Thí sinh cần lưu ý tiêu chí phụ khi xét tuyển đại học để tránh đủ điểm mà vẫn trượt

Cùng một trường đại học, các ngành khác nhau có thể đi kèm với các tiêu chí phụ xét tuyển hoàn toàn riêng biệt.

Trong những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng thêm các tiêu chí phụ trong quá trình xét tuyển. Theo đại diện các trường đại học, tiêu chí phụ được chia thành nhiều nhóm, có tiêu chí chỉ áp dụng khi các thí sinh có điểm thi ngang bằng nhau và ngang bằng điểm trúng tuyển của trường.

Tiêu chí phụ có thể quyết định việc trúng hay trượt đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, tiêu chí phụ có thể chia làm ba nhóm chính.

Thứ nhất là về thứ tự nguyện vọng. Ví dụ, một số ngành yêu cầu thí sinh phải đặt thứ tự nguyện vọng nhỏ hơn hoặc bằng 4. Nếu thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng lại để nguyện vọng ở vị trí thứ 5 thì vẫn bị loại.

Thứ hai là tiêu chí về kết quả học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của một môn cụ thể, ví như yêu cầu điểm trung bình chung môn Toán năm lớp 12 phải đạt tối thiểu 8 điểm mới được xét tuyển vào ngành.

Thứ ba là tiêu chí dùng để phân loại khi có nhiều thí sinh cùng mức điểm. Khi đó nhà trường sẽ ưu tiên thí sinh có điểm cao hơn ở một môn học mà cơ sở đào tạo lựa chọn, chẳng hạn như Toán, Vật lý hoặc tiếng Anh.

Theo thầy Thành, mỗi cơ sở giáo dục đại học có thể có tiêu chí riêng, được quy định rõ trong đề án tuyển sinh. Thậm chí, cùng một trường, các ngành khác nhau có thể đi kèm với các tiêu chí phụ hoàn toàn riêng biệt. Chính vì vậy, thí sinh cần phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của từng trường.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn luận về chủ đề này, Tiến sĩ Trần Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hướng nghiệp, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho hay, ngoài các điều kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, mỗi cơ sở giáo dục đại học được phép có thêm các tiêu chí phụ nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và lựa chọn đúng thí sinh phù hợp với chương trình đào tạo, mục tiêu nghề nghiệp.

Trong Đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) có quy định: Ngành Ngôn ngữ Anh định hướng giáo viên yêu cầu điểm môn tiếng Anh từ 8.0 trở lên khi xét tuyển bằng kết quả học bạ, hoặc 6.5 trở lên khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

 Tiêu chí phụ trong xét tuyển được nêu trong Đề án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Ảnh chụp màn hình.

Tiêu chí phụ trong xét tuyển được nêu trong Đề án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Ảnh chụp màn hình.

Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên sẽ được cộng từ 1.5 – 3 điểm, có bảng quy đổi cụ thể. Các giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố cũng được quy đổi điểm cộng tương đương.

Bên cạnh đó, các trường đại học khi công bố thông tin/đề án tuyển sinh đều phải nêu rõ cách áp dụng tiêu chí phụ, bao gồm: số lượng tiêu chí, có yêu cầu bắt buộc hay không và thứ tự ưu tiên của từng tiêu chí. Do đó, thí sinh cần đọc kỹ để hiểu đúng và lựa chọn được ngành học phù hợp nhất.

 Tiến sĩ Trần Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hướng nghiệp, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Hướng nghiệp, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ học sinh, sinh viên của Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên), trong quá trình tuyển sinh, có những tình huống đặc biệt xảy ra ở nhóm thí sinh cuối cùng – khi nhiều em đạt cùng một mức điểm, nhưng chỉ tiêu lại có giới hạn.

 Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ học sinh, sinh viên của Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NTCC.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ học sinh, sinh viên của Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NTCC.

Thầy Đông chỉ ra tình huống, một ngành có chỉ tiêu tuyển 150 sinh viên. Khi xét đến trên 20 điểm, đã có 130 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Tuy nhiên, có tới 50 thí sinh cùng đạt 20 điểm, trong khi trường chỉ còn 20 chỉ tiêu cuối cùng để phân bổ, buộc phải sàng lọc thêm bằng tiêu chí phụ.

Trong trường hợp này, bắt buộc phải áp dụng tiêu chí phụ để chọn lọc trong số thí sinh có điểm số bằng nhau, thường là căn cứ vào điểm một môn học cụ thể, để đảm bảo tính khách quan”.

