Thi lái xe thời công nghệ khác trước thế nào?

Từ thời điểm áp dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường lái xe thực tế, thi trên phần mềm mô phỏng, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch giấy phép lái xe khoảng 65%, thấp hơn rất nhiều so với trước đó.

Nhận GPLX, tự tin ra đường

Cách đây hơn 4 tháng, chị Lê Ngọc Thùy Dương (23 tuổi, TP Tân An, Long An) được cấp giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1. Ngay sau đó, chị tự tin lái xe chở gia đình đi một chuyến dài về miền Tây mà không hề hồi hộp, run tay.

Từ khi sử dụng thiết bị chấm điểm tự động, giám sát chặt chẽ, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe khoảng 65%. Ảnh: Tạ Hải.

Từ khi sử dụng thiết bị chấm điểm tự động, giám sát chặt chẽ, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe khoảng 65%. Ảnh: Tạ Hải.

"Tôi lái tới 810km trong quá trình học, lúc nào cũng được giám sát bởi thiết bị ghi nhận thời gian và quãng đường (DAT). Tôi cũng vượt qua được phần thi trên phần mềm mô phỏng nên khi ra đường không hề bỡ ngỡ", chị Dương cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Thương (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: "Học và thi đợt này tôi thấy khá vất vả, cả lớp ai cũng chú tâm học bởi biết rõ để thi đỗ chỉ có cách dựa vào thực lực. Thi trên phần mềm mô phỏng, trên máy tính, lái xe thực hành trên đường hay trên sân tập đều có thiết bị, phương tiện theo dõi", chị Thương nói.

Chia sẻ về khóa học nâng hạng GPLX tại trường Trung cấp nghề GTVT Thanh Hóa, học viên Trần Thăng Nam (Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, cách đây khoảng 10 năm, anh đã học bằng B2 nhưng lúc đó phương tiện cũng như trang thiết bị dạy còn lạc hậu. Vừa qua, anh đi nâng hạng GPLX từ B2 lên F và bất ngờ khi làm thủ tục trực tuyến rất nhanh gọn, thi qua phần mềm mô phỏng. Xe tập lái cũng đầy đủ camera giám sát.

Là người có hàng chục năm làm công tác dạy thực hành lái xe ô tô, anh Nguyễn Trung, Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T (Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: "Trước đây, chủ yếu tập ở đường sa hình, đi đường trường ít nhưng hiện nay hoàn toàn thay đổi. Học viên được đi đường trường nhiều hơn, kỹ năng lái xe thực tế tốt hơn nhiều. Giáo viên muốn du di cũng khó vì từ đào tạo cho đến sát hạch đều có phần mềm công nghệ giám sát".

Giám sát chặt, tỷ lệ đỗ thực chất hơn

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe Long An cho rằng, áp dụng công nghệ không làm khó học viên mà nhằm siết chặt hơn công tác đào tạo, sát hạch. Mục tiêu là đào tạo được đội ngũ lái xe có đủ kỹ năng điều khiển xe và xử lý các tình huống nguy hiểm, tránh tai nạn giao thông.

"Trước đây, trên sân sát hạch, học viên tiến và lùi xe qua các cọc chuẩn, người chấm điểm ngồi trên xe cùng với thí sinh. Đến nay, sân sát hạch có quy chuẩn, thí sinh tự điều khiển xe, thiết bị tự động chấm điểm. Hệ thống camera giám sát được lắp tại trung tâm sát hạch truyền trực tiếp về Cục Đường bộ VN giám sát", bà Dung nói.

Ông Lê Bảy, Trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện người lái, Sở GTVT Bình Thuận khẳng định ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng đầu ra. Ở Bình Thuận, số lượng thí sinh tham gia mỗi đợt thi 150 người, tỷ lệ rớt bình quân mỗi đợt thi sát hạch dao động trên dưới 10%.

Còn theo Sở GTVT TP.HCM, hiện TP có 71 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và 8 trung tâm sát hạch lái xe. Năm 2023, dù số lượng học viên tham gia các khóa đào tạo và số lượng học viên đỗ ít hơn cùng kỳ năm trước nhưng chắc chắn chất lượng tăng lên. Các cơ sở đào tạo tuân thủ đúng, đủ nội dung theo quy định.

