Thi học sinh giỏi: Thành tích cho trường, được tuyển thẳng và gì nữa?

Mục đích thi học sinh giỏi là tuyển chọn, tìm ra các nhân tố tài năng, qua đó đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, sau nhiều năm kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra với hàng loạt những sai sót, vi phạm, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về tính minh bạch, khách quan của kỳ thi này.

Học chỉ để thi

Hàng loạt những sai sót, hạn chế của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã được Thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra. Đáng nói là những sai sót này không chỉ xuất hiện trong kỳ thi năm nay mà đã tồn tại trong nhiều năm tổ chức khiến kỳ thi này đang chịu nhiều tai tiếng.

Mục đích của các kỳ thi thi học sinh giỏi từ quy mô cấp trường, quận, huyện đến cấp tỉnh, thành phố tới cấp quốc gia là tuyển chọn, tìm ra các nhân tố tài năng, qua đó đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, kỳ thi học sinh giỏi đang tồn tại nhiều mặt trái.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) nhìn nhận, bệnh thành tích là một trong những thực trạng đáng buồn đã và đang tồn tại trong nền giáo dục của Việt Nam hiện nay, trong đó kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng không ngoại lệ.

Theo thầy Hiển, trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sai sót trong các kỳ thi học sinh giỏi, tác động từ bệnh thành tích cũng là một nguyên nhân quan trọng, mà phần lớn đến từ vấn đề lợi ích của những người có liên quan.

Rõ ràng, việc ham muốn thành tích và nhất là cơ chế được tuyển thẳng, được ưu tiên rất nhiều trong xét tuyển vào đại học và cả sau khi tốt nghiệp đại học đã khiến tình trạng học sinh được đào tạo kiểu “gà nòi”, học chỉ để thi, mọi giá để có được danh hiệu học sinh giỏi quốc gia.

“Phụ huynh có tiềm lực cũng không tiếc sự đầu tư cho con cái, dẫn tới một cuộc cạnh tranh ngầm. Ngoài những em rất giỏi và rất xứng đáng, không ít em có thành tích là sản phẩm của tiêu cực trong thi cử. Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn mà ngành giáo dục phải dám nhìn thẳng vào sự thật”, thầy Hiền trăn trở.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) chia sẻ về việc huấn luyện học sinh giỏi.

Ông Tuấn Anh cho biết, việc bồi dưỡng học sinh giỏi luôn là công việc khó khăn và áp lực, không chỉ đối với giáo viên trực tiếp bồi dưỡng, mà đối với cả nhà trường. Công tác này cũng luôn được các nhà trường quan tâm đặc biệt để có thành tích và vì thế phải đầu tư một nguồn kinh phí không nhỏ.

Để có học sinh giỏi, trước hết, hiệu trưởng phải “chọn mặt để gửi vàng”, tức là chọn được những giáo viên có đẳng cấp do các tổ chuyên môn đề cử. Người được chọn vừa mừng, vừa lo và rất áp lực.

Ở cấp THCS chỉ thi học sinh giỏi cao nhất đến cấp tỉnh đối với lớp 9. Ông Tuấn Anh cho biết, muốn có kết quả thì ngay từ lớp 6, các trường khi tuyển đầu vào thường chọn một lớp làm nguồn bồi dưỡng.

Quá trình bồi dưỡng được đầu tư khá bài bản qua các lần tuyển chọn ở trường để hình thành đội tuyển cho các môn học. Khi đã hình thành đội tuyển cho từng môn, các trường bắt đầu quá trình luyện “gà nòi” cho đến khi các em dự thi.

Sân chơi bất bình đẳng trong giáo dục?

Ông Hồ Tuấn Anh cũng cho biết, việc bồi dưỡng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một số em học nửa chừng xin rút khỏi đội tuyển vì nhiều lý do. Một số gia đình cũng không muốn con mình tham gia các môn không trọng tâm để dành thời gian cho các môn thi vào lớp 10.

Bản thân các em trong đội tuyển phải gánh vác trách nhiệm thành tích cho nhà trường, cho địa phương ở những môn các em tham gia.

Vì thế, muốn hay không các em ít nhiều phải học lệch, thậm chí có em tham gia tham gia thi học sinh giỏi còn lo sợ không trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

“Rõ ràng là các kỳ thi học sinh giỏi đang tạo ra áp lực và sự bất bình đẳng trong giáo dục. Riêng kỳ thi học sinh giỏi ở cấp THCS, tôi cho rằng không cần thiết. Nên để các nguồn lực đó đầu tư cho các sân chơi trí tuệ, các hoạt động giáo dục rèn luyện kỹ năng sẽ phù hợp và có tác dụng hơn”, ông Tuấn Anh thẳng thắn nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cách thi đơn môn, học lệch, học tủ sẽ không đánh giá được con người toàn diện, trong khi đó mục tiêu giáo dục phổ thông mới là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

Theo GS Dong, vì muốn thi giải cao thì phải luyện “gà nòi”, muốn có học sinh giỏi thì phải chọn học sinh, tổ chức lớp, chọn giáo viên, luyện thi tốn rất nhiều thời gian và công sức.

“Chưa kể, khi mang về danh hiệu học sinh giỏi các cấp, học sinh đó có thực sự lao động giỏi, có thành chuyên gia thực thụ ở các lĩnh vực không hay chỉ học để phục vụ một kỳ thi?", chuyên gia này đặt câu hỏi.

“Việc thi cử đã thành nếp nên khó sửa. Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích. Học sinh phổ thông học thực chất giỏi là tốt, nhưng phải gắn giỏi với thực tiễn, gắn vào lao động sản xuất chứ không dừng lại học để thi”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

“Khi nào còn quá coi trọng vấn đề thành tích, còn lò luyện thi và còn tổ chức thi học sinh giỏi như cách thức hiện nay thì kỳ thi học sinh giỏi sẽ luôn còn tiêu cực. Tôi cho rằng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh những tồn tại được chỉ ra, chúng ra cần nhìn vào những điểm tích cực của kỳ thi. Quan trọng là Bộ GDĐT cần minh bạch hóa kỳ thi này”.

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa)

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-hoc-sinh-gioi-thanh-tich-cho-truong-duoc-tuyen-thang-va-gi-nua-5687773.html