Thi nhân chỉ cảm thôi
Đinh Ngọc Lâm làm thơ sớm, nhưng đến với văn chương lại bằng đường truyện ngắn. Thơ có lẽ chỉ là thú vui không thể thiếu được của một người giàu cảm xúc như anh? Không ít lần, tôi từng được nghe anh đọc, thấy anh hoan hỉ, tâm đắc. Nhưng rồi, lại vẫn vô tâm với cái ý nghĩ cố hữu, tồn tại đến thâm căn cố đế trong người mình, rằng: Anh là một cây truyện ngắn. Bây giờ, tôi có trong tay một tập thơ mới tinh, có thể nói là 'chưa bóc tem' - 'Cỏ hát' của anh.
Mở đầu tập thơ là bài “An nhiên”. Đọc nó tôi cảm thấy trước mặt mình hiện lên bức tranh về một vị thiền sư đang an nhiên tự tại, mắt nhìn vào vô định, không đoái hoài đến bao nhiêu mật ngọt, cám dỗ và cũng chẳng cần để ý đến thứ thời gian cứ đều đều quay như cố tình trêu chọc sự hốt hoảng cố hữu của chúng sinh: “Nghe xào xạc/ sắc thu còn mấy nữa!?”.
Tưởng bài thơ chỉ vẽ cái thực, cái hữu hình của nhân thế. Nhưng không, cái kết lại đưa đến cho ta một xúc cảm khác. Một sự hư ảo, một cái gì đó thật linh thiêng, cao hơn việc thiền định về thể xác. Nó minh định một sự thoát tục về tâm hồn: “Mặc danh phận/ trong mắt đời ước lệ/ Thanh thản hóa vàng/ thành mây trắng bay lên”.
Để rồi trong một bài thơ khác, có dịp anh lại cảm thán: “Rượu không tri kỷ rót đầy làm chi”. (Buồn thi sĩ).
Đó có lẽ là cái cách anh ngẫm về đời và cách ứng xử với thơ. Để rồi, khi nói về cỏ anh cũng có những liên tưởng thật sắc lẹm: “Không quen bục đứng, bệ ngồi/ Nắng mưa, sương gió vẫn ngời ngợi xanh” (Cỏ hát).
Đinh Ngọc Lâm ngẫm về nhân tình thế thái, ngẫm về cái không đáng có, cái cần phải tránh, cần phải gìn giữ mà tự răn mình, mà cảnh tỉnh với thiên hạ. Anh từng kinh qua là một chính khách, có vị thế, có điều kiện giúp anh cơ hội bao quát, đánh giá, xử lý sự kiện một cách khách quan. Khác với những chính khách thuần túy, anh khoan dung, trắc ẩn, có phần thân phận, dằn vặt hơn trước những nghịch cảnh, những éo le, những khác lạ bởi sự nhạy cảm vốn có trong tâm hồn của một thi sĩ: “May còn bát cháo hành tươi/ Đời còn có chỗ con người đêm nay/ Trăng khuya hai bóng mai gầy/ Hồn khuya hai dải sương bay vật vờ”. (Chí Phèo).
Và cũng chính từ ngưỡng ấy giúp anh có cách nhìn vận động hơn, biện chứng hơn đối với cuộc đời và cả đối với thơ: “Đi tận cùng/ là đến với cỏ cây” (Nốt lặng).
Đúng vậy. Đi tận cùng là đến với cỏ cây. Một nguồn năng lượng mới, mà ở đó, sau sự hoàn nguyên là sức trẻ, là sự tươi mới, hứa hẹn. Trong những trải nghiệm, suy ngẫm, đúc kết về những giá trị được Đinh Ngọc Lâm thơ hóa, cái kết bao giờ cũng nhân hậu, cao sang, tỉnh táo, mang yếu tố con người: “Muốn hóa đá/ mang cốt hồn non nước/ Được lắng nghe/ tiếng nói của dòng sông” (Khát vọng).
Hay: “Có chiếc lá rơi bên ngoài câu hát/ Mấy triều vua thấm thoắt đã ngàn năm” . (Mưa Sào Khê).
