Thi dùng AI để giới thiệu sách trên TikTok

Xem AI là động lực để trau dồi kiến thức, đồng thời ứng dụng AI để lan tỏa văn hóa đọc là cách làm sáng tạo được kỳ vọng góp phần đưa sách hay đến tay bạn trẻ.

 Bạn trẻ đến tham dự Lễ phát động cuộc thi BookTok và tọa đàm “Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Ảnh: BTC.

Bạn trẻ đến tham dự Lễ phát động cuộc thi BookTok và tọa đàm “Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Ảnh: BTC.

Nhằm tạo ra sân chơi ứng dụng công nghệ để lan tỏa văn hóa đọc giúp bạn trẻ quan tâm, tò mò hơn về sách, Ban Thường vụ Thành Đoàn Thủ Đức phối hợp với Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kinh tế xuất bản, Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức tổ chức cuộc thi: “BookTok - Sử dụng các công cụ AI để lan tỏa văn hóa đọc”. Lễ phát động diễn ra vào sáng 19/4 tại Đường sách TP Thủ Đức (TP.HCM).

Phát động cuộc thi BookTok

Đoàn viên, thanh niên sẽ thực hành ứng dụng công cụ AI trên điện thoại thông minh của mình, dựng 1 video dài từ 30 giây đến 1 phút 30 giây để review (bình luận, giới thiệu) 1 cuốn sách mà mình tâm đắc; gửi về để đăng tải trên Fanpage “Tuổi trẻ Thành phố Thủ Đức”. Điểm số được tính dựa trên lượt bình chọn trực tuyến và điểm từ ban giám khảo.

Tiêu chí chấm giải bao gồm: Nội dung đúng chủ đề, truyền tải thông điệp tích cực, có giá trị giáo dục; Hình ảnh hoặc video chất lượng cao, rõ nét; Bố cục hợp lý, sáng tạo, có chiều sâu; Có yếu tố nghệ thuật hoặc cá nhân hóa rõ nét.

Ông Nguyễn Thanh Hân - Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kinh tế xuất bản - chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành người lan tỏa tri thức. Tôi thật sự vui khi thấy văn hóa đọc ngày nay không chỉ dừng lại ở việc đọc - mà còn là kể lại, chia sẻ, truyền cảm hứng bằng chính những công cụ công nghệ quen thuộc như AI, như BookTok. Điều này cho thấy khi thế hệ trẻ bắt đầu đọc và kể lại câu chuyện của sách theo cách riêng của mình, thì văn hóa đọc đang có một sức sống mới - năng động hơn, gần gũi hơn và đầy sáng tạo”.

Chương trình nhận được sự đồng hành từ các đơn vị: Tạp chí Tri Thức (Znews), Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Đường Sách TP Thủ Đức, Trung tâm Công tác Xã hội Thanh thiếu niên, Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên TP.HCM và Câu lạc bộ Công tác xã hội Chuyến xe yêu thương.

 Các diễn giả tại tọa đàm “Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Ảnh: BTC.

Các diễn giả tại tọa đàm “Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”. Ảnh: BTC.

Quá trình "góp gió thành bão"

Cũng trong khuôn khổ chương trình sáng 19/4 tại Đường sách TP Thủ Đức, tọa đàm “Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo” được thực hiện. Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng gửi đi thông điệp: Cần thêm nhiều cách làm sáng tạo, "hợp thời" để sách hay đến tay bạn đọc.

Theo nhà thơ Nguyễn Phong Việt, 10 trang sách mỗi ngày có thể giúp mỗi người "góp gió thành bão": Nếu có thể duy trì thói quen nhỏ này, thì mỗi tháng có thể hoàn thành một cuốn sách. Vốn là một người làm tự do (freelancer), song Phong Việt không cảm giác bị đe dọa trước sự trỗi dậy của AI. Thay vào đó, anh xem việc AI "trên thông thiên văn dưới tường địa lý" là động lực để anh trau dồi, học tập để giỏi lên mỗi ngày.

Anh tâm niệm mỗi cuốn sách hữu duyên đến với người đọc sẽ mang ý nghĩa nhất định, tương ứng với từng thời điểm trong cuộc đời. Có thể một cuốn sách ta từng yêu thích nay ngẫm lại không còn thấy hay, nhưng cuốn sách đó đã góp phần tạo nên ta của hôm nay. Do đó, anh nghĩ bạn trẻ đang trên hành trình khám phá sở thích đọc sách không nên đặt áp lực về số lượng hay tự gò bó mình trong một dòng sách nhất định.

Nhà thơ cũng cho rằng không có cuốn sách nào có tác dụng "thần kỳ" mang đến một thành tựu lớn ngay trước mắt, một bước ngoặt trong ngày một ngày hai. Thay vào đó, đọc sách cũng tương tự hành trình của cậu bé dùng chiếc rổ đựng than đan bằng tre nứa ra suối lấy nước, dù nước luôn trôi hết song thời gian trôi qua, thì chiếc rổ đã sạch sẽ tự lúc nào: Kiên trì thâu nạp kiến thức từ sách để mài giũa tư duy thì đến lúc tư duy sẽ dần dần rộng mở.

Tiếp nối ý trên, chị Ông Thị Ngọc Linh - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho rằng tùy thuộc vào thể loại sách và mục đích đọc mà độc giả có thể chọn "chiến lược" phù hợp. Nếu như đọc sách giáo trình, sách kiến thức, kỹ năng cần ghi nhớ chi tiết thì đọc sách văn học, điều quan trọng là giá trị cảm nhận được qua cuốn sách khiến ta rung động, cảm giác thôi thúc được sống đẹp, sống tốt hơn.

Từng làm công tác thanh niên trước khi chuyển sang làm trong lĩnh vực xuất bản, chị Ông Thị Ngọc Linh nhận định "để đưa sách hay đến tay người trẻ còn khó hơn làm ra một cuốn sách hay". Do đó mà hiện nay nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đẩy mạnh hợp tác cùng những KOL có lượng người theo dõi lớn, có sức lan tỏa trên mạng xã hội như Hoàng Nam Tiến, Khánh Vy... với kỳ vọng những xuất bản phẩm giá trị tiếp cận được đúng đối tượng bạn đọc.

Nữ sinh Bùi Ngọc Hân, đam mê đọc sách và có nhiều thành tích khuyến đọc, chia sẻ tại tọa đàm: "Không chỉ ấn tượng bởi nội dung hay hình thức, mà người trẻ còn quan tâm đến cách một cuốn sách có thể giúp phát triển bản thân".

Là một gen Z, Hân quan sát và nhận thấy bên cạnh những phương thức truyền thống, người trẻ ngày nay còn quan tâm đến những hình thức sách hiện đại như sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook). Hơn nữa, phần đa giới trẻ quan tâm đến những nội dung ngắn ở dạng video trên mạng xã hội, không quá nặng nề mà mang tính giới thiệu nhẹ nhàng, truyền cảm hứng.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-dung-ai-de-gioi-thieu-sach-tren-tiktok-post1547122.html