Thi hành sớm các luật: Áp lực rất lớn trong ban hành văn bản hướng dẫn

Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật sớm đi vào cuộc sống, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình.

Chiều 19/6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật được bố cục thành 5 điều, được sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Riêng khoản 10, Điều 255 và khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã được xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng chịu tác động.

Chính phủ khẳng định các văn bản quy định chi tiết theo các văn bản này đã được xây dựng theo đúng trình tự, thứ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ được ban hành trong tháng 6/2024 khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.

Đối với các văn bản giao HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành, các địa phương tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn để gửi các Bộ xem xét, cho ý kiến để ban hành kịp thời, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống "không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này".

Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng hai khía cạnh: Tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 1/8/2024; mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về điều kiện bảo đảm thi hành luật, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan Trung ương ban hành, đến ngày 18/6/2024 mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành, đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ.

Đối với địa phương, hồ sơ dự án Luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật (văn bản hướng dẫn của địa phương gồm 20 nội dung đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở; ngoài ra có những văn bản có thể phải căn cứ vào các quyết định, nghị định, thông tư của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương mới có thể xây dựng được).

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản từ địa phương. Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm; một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật.

Có ý kiến cho rằng dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương được ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ các văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày 1/8/2024; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng khó bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu đề ra.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, làm rõ ngoài những văn bản mà theo yêu cầu của các luật còn có những văn bản nào khác mà các địa phương phải ban hành; dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-hanh-som-cac-luat-ap-luc-rat-lon-trong-ban-hanh-van-ban-huong-dan-post35844.html