Thí sinh không giỏi môn Văn có nên đăng ký học ngành biên kịch?

Biên kịch được đánh giá là ngành nghề có nhiều cơ hội, nguồn tuyển sinh tốt tuy nhiên lại không dễ dàng để đi được đường dài với nghề.

Cả nước hiện có duy nhất Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đào tạo ngành biên kịch điện ảnh – truyền hình. Ở khu vực phía Nam, khoa Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp.HCM mở chuyên ngành biên kịch điện ảnh-truyền hình mới được 4 năm.

Trên thực tế, nhu cầu cần kịch bản cho phim truyền hình, điện ảnh hay tại các công ty truyền thông đa nền tảng hiện rất lớn nhưng khó tuyển được người viết do còn thiếu chương trình đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm thấp nên không dễ có được lực lượng nhà biên kịch đủ giỏi.

Ngành đòi hỏi cao kỹ năng viết

Trao đổi với

Người Đưa Tin

, PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho biết, có rất nhiều thí sinh đăng ký ngành biên kịch điện ảnh.

Tuy nhiên nhà trường chỉ lấy khoảng 15 chỉ tiêu vì đây là ngành đòi hỏi cao về kỹ năng viết, sự cảm thụ về mặt nghệ thuật, có khả năng quan sát cuộc sống cho nên số học sinh có thể đạt ngưỡng chuẩn đầu vào không nhiều.

“Vai trò nhà biên kịch rất quan trọng, nếu không có kịch bản hay rất khó có một bộ phim có chất lượng, thu hút được người xem. Tại Việt Nam hiện nay đội ngũ biên kịch thiếu thì không hẳn nhưng hiếm có kịch bản hay”, ông Thi đánh giá.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

Theo đại diện nhà trường, sinh viên theo học ngành biên kịch tìm được việc làm ngay sau khi ra trường chiếm 95%, đa phần các em sẽ làm tại các hãng phim hoặc công ty truyền thông, đây là những nơi rất cần ý tưởng và đội ngũ để viết thành kịch bản.

Nói về những tố chất cần có đối với ngành này, ông Thi cho biết: “Các em cần có khả năng quan sát cuộc sống rất tốt để nhìn ra đâu là vấn đề cuộc sống đang quan tâm, thu hút người xem.

Sau khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề thì phải biết xây dựng kịch bản thể hiện được xung đột của nhân vật, tạo ra các hiện tượng điển hình để người xem vừa thấy lạ nhưng vừa thấy mình ở trong đó. Ngoài ra các bạn cũng cần có khả năng viết lách".

Ngành biên kịch học gì?

Để hiểu rõ hơn về ngành học đặc biệt này,

Người Đưa Tin

đã có cuộc trò chuyện với bạn Thuận Vương Thùy Anh - sinh viên năm 2 chuyện ngành biên kịch điện ảnh Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Thùy Anh cho biết lý do lựa chọn theo học chỉ đơn giản vì sở thích xem phim, thích viết ra những tình huống truyện phim và mong muốn trở thành người sáng tạo và tiếp xúc với câu chuyện, tuy nhiên quá trình theo đuổi đam mê cũng không hề dễ dàng.

“Ở trong trường, sinh viên sẽ được học về ngôn ngữ kịch bản, quy trình viết một kịch bản, phim điện ảnh sẽ sử dụng văn phong như thế nào, cấu trúc kịch học, học thêm về nghiệp vụ quay phim và đạo diễn, về cả dựng phim, âm thanh và nhạc phim để bổ trợ tối đa cho chuyên ngành chính. Dù vậy, sinh viên cũng phải tự học rất nhiều, việc có vốn sống và trải nghiệm rất quan trọng đối với sinh viên học ngành biên kịch”, Thùy Anh chia sẻ.

Bạn Thuận Vương Thùy Anh - sinh viên năm 2 chuyện ngành biên kịch điện ảnh Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Bạn Thuận Vương Thùy Anh - sinh viên năm 2 chuyện ngành biên kịch điện ảnh Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Theo nữ sinh này, nhiều người nghĩ học kịch bản sẽ phải có năng khiếu viết văn nhưng khi bắt tay vào viết, giỏi văn không còn quan trọng bởi sẽ phải học lại từ đầu. Người học cần có lối tư duy mạch lạc, câu văn không cần quá trau chuốt như trong văn học, nhưng phải có hình ảnh và đem lại hiệu quả sản xuất cho đạo diễn và quay phim.

