Thi họa tương ngộ trong tranh thủy mặc của Hoài Phương

'Tụng ca vô thường' là triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ Hoài Phương (đang sống ở Ý) tại Việt Nam với 30 tác phẩm tranh thủy mặc giàu ý thơ, suy tư triết lý về con người và cuộc đời. Triển lãm kéo dài từ ngày 7-8 đến 3-9 tại Annam Gallery, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Theo chia sẻ của Hoài Phương, 30 tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Tụng ca vô thường” được cô chọn minh họa trong số hàng trăm bài Haiku của nhà thơ Pháp Hoan. Cô chọn lọc những bài Haiku của Pháp Hoan để vẽ minh họa bởi "tìm được trong đó sự đồng điệu".

Họa sĩ Hoài Phương hiện đang sống cùng chồng với hai người con ở Bologna, Ý. Chị cho biết, mặc dù bận rộn, chị vẫn duy trì niềm đam mê của mình và hy vọng hội họa không chỉ làm cho cuộc sống của chị thêm phong phú, mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng và những người xung quanh. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Họa sĩ Hoài Phương hiện đang sống cùng chồng với hai người con ở Bologna, Ý. Chị cho biết, mặc dù bận rộn, chị vẫn duy trì niềm đam mê của mình và hy vọng hội họa không chỉ làm cho cuộc sống của chị thêm phong phú, mà còn truyền cảm hứng cho cộng đồng và những người xung quanh. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Kết hợp thơ ca vào tranh thủy mặc là cách sáng tạo độc đáo để nữ họa sĩ thể hiện sự tương tác đa chiều giữa hai hình thức nghệ thuật này đến với công chúng.

Tác phẩm “Những đóa phù dung” minh họa cho bài thơ: “Ngày rồi lại đêm/những đóa phù dung/tàn rồi lại nở”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tác phẩm “Những đóa phù dung” minh họa cho bài thơ: “Ngày rồi lại đêm/những đóa phù dung/tàn rồi lại nở”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Truyền thống kết hợp văn chương và hội họa đã xuất hiện từ lâu đời tại Đông Phương, đặc biệt thịnh hành tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…với quan niệm “Thi họa đồng nguyên, họa thi thư hợp nhất”.

Tác phẩm “Phật Trùng” minh họa cho bài thơ: “Côn trùng kêu vang/bên trong tượng Phật/ngôi chùa bỏ hoang’. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tác phẩm “Phật Trùng” minh họa cho bài thơ: “Côn trùng kêu vang/bên trong tượng Phật/ngôi chùa bỏ hoang’. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Cũng bởi lẽ, thơ và họa đều xuất phát từ nguồn gốc cùng chung những quan niệm triết học về thế giới, về cái nhìn vũ trụ. Vì thế tranh thủy mặc của họa sĩ Hoài Phương vừa chú trọng mô tả bản chất của sự vật, hiện tượng thông qua hình ảnh, vừa là bức tranh ngôn từ hiển lộ cảm xúc hay một ý nghĩa sâu xa không thể diễn tả bằng lời.

Hoài Phương là họa sĩ trẻ với nhiều ưu tư, suy ngẫm về thế giới, vì thế tạo vật trong tranh của chị không chỉ là sự tái hiện mà còn thể hiện những mối quan hệ tâm linh huyền bí của con người và tạo vật, giữa cái nhất thời và cái trường cửu.

Tác phẩm “Bốn núi”, minh họa cho bài thơ: “Bốn núi bủa vây/sáng nay thức dậy/thấy mình là cây”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Tác phẩm “Bốn núi”, minh họa cho bài thơ: “Bốn núi bủa vây/sáng nay thức dậy/thấy mình là cây”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Bức "Bốn núi" là tác phẩm mang đậm tính biểu cảm. Hoài Phương sử dụng nét vẽ công-tả mềm mại để tái hiện khung cảnh bốn ngọn núi cao trùng điệp bao vây cây đại thụ. Điểm đặc sắc của tác phẩm này là những ẩn ý đậm chất tư duy triết học về bốn nỗi khổ của con người theo Phật giáo là sinh, lão, bệnh, tử.

 Tác phẩm “Đại tuyết” minh họa cho bài thơ: “Tuyết đã xuống rồi/mau mang tượng Phật/bổ làm củi thôi. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tác phẩm “Đại tuyết” minh họa cho bài thơ: “Tuyết đã xuống rồi/mau mang tượng Phật/bổ làm củi thôi. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Bức “Đại tuyết” mô tả giới hạn thể xác, ngụ ý con đường tu hành của vị thiền sư đã dừng lại giữa chừng vì cơn lạnh và đem tượng Phật ra chẻ làm củi đốt. Bức tranh này dựa trên những câu thơ của Pháp Hoan: “Tuyết đã xuống rồi/mau mang tượng Phật/chẻ làm củi thôi”.

Tác phẩm “Miền Kinh Bắc” minh họa cho bài thơ: “Tiếng vạc kêu sương/đâu rồi con đường/đi về Kinh Bắc”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tác phẩm “Miền Kinh Bắc” minh họa cho bài thơ: “Tiếng vạc kêu sương/đâu rồi con đường/đi về Kinh Bắc”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tác phẩm trong buổi triển lãm được họa sĩ thực hiện theo nguyên tắc hàm ý, điểm xuyết, tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo giữa hình ảnh thực tại và suy niệm siêu hình, bổ sung cho nhau. Vì thế mang lại trải nghiệm thẩm mỹ đẹp mắt và sâu sắc hơn đến với người xem.

Tác phẩm “Rừng thẳm” minh họa cho bài thơ: “Đôi mắt chim cu/bên trong lòng nhỏ/núi rừng thâm u”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Tác phẩm “Rừng thẳm” minh họa cho bài thơ: “Đôi mắt chim cu/bên trong lòng nhỏ/núi rừng thâm u”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Bên cạnh đó, Hoài Phương cho biết tranh của chị còn là có sự kết hợp giữa những yếu tố Đông Tây. Tranh vẽ trên giấy màu nước của phương Tây bằng kỹ thuật Đông phương họa, các tác phẩm có chủ đề về thiên nhiên nên chất liệu cũng hoàn toàn từ thiên nhiên. “Thời gian đầu tôi thường nhuộm tranh bằng trà, sau đó chuyển sang nhuộm bằng lá bồ đề, cây mắc cỡ, thạch lựu…” – chị chia sẻ.

Các tác phẩm tại triển lãm tranh "Tụng ca vô thường" diễn ra từ ngày 7-8 đến hết ngày 3-9 tại Annam Gallery (371/4 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Các tác phẩm tại triển lãm tranh "Tụng ca vô thường" diễn ra từ ngày 7-8 đến hết ngày 3-9 tại Annam Gallery (371/4 Hai Bà Trưng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-hoa-tuong-ngo-trong-tranh-thuy-mac-cua-hoai-phuong-post745712.html