Thầy Đông cho biết, tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên), đối với những thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau, nhà trường sẽ lấy điểm trung bình chung cả năm môn Toán lớp 12 làm tiêu chí phụ khi xét tuyển. Thông tin này có ghi trong đề án tuyển sinh của nhà trường.

Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, trường chưa phải sử dụng đến tiêu chí phụ, bởi số thí sinh ở ngưỡng điểm cuối cùng luôn nằm trong khả năng điều chỉnh chỉ tiêu hợp lý của trường.

 Tiêu chí phụ trong xét tuyển được nêu trong Đề án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh chụp màn hình.

Tiêu chí phụ trong xét tuyển được nêu trong Đề án tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh chụp màn hình.

Chuyên gia hướng dẫn cách đặt nguyện vọng thông minh

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ đăng ký và sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ, trong khoảng thời gian từ ngày 16/7 đến 17 giờ ngày 28/7.

Theo lời khuyên của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thành, cần lưu ý rằng thời gian hệ thống cho phép đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng là khá dài. Trong thời gian này, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần.

Do đó, các em không cần phải vội vàng, cần dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi đưa ra quyết định. Việc nhập nguyện vọng vào ngày đầu tiên hay ngày cuối cùng hoàn toàn không ảnh hưởng đến thứ tự xét tuyển. Điều quan trọng tiếp theo là đảm bảo mọi thông tin được nhập lên hệ thống phải chính xác tuyệt đối.

Tiến sĩ Trần Xuân Quý chỉ ra, việc lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng cần được thực hiện có chiến lược và khoa học. Thầy khuyến khích thí sinh thực hiện theo 4 bước:

Bước 1: Xác định công việc yêu thích, phù hợp với năng lực cá nhân.

Bước 2: Xác định ngành học liên quan và phù hợp với công việc mong muốn.

Bước 3: Lựa chọn các trường đào tạo ngành học đó, phân tích các phương thức xét tuyển, tiêu chí phụ, điểm chuẩn các năm gần đây, học phí, cơ hội việc làm…

Bước 4: Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự phù hợp nhất với năng lực, mơ ước. Thí sinh cần ưu tiên xếp những trường có điểm chuẩn cao nhất lên đầu, sau đó đến những lựa chọn an toàn, đảm bảo cơ hội trúng tuyển đại học.

Thầy Quý cũng nhấn mạnh: “Tất cả các nguyện vọng đều được xét đồng thời, không phân biệt phương thức (học bạ, điểm thi, chứng chỉ…). Phần mềm chỉ chọn nguyện vọng cao nhất mà em đủ điều kiện trúng tuyển. Do vậy, việc đặt thứ tự nguyện vọng rất quan trọng, không phải thí sinh cứ đủ điểm là đỗ!”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Đông cũng cho rằng, một điểm đổi mới đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm nay là các phương thức khác nhau – dù xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học bạ hay kết quả thi đánh giá năng lực – đều được quy đổi về thang điểm chung và xét đồng thời.

Như vậy, mỗi phương thức đều có thang điểm quy đổi thống nhất, giúp cho việc so sánh, xét tuyển trở nên khách quan và đồng đều hơn giữa các nhóm thí sinh, giảm thiểu sự thiên lệch do khác biệt phương thức.

“Mỗi trường đều có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau và mỗi thí sinh cũng có thể đáp ứng được một hoặc nhiều phương thức trong cùng một ngành học. Do đó, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh nên có chiến lược hợp lý dựa trên kết quả học tập của mình.

Một cách sắp xếp hiệu quả là đặt nguyện vọng đầu tiên vào những trường có điểm chuẩn hàng năm cao hơn một chút so với kết quả thi, tiếp theo là các trường có điểm chuẩn ngang bằng với năng lực, và cuối cùng là những trường có điểm chuẩn thấp hơn từ 1 đến 2 điểm, để dự phòng an toàn.

Cách sắp xếp này không chỉ tối ưu cơ hội trúng tuyển mà còn giúp thí sinh giữ vững định hướng ngành học yêu thích, ngay cả trong tình huống không đạt mức điểm kỳ vọng” – thầy Đông cho hay.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-sinh-can-luu-y-tieu-chi-phu-khi-xet-tuyen-dai-hoc-de-tranh-du-diem-ma-van-truot-post252671.gd