Tương tự, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Bắc Ninh cho biết, nhờ được đầu tư đầy đủ hệ thống thiết bị hiện đại nên chất lượng sát hạch lái xe đã được nâng lên. Trước đây, tỷ lệ đỗ sát hạch lần đầu đều đạt trên 70%, nhưng những năm gần đây tỷ lệ này đã giảm xuống khoảng 50%.

Công nghệ là chìa khóa

Trước yêu cầu ngày càng cao trong đảm bảo ATGT, từ năm 2019, Bộ GTVT đã yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, giúp công tác này đảm bảo công khai, minh bạch.

Năm 2019, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 38 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 138/2018 yêu cầu lắp đặt thiết bị để nhận dạng và giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên lái xe ô tô. Học viên phải học đầy đủ thời gian đào tạo lý thuyết mới được dự sát hạch.

Thông tư cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe (DAT) của học viên. Việc giám sát trực tuyến theo thời gian thực, truyền dữ liệu về trung tâm đặt tại Cục Đường bộ VN. Học viên phải học đủ số km theo quy định mới được dự thi sát hạch.

Đặc biệt, Thông tư 38 cũng bổ sung hai môn học là học xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin điện tử. Trước đây, học viên chỉ thi 3 nội dung, nay học viên phải sát hạch cả việc xử lý các tình huống trên phần mềm mô phỏng.

Cục Đường bộ VN cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch lái xe là bước chuyển trong nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra.

Ngày càng công khai, minh bạch

Tại báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023 gửi Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá, qua 15 năm đã hình thành mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe phân bổ đều trong cả nước với 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 152 trung tâm sát hạch, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch lái xe là bước chuyển trong nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, sát hạch lái xe là bước chuyển trong nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Chương trình đào tạo được đổi mới, được tổ chức đường bộ Vicroad của Australia đánh giá chương trình đào tạo sát hạch cấp GPLX của Việt Nam chặt chẽ và hiện đại so với Australia và một số nước phát triển.

Sát hạch lái xe đang được thực hiện công khai minh bạch. Trước đây, khi thi bằng phương pháp thủ công, có sát hạch viên ngồi trên xe, tỷ lệ đạt khoảng 90-95%.

Từ khi áp dụng thiết bị, sử dụng thiết bị chấm điểm tự động, các khâu sát hạch được giám sát chặt chẽ, giảm tới mức thấp nhất sự can thiệp của con người vào kết quả sát hạch, hạn chế mức thấp tiêu cực. Hiện nay, tỷ lệ trung bình đạt yêu cầu của các kỳ sát hạch lái xe khoảng 65%.

Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ, hiện chưa có quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật xe tập lái, xe sát hạch... Mẫu GPLX của Việt Nam có một số điểm khác biệt về phân hạng cần sửa đổi để phù hợp với mẫu GPLX các nước tham gia Công ước Viên. Bên cạnh đó, Công ước về giao thông đường bộ bắt buộc phải quy định công nhận GPLX quốc tế của các nước thành viên, song nội dung này chưa được đề cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Xem xét thông qua Luật Đường bộ, Luật Trật tự ATGT đường bộ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bao gồm 8 chương với 89 điều. Trong đó, nội dung đào tạo lái xe, sát hạch cấp GPLX được quy định tại Điều 61.

Theo Nghị quyết số 106/2020 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ GTVT xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ. Đồng thời, Bộ Công an xây dựng và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, các quy định về sát hạch lái xe, cấp đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe được quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ,

Bộ Công an là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ GTVT thực hiện quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới theo quy định của Luật này.

Theo dự kiến chương trình đợt 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 26/6. Trước đó, tại đợt 1 của kỳ họp, cả hai luật đã được các đại biểu thảo luận tại hội trường, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bị trừ hết điểm bằng lái, phải kiểm tra lại

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định, người học lái xe phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo lái xe khác theo quy định để cấp mới hoặc nâng hạng giấy phép lái xe.

Bộ trưởng GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo lái xe, thời gian lái xe an toàn cho từng hạng giấy phép lái xe; Quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe; Điều kiện, tiêu chuẩn sát hạch viên, tổ chức tập huấn, cấp thẻ sát hạch viên; Tiêu chuẩn kỹ thuật sân tập lái để sát hạch lái xe mô tô, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ...

Về điểm của giấy phép lái xe, luật quy định, điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe, gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

PV

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thi-lai-xe-thoi-cong-nghe-khac-truoc-the-nao-192240604003401235.htm