Thí sinh Kiên Giang phấn khởi sau buổi thi môn ngữ văn
Sáng 27-6, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 bắt đầu môn thi đầu tiên, môn ngữ văn. Thí sinh tại nhiều điểm thi ở Kiên Giang phấn khởi sau môn thi đầu.
Lực lượng Công an TP. Rạch Giá bảo vệ điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), sáng 27-6. Ảnh: BÍCH TUYỀN
TP. Rạch Giá có 6 điểm thi với tổng số 3.653 thí sinh đăng ký dự thi, có 9 thí sinh vắng thi. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực có tổng số 759 thí sinh dự thi là học sinh Trường THPT, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, bố trí 32 phòng thi.
Phụ huynh động viên thí sinh thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá, sáng 27-6. Ảnh: TÂY HỒ
Em Nguyễn Hoàng Kiên - học sinh lớp 12A13, Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết, đề thi môn ngữ văn giống cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung nằm trong chương trình lớp 12.
“Câu nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn trình bày về ý nghĩa việc tôn trọng cá tính. Đề tài này khá gần gũi nên em làm tốt bài thi”, Hoàng Kiên chia sẻ. Cùng như Hoàng Kiên, đa số học sinh điểm thi này tươi cười, trò chuyện rôm rả, thể hiện tâm trạng phấn khởi vì hoàn thành tốt bài thi.
Cán bộ coi thi gọi tên thí sinh vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá. Ảnh: BÍCH TUYỀN
Cán bộ coi thi phát giấy thi môn ngữ văn cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá. Ảnh: TÂY HỒ
Tại huyện An Biên, học sinh Trường THPT An Biên, Trường Trung học cơ sở và THPT Nam Yên, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Biên thi tại điểm thi Trường THPT An Biên với tổng số 574 thí sinh. Kết thúc buổi thi môn ngữ văn, nhiều thi sinh phấn khởi cho rằng đề thi năm nay vừa sức, cơ bản bám sát chương trình học.
Em Lê thị Mộng Cầm - học sinh lớp 12A9, Trường THPT An Biên nói: “Đề thi năm nay vừa sức với đa số học sinh. Phần đọc hiểu có thể đọc rồi trả lời ngay. Phần nghị luận xã hội gần gũi với cuộc sống đời thường. Câu nghị luận văn học cho đoạn trích trong bài thơ “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em ôn kỹ nên làm bài rất thuận lợi, có thể đạt khoảng 7 đến 8 điểm”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT An Biên, huyện An Biên (Kiên Giang) điền thông tin vào giấy thi, giấy nháp. Ảnh: BẢO TRÂN
Tại huyện Hòn Đất, thí sinh tại điểm thi Trường THPT Sóc Sơn rời phòng thi với tinh thần phấn khởi. Theo nhiều thí sinh, đề ngữ văn năm nay vừa sức, có thể đạt từ trên 6,5 điểm trở lên. Đề thi có tính thời sự và ý nghĩa thiết thực.
Em Danh Thị Ngọc Quý - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Sóc Sơn cho biết: “Em làm bài khá tốt. Phần nghị luận văn học, các em được giáo viên ôn tập kỹ nên làm được. Về phần nghị luận xã hội nói về tôn trọng cá tính, em liên hệ bản thân và cuộc sống thực tế để đưa vào bài làm”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) phấn khởi sau khi thi môn ngữ văn. Ảnh: TÚ ANH
Tại huyện Gò Quao, theo ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Trường THPT Gò Quao có tổng số 500 thí sinh dự thi/501 thí sinh đăng ký thuộc hai trường: Trường THPT Gò Quao và Trường THCS và THPT Vĩnh Thắng.
Em Võ Thị Mai Anh - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Vĩnh Thắng cho biết: “Đề thi ngữ văn năm nay không khó, sát với chương trình học, em làm được hết các câu trong đề. Em nghĩ mình đạt 7 điểm bài thi ngữ văn...".
Chiều nay, 27-6, thí sinh bước vào buổi thi thứ hai với bài thi môn toán.
Thí sinh trao đổi về đề thi sau khi kết thúc môn thi ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá (Kiên Giang), sáng 27-6. Ảnh: TÂY HỒ