Mặc dù là nghề có nhiều cơ hội nhưng Thùy Anh cho biết: “Thường số sinh viên của lớp biên kịch rất ít, lớp em được tính là đông nhưng cũng chỉ có 17 người, nhiều bạn đã đỗ vào ngành cũng vẫn bỏ ngay từ đầu hoặc bỏ giữa chừng".

"Cái khó của ngành này là tự học, dù viết phim ngắn hay dài điều quan trọng phải có vốn sống, sự từng trải, hiểu nhân vật và bối cảnh. Nếu không đủ kiến thức, không đủ kiên trì thì rất khó tiếp tục. Ban đầu có thể thấy đề tài của mình rất hay nhưng cái khó là phải khai thác nhiều khía cạnh, theo đến cùng câu chuyện, tìm hiểu mọi thứ xung quanh đề tài thì mới có được kịch bản đủ chiều sâu”, Thùy Anh chia sẻ.

Một người biên kịch chuyên nghiệp cần bỏ thời gian khá nhiều để tìm hiểu nội dung mình làm, Thùy Anh cho rằng: “Nếu dùng 1 năm để viết kịch bản, thì có lẽ cần đến 11 tháng để đi tìm hiểu thông tin, tìm kiếm chất liệu, sau đó tổng hợp và sàng lọc lại những chất liệu cần thiết và phù hợp rồi mới hoàn thiện câu chuyện. Đây là quá trình tốn thời gian nhất. Nếu không đủ kiên trì, sẽ rất dễ tạo ra một bộ phim rác”.

Cơ hội cho sinh viên theo ngành

Tuy nhiên, cơ hội để kịch bản của sinh viên trở thành phim cũng không quá khó khăn. “Ở trường có rất nhiều cơ hội, các trung tâm phim truyền hình, công ty truyền thông rất cần kịch bản nhưng làm được hay không là tùy thuộc mỗi người. Việc kịch bản thành phim thì không khó nhưng để đi được đường dài nghề này thì khó hơn”, Thùy Anh cho biết.

Nếu các bạn học nghiêm túc, có vốn sống phong phú thì không thiếu cơ hội thử sức mình với việc làm phim thương mại, phim điện ảnh, hay truyền hình, chiếu rạp, phim web.

Ngoài ra, nếu làm việc nghiêm túc các em cũng có thể “sống” tốt với nghề. Theo Thùy Anh, tùy thuộc vào chất lượng kịch bản, hiện nay giao động mỗi trang kịch sẽ được trả khoảng 150.000 - 300.000 đồng/trang, cao hơn là 700.000 - 800.000 đồng/trang hoặc có thể cao hơn nữa tùy vào ekip sản xuất và nền tảng khởi chiếu.

“Kịch bản có thể rất đắt giá, nhưng rơi vào một ekip sản xuất không nhìn ra điều đấy thì những thứ chúng ta viết sẽ không được đánh giá đúng. Trong quá trình học, em luôn hướng bài tập trên lớp có tính khả thi sản xuất cao để có thể quay được thành phim mang giá trị nghệ thuật nhất định dùng cho các cuộc thi hoặc sử dụng kiếm thêm thu nhập cho bản thân”, Thùy Anh chia sẻ.

Thị trường phim Việt đang rất cần những nhà biên kịch giỏi.

Thị trường phim Việt đang rất cần những nhà biên kịch giỏi.

Thùy Anh chia sẻ: "Ngành biên kịch không khó nhưng để nói dễ thì không dễ, mọi người hay suy nghĩ nhầm rằng phải giỏi văn, viết lách giỏi mới viết được kịch bản thì không hẳn. Nếu người giỏi viết lách, giỏi sáng tác thì sẽ có tâm hồn nhạy cảm và tinh tế hơn, cảm nhận nhưng điều xung quanh tốt hơn, nhưng không giỏi văn vẫn hoàn toàn có thể học biên kịch”.

Trên thực tế, Việt Nam chưa đánh giá đúng vị trí của nghề biên kịch khi số lượng được đào tạo chính quy còn ít, khó nổi tiếng vì thị trường trong nước phần lớn chỉ quan tâm đến đạo diễn, diễn viên thay vì biên kịch. Trong khi đó ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc thì khả năng sống với nghề cao hơn.

“Qua quá trình học và viết em thấy Việt Nam có nhiều chất liệu vô cùng đẹp và rất hay để có thể làm phim nhưng có lẽ do guồng sản xuất nhanh, yêu cầu kịch bản phải đưa vào sử dụng ngay nên hiện giờ có khá ít những tác phẩm điện ảnh chỉn chu mang giá trị cao”, Thùy Anh đánh giá

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thi-sinh-khong-gioi-mon-van-co-nen-dang-ky-hoc-nganh-bien-kich-a606933.html