Thị hiếu và đám đông
Bố già chiến thắng vang dội ở phòng vé, phá vỡ hầu hết các kỷ lục của điện ảnh Việt. Sự phân cực khán giả và câu chuyện thị hiếu đám đông càng trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Bố già chính thức trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, hiện thực hóa ước mơ vượt mốc 10 triệu USD. Thành công của bộ phim là sự cộng hưởng nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Trong làn sóng “ngợi ca” và cả không ít những màn khóc sướt mướt khi ra khỏi rạp của một bộ phận khán giả, những ý kiến trái chiều (phim giống như kịch điện ảnh, tính dàn xếp và sắp đặt lộ liễu) càng tạo nên hiệu ứng tò mò trên mạng xã hội. Hình ảnh khán giả xếp hàng dài nhưng không mua được vé, thậm chí có cả vé chợ đen, dường như càng là liều “doping” kích thích người xem.
Trong thành công với vô số kỷ lục, không thể phủ nhận phim đã chạm đến cảm xúc của một bộ phận khán giả. Nhưng, thẳng thắn mà nói, Bố già vừa có chiến lược kinh doanh nhạy bén, vừa quá may mắn. Việc không thể ra mắt vào mùa tết và tránh phải đụng độ với các bộ phim “nặng ký” chẳng khác đem đến may mắn bất ngờ cho bộ phim. Bố già được tung ra đúng thời điểm khán giả “đói” phim và đã có những đòn phủ đầu mạnh mẽ so với đối thủ Gái già lắm chiêu V, một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa, nhưng tiếc thay có phần xa hoa với người xem. Vắng bóng hầu hết các phim Hollywood đình đám, nhà phát hành hỗ trợ tối đa suất chiếu cho phim nội địa, nghiễm nhiên, Bố già luôn chiếm đến hơn 50% tổng số suất chiếu/ngày của toàn thị trường.
Chưa có bất kỳ nhà làm phim nào, kể cả những đạo diễn trăm tỷ dám mạnh miệng tuyên bố, họ hiểu khán giả. Do đó, tuyên bố: “Bộ phim của tôi càng thành công thì chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý càng lớn” của Trấn Thành gây ra không ít tranh cãi. Trong số hàng triệu tấm vé đã bán ra của Bố già, không ít khán giả đến rạp vì độ nổi tiếng của Trấn Thành (anti cũng có) khi anh sở hữu fanpage hơn 17 triệu người theo dõi và hiệu ứng từ webdrama cùng tên trước đó. Khán giả đến rạp, cũng có thể vì hiệu ứng truyền miệng, vì chủ đề gia đình của phim và chắc chắn, không thiếu hiệu ứng đám đông.
Phải xem Bố già, chụp cuống vé, viết vài dòng review, thậm chí đăng tải clip khóc lóc… mới “hot”. Trấn Thành đã thành công khi lần đầu lấn sân đạo diễn, nhưng “trường phái phim Trấn Thành”, như cách nói có phần ngông của anh, cần thời gian để soi tỏ.
Gần đây, điện ảnh Việt có xu hướng, khán giả chỉ chọn 1 phim giữa các phim ra mắt cùng thời điểm. Sự phân cực này nhìn từ thành công của Bố già hay trước đó là Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử phản ánh rõ nét. Một phim có thể cán mốc 200 tỷ đồng, trong khi phim còn lại có thể chỉ 20 tỷ đồng, thậm chí là 2 tỷ đồng. Khán giả bỏ tiền, họ có quyền. Điều đó đúng. Nhưng, điều này tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho thị trường, khi nó không kích thích các nhà đầu tư. Thước đo thành công bằng doanh thu là đúng, nhưng chưa đủ để đánh giá chất lượng một bộ phim. Hãy để thông điệp phim chạm đến khán giả theo cách thuần túy và nguyên sơ nhất, không cần sự dẫn dắt, giọt nước mắt theo trend hay lời lẽ ngông cuồng nào.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thi-hieu-va-dam-dong-719388.html