Thí sinh lo 'thiệt thòi' vì xét tuyển IELTS, các đại học nói gì?
Các trường ĐH ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến các thí sinh dự định dùng điểm thi tốt nghiệp để xét đại học cảm thấy thiệt thòi, điều này có đúng không?
Những năm gần đây, phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được nhiều đại học chú trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng.
Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong xét tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0 được quy đổi 10 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi 8 điểm. Trong khi đó, chứng chỉ TOEFL iBT 79 được quy đổi thành 10 điểm. Mức thấp nhất là TOEFL iBT 46-47 được quy đổi là 8 điểm.
Còn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh IELTS 6.0 trở lên vào ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tới 30% chỉ tiêu của ngành. Ngoài ra, thí sinh có điểm SAT 800 cũng được ưu tiên xét tuyển.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp vào ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, vào ngành Điều dưỡng nếu IELTS 5.0 trở lên…
Trường ĐH Tôn Đức Thắng ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc chương trình quốc tế vào học chương trình đại học bằng tiếng Anh với thí sinh có chứng chỉ IELTS ≥ 5.0 (hoặc chứng chỉ quốc tế tương đương)…
Ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.0 trở lên là một trong những tiêu chuẩn theo phương thức xét tuyển học sinh giỏi và xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn.
Thí sinh khác có thiệt thòi?
Các trường đại học lý giải ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT, TOEIC, ACT vì muốn chủ động hội nhập quốc tế. Mặt khác đây là sự đa dạng trong tuyển sinh. Các trường đang tìm những phương thức khác để khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn tính phân loại mạnh thì các trường vẫn sẵn sàng trong việc tuyển sinh. Hơn nữa, để tốt nghiệp ở nhiều trường bắt buộc sinh viên phải có khả năng ngoại ngữ tốt.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay các trường đại học ưu ái cho thí sinh theo học chương trình bổ sung tiếng Anh vì việc xét này có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, đây là những thí sinh thực sự có hiểu biết về ngành nghề, cơ hội việc làm và các chương trình trong trường đại học. Mặt khác, do được học tiếng Anh từ nhỏ nên khi vào đại học, các thí sinh có cơ hội tiếp cận tài liệu, giao tiếp và có cơ hội hội nhập cao hơn.
Về việc “ưu ái” thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có khiến thí sinh khác không có điều kiện tiếp xúc học tiếng Anh thiệt thòi, ông Sơn cho rằng, điều này là có nhưng không nhiều vì chủ yếu các thí sinh ở vùng xa. Tuy nhiên theo ông Sơn, những thí sinh như vậy vẫn có nhiều cơ hội để xét tuyển bằng cách khác và các em vẫn phải học tập tốt tiếng Anh vì đây ngôn ngữ thứ hai.
“Nếu thí sinh không học tập tiếng Anh tốt là không thể ra trường khi sắp tốt nghiệp vì các trường đại học đã đặt ra tiêu chí cho sinh viên phải đạt ngoại ngữ, nhất là môn tiếng Anh, phải đạt mức 3 trong khung năng lực 6 bậc do Bộ GD-ĐT quy định hay có chứng chỉ quốc tế như TOEIC, TOEFL, IELTS…Điều này bắt buộc các sinh viên nếu chưa có tiếng Anh đầu vào thì cũng phải học để có đầu ra”- ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo ông Sơn chỉ tiêu xét học bạ hay thi tốt nghiệp ít đi vì hiện nay các trường dành tiêu chí xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế, xét tuyển những thí sinh có thành tích thể thao cao, ....đã nhiều hơn các năm trước. Nghiên cứu cho thấy sinh viên xét tuyển bằng học bạ THPT thì tỷ lệ học tập "ẹ" hơn nhiều so với xét tuyển bằng các phương thức khác.
Ông Phùng Quán, Trưởng phòng thông tin truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng trong thời đại hội nhập, người không có ngoại ngữ đã là bất lợi lớn, sinh viên sẽ không có cơ hội kiếm được việc làm, có thu nhập cao nếu ra trường yếu tiếng Anh. Khi không có tiếng Anh khi vào đại học sẽ cực kỳ khó khăn cho việc học, nghiên cứu.
Ông Quán nhấn mạnh, các trường ĐH được quyền tự chủ về tuyển sinh, có nghĩa là có quyền, có cách chọn lựa học sinh đủ năng lực, phẩm chất vào học. Hiện nay có hơn 10 phương thức xét tuyển, học sinh có nhiều cơ hội để vào các trường ĐH.
Đối với thí sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu thiệt thòi khi tiếp cận ngoại ngữ, ông Quán cho rằng các em đã có những chế độ ưu tiên khác. Bằng chứng là năm nào trường dân tộc nội trú cũng nhiều thí sinh có điểm xét tuyển từ 28 đến 30 thậm chí hàng chục thí sinh có điểm xét tuyển trên 30.