Thị phần xe hai bánh chạy điện có thể tăng từ 12% lên 75%
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) 'Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam' đã đưa ra lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu: đến năm 2030, 50% phương tiện đô thị và toàn bộ xe buýt, taxi sẽ chạy điện. Mục tiêu đến 2050 là chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.
Sẽ giảm phát thải 226 triệu tấn CO2 vào năm 2050
Báo cáo cho rằng, lộ trình chuyển đổi sang xe điện và khử phát thải cacbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam cần tập trung vào năm trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Quá trình chuyển đổi này sẽ giảm 5,3 triệu tấn phát thải CO2 (tương đương 8% chỉ tiêu giảm phát thải của Việt Nam) vào năm 2030 và 226 triệu tấn (tương đương 60% chỉ tiêu) vào năm 2050.
Đến năm 2035, xe hai bánh vẫn là phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam và sẽ dẫn đầu xu hướng chuyển đổi sang xe điện. Để thúc đẩy quá trình này, cần triển khai nhiều chính sách như: hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng, hoàn thiện tiêu chuẩn an toàn và quy trình kiểm định, khuyến khích sản xuất xe máy điện có công suất lớn và phạm vi hoạt động rộng, đồng thời từng bước hạn chế xe máy xăng. Với những giải pháp này, thị phần xe hai bánh chạy điện có thể tăng từ 12% hiện nay lên 75% vào năm 2035.
Sau năm 2035, ô tô cá nhân sẽ trở thành phương tiện đi lại phổ biến tại Việt Nam. Nếu hệ thống trạm sạc được phát triển đầy đủ, xe điện có thể là lựa chọn hàng đầu của những người mua ô tô lần đầu. Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự kiến xe điện sẽ chiếm 93% doanh số bán ô tô trong giai đoạn 2036-2050.
Việc chuyển đổi sang xe điện đặc biệt quan trọng đối với phương tiện công cộng và thương mại. Mặc dù xe buýt và xe tải chỉ chiếm 2% tổng số phương tiện đăng ký, nhưng lại thải ra tới 65% lượng khí thải. Để thúc đẩy xe buýt điện, cần những chính sách mạnh mẽ nhằm tăng lượng hành khách, cập nhật tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo tính khả thi về tài chính. Đối với xe tải, việc phát triển xe điện dưới 5 tấn là giải pháp đầy triển vọng. Riêng với xe tải hạng nặng, cần nâng cao tiêu chuẩn nhiên liệu và khuyến khích chuyển đổi vận chuyển hàng hóa sang đường sắt, đường thủy để giảm khí thải.
Những chỉ số giảm “đáng mong ước”
Để đạt mục tiêu 100% xe buýt công cộng nội đô là xe điện vào năm 2030, phía WB tính toán, Việt Nam cần loại bỏ 9.600 xe buýt chạy dầu diesel hiện đang hoạt động và sắp hết tuổi thọ. Trong khi đó, cũng cần bổ sung thêm xe buýt điện theo Quyết định 876 của Thủ tướng đến năm 2030, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lần lượt cần thêm khoảng 6.000 và 4.500 xe buýt điện.
Từ nay đến năm 2030, nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam, nhưng sẽ tăng mạnh sau đó. Đến năm 2035, để đáp ứng nhu cầu sạc, ngành điện cần tăng sản lượng thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4%. Đến năm 2050, con số này sẽ lần lượt là 30% và 15% nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển xe điện. Để đáp ứng những nhu cầu trên, ngoài vốn thực hiện Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần đầu tư thêm cho ngành điện 9 tỷ USD đến năm 2030 và 14 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2031-2050.
Các chuyên gia WB đánh giá, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm tới 498 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu, trong giai đoạn 2024-2050. Chuyển đổi sang xe điện sẽ tạo ra 6,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất tính đến năm 2050, giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ với mức giảm là 30 triệu USD vào năm 2030 và 6,4 tỷ USD vào năm 2050.
Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nhà đầu tư tư nhân và người dân trong việc định hình lại thị trường xe, cách thức di chuyển và sử dụng năng lượng. Trong giai đoạn này, giá xe điện sẽ ngày càng cạnh tranh với xe truyền thống do hiệu suất được cải tiến đáng kể. Cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cần thúc đẩy hoạt động cung ứng và sản xuất sử dụng xe điện; triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh loại bỏ xe chạy xăng, dầu; triển khai mạng lưới trạm sạc... trong thời gian tới.
Theo đánh giá của chuyên gia WB, kịch bản thâm nhập của xe điện sẽ có tổng cộng 1,8 triệu việc làm được tạo ra tại Việt Nam trên toàn bộ chuỗi giá trị xe điện vào năm 2050. Khoảng 132.000 việc làm sẽ liên quan đến việc sản xuất trực tiếp hệ truyền động điện xe điện. Do mức độ thâm nhập của xe điện và nhu cầu thay thế pin cao hơn nên dự kiến sẽ tạo ra khoảng 574.000 việc làm trong ngành sản xuất pin và 1,1 triệu việc làm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sạc xe điện.
Hoạt động sản xuất hệ truyền động điện xe điện tăng lên với tỷ trọng 6,3% vào năm 2050 so với 1,2% vào năm 2022. Năm 2050, các ngành liên quan đến sản xuất pin và thiết bị sạc xe điện lần lượt có tỷ lệ là 27,4% và 54,2%. Ngoài các công việc liên quan đến sản xuất, quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực bảo trì, sửa chữa và vận hành xe điện.
Nếu việc sử dụng xe điện tại Việt Nam đi theo lộ trình thì đến năm 2050, Việt Nam sẽ giảm được lượng tiêu thụ 306.401 triệu lít xăng và 409.416 triệu lít dầu diesel so với “kịch bản không có xe điện”.
Bà Mariam J. Sherman - Giám đốc Quốc gia WB Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn, nhưng cam kết của Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng. Để thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, nhà đầu tư tư nhân và người dân trong việc định hình lại thị trường xe, cách thức di chuyển và sử dụng năng lượng”.