Thi hành sớm 4 luật: Không hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chuẩn bị kỹ càng để không tạo khoảng trống pháp luật, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.

Đảm bảo đủ các điều kiện để thi hành luật từ 1/8/2024

Một nội dung đáng chú ý trong chương trình Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đó là cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

UBTVQH đã dành thời gian thảo luận về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh hiệu lực thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

“Chính phủ đã rất nỗ lực để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án luật. Ủy ban Kinh tế đã rất trách nhiệm, khách quan và toàn diện để thực hiện thẩm tra và chỉ ra nhiều vấn đề phải thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án luật; đồng thời, thể hiện quan điểm ủng hộ chủ trương để 4 luật sớm đi vào cuộc sống” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã giải trình các điểm có liên quan theo yêu cầu của cơ quan thẩm tra với tinh thần hết sức cầu thị và bổ sung các tài liệu cần thiết để tiếp tục phục vụ cho quá trình thẩm tra.

Qua thảo luận và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành luật từ ngày 1/8/2024.

Ngoài ra, UBTVQH yêu cầu Chính phủ rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại của từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật. Nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian, hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật để có giải pháp kiểm soát và khắc phục.

Không gây ách tắc, khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Chính phủ cần cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật như thuyết minh trong Tờ trình của Chính phủ.

Nhiều kỳ vọng tích cực cho thị trường bất động sản khi Luật Đất đai mới có hiệu lực. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Nhiều kỳ vọng tích cực cho thị trường bất động sản khi Luật Đất đai mới có hiệu lực. Ảnh: Tư liệu minh họa.

UBTVQH yêu cầu Chính phủ phải rà soát kỹ để khi thực hiện không tạo khoảng trống pháp luật, pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm. Không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.

“Ngoài ra, không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Ngoài các nội dung nêu trên, UBTVQH còn tham gia một số ý kiến cụ thể; đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của UBTVQH và ý kiến của các cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật trình UBTVQH, Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Bảy theo thủ tục rút gọn.

Tổng thư ký Quốc hội xây dựng báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh chương trình kỳ họp, bố trí thời gian trình bày trước Quốc hội, thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và biểu quyết thông qua dự án Luật cho phù hợp và đúng quy định./.

Bế mạc Phiên họp thứ 34 của UBTVQH

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ 34.

Phiên họp thứ 34 họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Phiên họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại đợt 2 của Kỳ họp thứ Bảy liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cử tri, Nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi, Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH đã thảo luận rất kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung.

UBTVQH đã cho ý kiến 8 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

UBTVQH cho ý kiến 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-hanh-som-4-luat-khong-hop-thuc-hoa-cac-sai-pham-loi-ich-nhom-152947.html