Thí sinh, giáo viên 'than' ngữ liệu đề thi Ngữ văn quá dài

Đề thi Ngữ văn là một trang A4 dày đặc chữ, câu hỏi nghị luận văn học là một đoạn thơ tới 27 câu. Thí sinh và giáo viên ngữ văn cho rằng đề quá dài so với thời gian 120 phút.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

"Đề thi là một trang giấy A4 dày đặc chữ. Để đọc kỹ đề thi đã mất nhiều thời gian," một thí sinh ở điểm thi Trung học phổ thông Trần Phú chia sẻ.

Đề thi tuy được thí sinh đánh giá là không quá khó, thậm chí nhiều thí sinh tỏ ra hứng thú với câu hỏi nghị luận xã hội. Tuy nhiên, một số thí sinh và cả giáo viên ngữ văn cho rằng nếu ngữ liệu đề thi ngắn hơn thì đề sẽ hay hơn nữa.

Theo sinh Trần Thái Bảo Hân, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Đức, đề thi khá hay, nhất là câu hỏi nghị luận về vấn đề trân trọng cuộc sống hiện tại.

“Em làm bài khá tốt. Tuy nhiên em vẫn có chút tiếc nuối nếu đề ngắn hơn thì em sẽ có thể tập trung hơn vào câu hỏi nghị luận xã hội vì đây là câu hỏi rất ý nghĩa. Em muốn làm sâu hơn, nhưng nhìn câu hỏi còn lại của đề thi là phân tích một đoạn thơ khá dài nên em không dám viết vì sợ hết thời gian. Em chỉ kịp liên hệ về vấn đề dịch bệnh trong câu hỏi nghị luận xã hội,” Hân chia sẻ.

Theo Hân, câu hỏi số hai của phần nghị luận là phân tích đoạn thơ dài tới 27 câu trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. “Với đoạn thơ 27 câu, có rất nhiều nội dung, vấn đề để phân tích. Em nghĩ rằng ở một đề thi 120 phút với nhiều câu hỏi thì phân tích một đoạn thơ như vậy là khá dài,” Hân phân tích.

Hân cho rằng mình là một thí sinh có dùng môn Ngữ văn để thi đại học đã thấy đề thi dài thì với các thí sinh thi khối A sẽ càng thấy đề thi dài hơn nữa.

“Các bạn đều làm được bài, tuy nhiên, để làm hay và trọn vẹn hơn thì em nghĩ sẽ cần thời gian hơn,” Hân nói.

Đề thi môn Ngữ văn

Đề thi môn Ngữ văn

Ngữ liệu đề thi hơi dài cũng là chia sẻ của thí sinh Vũ Anh Hào, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Phú. Theo Hào, đề thi không khó, không đánh đố, nhưng hơi dài nên nếu có thêm 20 phút nữa em sẽ hoàn thiện bài thi như mong muốn. “Câu nghị luận xã hội hơi nâng cao một chút. Bởi vậy, để làm câu này, ngoài kỹ năng viết em còn phải có thêm kiến thức xã hội trong cuộc sống mỗi ngày. Qua đề em cũng liên tưởng đến phong cách sống của mình, trân trọng những giây phút trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nếu đề có thêm 20 phút nữa em sẽ hoàn thiện bài thi như mong muốn,” Hào chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Khánh Huyền cho rằng với đề thi này đòi hỏi thi sinh phải cân đối thời gian thật tốt mới có thể viết hết các ý mà mình muốn. “Dù vẫn làm tốt bài nhưng em vẫn cần thêm khoảng 15 phút để có thể làm bài trọn vẹn hơn,” Huyền cho hay.

Ngữ liệu trích để phân tích của đề thi quá dài cũng là đánh giá về đề thi của cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Theo cô Tuyết, câu hỏi nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích của bài thơ "Đất nước" mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Và đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.

"Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích 'Đất nước', đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút,” cô Tuyết chia sẻ.

Đánh giá tổng quan về đề thi, cô Tuyết cho rằng đề đã khá sát với đề thi minh họa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó và không quá khó với thí sinh./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thi-sinh-giao-vien-than-ngu-lieu-de-thi-ngu-van-qua-dai/656519.vnp