Có chiếc lá rơi bên ngoài câu hát. Lạ. Ảo. Cả vô lý nữa. Mà sao trái tim cứ rung lên, cứ muốn sán tới, sờ mó nó, cưng chiều nó, ngưỡng mộ nó. Chuyện đời nói bao giờ cho hết, thi nhân chỉ gợi thôi. Đinh Ngọc Lâm đi nhiều, đến nhiều vùng đất. Đi đến đâu, tâm thế anh cũng tràn đầy cảm xúc, cũng có thơ, mỗi bài là một nét chấm phá khác lạ. Nếu cuộc viếng thăm Tà Xùa, chữ nghĩa gợi cho ta cảm giác éo le, hồi hộp của một tâm trạng có phần bất an, bởi sự chênh vênh, thăm thẳm của núi rừng: “Như sợi chỉ luồn trong mây/ Con đường xuyên qua đỉnh gió/ Xe đu thăng bằng trên dây/ Lắc lư mõ sừng trâu vỡ”. (Trên đỉnh Tà Xùa).
Thì trong bài "Về Kim Sơn", ngôn ngữ như là thứ mực màu trên một bức tranh thủy mạc, đa sắc, an nhiên, nhưng cũng vô cùng lãng mạn: “Biển tung muôn dấu hỏi/ Lên trời xanh bao la/ Dưới chân đôi còng biển/ Ôm nhau trong sóng nhòa/ Một đời sông Đáy vỡ/ Chở đầy những phù sa/ Một đời sông Càn thẳm/ Phủ xanh bao mái nhà”.
Đây là một trong những bài thơ hay viết về địa lý gắn kết với lịch sử hình thành một vùng đất, là một bức tranh quê đậm chất vừa dân dã, vừa yên bình. Bài thơ có cấu tứ chặt chẽ. Những chấm phá ngôn từ thật hào hoa, không tham lam, bừa phứa, câu thơ sống động, đa sắc, vừa thấy được, vừa cảm được: “Những cánh đồng cói lụa/ Khảm vào đôi chiếu hoa/ Những cánh đồng cò trắng/ Thổi hồn quê hiền hòa”.
Làm thơ không dễ, thơ hay lại càng khó. Đã có nhiều ngộ nhận gán cho thơ những sắc thái kinh dị. Đinh Ngọc Lâm hiểu rõ điều đó. Anh cố gắng bằng lao động cật lực cộng với số ít "của nả trời cho" để khai thác, tìm tòi có được những câu thơ hay, bài thơ hay. Thơ anh có nhiều câu gợi, đa nghĩa, đa hình làm người đọc hài lòng: “Bàn chân nứt nẻ chai mòn/ Mẹ ơi, gió núi chiều hôm thổi dài”. (Nhớ mẹ).
Hay: “Gió ru bùa ngải nên trầm/ Nghe như tiếng cú rúc gầm trời đêm”. (Chí Phèo).
Tư chất thi sĩ giúp gì cho tác giả có được những câu thơ gắn với hồn vía họ không? Theo tôi, đó là sự hiển nhiên vốn có. Đinh Ngọc Lâm là một thi sĩ. Chất liệu ấy bộc lộ cả trong đời sống hàng ngày, cả trong hồn vía những câu thơ: “Ước gì làm một cánh chim/ Chiều nay lựa gió đi tìm người dưng”. (Hoa nở sớm nay).
Hay: “Tìm vần thơ cũ/ ươm trong gió/ Cầm nhịp thời gian/ một tiếng gà”. (Nhớ quê).
Cái cách mà ngắt nhịp 4-3, 4-3 đọc lên nó khắc khoải thế, chênh chao thế. Không nhớ quê sao được! Không thi sĩ làm sao gợi được cái mông lung, vời vợi, cái ngơ ngác, chộn rộn cả lòng người.
Đi tìm một câu thơ hay chả khác gì như đi tìm một đuôi mắt lá răm cuối trời. Người sáng tạo, kẻ săn đón nhọc nhằn như nhau, trong cái thế sự "trời đày". Mừng cho anh đã làm được, đương nhiên là mừng cả cho tôi nữa, bạn đọc có thêm một cuốn sách đáng đọc để rồi tiếp tục lại mơ ước, lại khát khao, lại cật lực ngày ngày: “Cái đuôi mắt một góc trời/ Như lá mía cứa hồn tôi mỗi ngày”...
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thi-nhan-chi-cam-thoi-i729400/