cá nhân; Bằng khen Thủ tướng cho 178 tập thể và 2.473 cá nhân; Cờ Thi đua của Chính phủ cho 177 tập thể và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc.
Bộ Tài chính đã tặng thưởng: Cờ thi đua của Bộ cho 661 tập thể; Chiến sỹ thi đua ngành Tài chính cho 4.882 cá nhân; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 8.529 tập thể, 34.990 cá nhân; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tài chính cho 13.239 cá nhân và danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cho 13.764 tập thể.