Thi hạng GPLX nào sẽ chấm điểm tự động?

Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe.

Minh bạch trong sát hạch cấp GPLX

Tại Dự thảo, Bộ GTVT đề xuất bổ sung nhiều quy định về công tác đào tạo lái xe, nhằm phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Việc bắt buộc lắp thiết bị chấm điểm tự động đối với một số hạng GPLX để đảm bảo tính minh bạch trong sát hạch cấp GPLX (Ảnh minh họa).

Việc bắt buộc lắp thiết bị chấm điểm tự động đối với một số hạng GPLX để đảm bảo tính minh bạch trong sát hạch cấp GPLX (Ảnh minh họa).

Đáng lưu ý, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thiết bị chấm điểm tự động với GPLX các hạng: B1, BE, CE, D1E và DE.

Bộ GTVT cho biết, quy chuẩn quốc gia về Trung tâm Đào tạo, sát hạch đã được áp dụng trên toàn quốc từ năm 2015. Việc chấm điểm tự động, tạo tính công khai minh bạch trong quá trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, do điều kiện công nghệ chưa cho phép nên còn một số hạng GPLX chưa được lắp thiết bị chấm điểm tự động.

Vì vậy, việc quy định có lộ trình bắt buộc lắp thiết bị chấm điểm tự động đối với một số hạng B1, BE, CE, D1E và DE để sát hạch trước ngày 1/7/2026 là cần thiết.

"Việc chấm điểm tự động góp phần công khai minh bạch kết quả sát hạch, đảm bảo nguyên tắc thống nhất của toàn bộ quy trình sát hạch lái xe. Đồng thời, triển khai thiết bị chấm điểm tự động sẽ đáp ứng yêu cầu chia sẻ và tích hợp với các cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT khác, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong lĩnh vực giao thông đường bộ", Bộ GTVT cho hay.

Từ những căn cứ trên, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án: Phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành. Phương án 2 là quy định cụ thể về chấm điểm tự động đối với các hạng B1, BE, CE, D1E và DE

Đánh giá về tác động của hai phương án, Bộ GTVT cho biết, nếu giữ nguyên như quy định hiện hành (phương án 1), không làm thay đổi chi phí đầu tư của nhà nước và xã hội, không phát sinh chi phí nhưng sẽ không đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử.

Trong khi đó, nếu bổ sung quy định chấm điểm tự động đối với các hạng B1, BE, CE, D1E và DE (phương án 2) sẽ phát sinh chi phí đầu tư của doanh nghiệp nhưng tăng tính hiệu quả, công khai minh bạch trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Về xã hội, quy định này sẽ giúp hoạt động sát hạch lái xe đảm bảo được thống nhất trong phạm vi toàn quốc, toàn bộ GPLX các hạng đều được chấm điểm tự động. Đặc biệt, quy định sẽ đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

"So sánh tác động của từng giải pháp cho thấy lựa chọn giải pháp tối ưu là phương án 2 là bổ sung quy định chấm điểm tự động đối với các hạng B1, BE, CE, D1E và DE", Bộ GTVT khẳng định.

Bổ sung sát hạch đối với 2 hạng GPLX mới

Cũng tại dự thảo quy chuẩn, Bộ GTVT cũng cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về GPLX để điều khiển xe ô tô tải, ô tô tải khi kéo rơ moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi gồm: Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên; hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi.

Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Giao thông đường bộ cũng quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX các hạng C và hạng D.

Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đã phân lại hạng bằng lái xe. Trong đó, có thêm hạng C1, D1 và quy định hạng GPLX để điều khiển xe ô tô tải, ô tô tải khi kéo rơ-moóc, ô tô chở khách đến 30 chỗ ngồi như sau:

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho GPLX hạng B.

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B và hạng C1.

Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C.

Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1.

Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ-moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.

Từ đây, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về sát hạch lái xe các hạng C1, D1 để đảm bảo việc tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên. Song song đó, đảm bảo tính thống nhất và khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thi-hang-gplx-nao-se-cham-diem-tu-dong-192240905163115295.htm