Thí sinh thi vào 4 trường THPT chuyên tại Hà Nội phải qua 2 vòng
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên tại Hà Nội năm 2025 trải qua 2 vòng gồm sơ tuyển và thi tuyển.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 do UBND TP Hà Nội ban hành chiều tối nay (24/2), phương thức tuyển sinh vào các lớp chuyên tại 4 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Chu Văn An, THPT chuyên Sơn Tây gồm 2 vòng thi sơ tuyển và thi tuyển, cụ thể như sau:
Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ.
Trong đó căn cứ vào các tiêu chí và được đánh giá bằng điểm số như: kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, toàn quốc, khu vực và quốc tế (giải nhất được 5 điểm, giải nhì được 4 điểm, giải ba được 3 điểm, giải khuyến khích được 2 điểm). Kết quả học tập 4 năm cấp THCS, mỗi năm kết quả học tập tốt (giỏi) được 3 điểm, khá được 2 điểm.
Điểm sơ tuyển = Điểm thi học sinh giỏi, tài năng + Điểm kết quả học tập (học lực) 4 năm cấp THCS
Những học sinh đạt điểm sơ tuyển từ 8,0 điểm trở lên sẽ được chọn vào thi tuyển vòng 2.
Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.
Về môn thi, thí sinh dự thi 3 bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên và bài thi môn chuyên theo nguyện vọng. Các bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên tính hệ số 1, bài thi môn chuyên tính hệ số 2.
Đề thi môn chuyên chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 cấp THCS. Riêng môn Khoa học tự nhiên thi vào lớp chuyên theo mạch nội dung: lớp chuyên Vật lí (mạch Năng lượng và sự biến đổi), lớp chuyên Hóa học (mạch Chất và sự biến đổi của chất) và lớp chuyên Sinh học (mạch Vật sống); môn Lịch sử và Địa lí thi vào lớp chuyên theo phân môn: lớp chuyên Lịch sử (phân môn Lịch sử), lớp chuyên Địa lí (phân môn Địa lí). Học sinh làm bài thi môn Toán thay thế để xét tuyển vào lớp chuyên Tin học.
Về hình thức thi, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí thi theo hình thức tự luận; môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) thi theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết (có thêm phần nghe hiểu). Môn Khoa học tự nhiên thi theo hình thức tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 150 phút/môn chuyên.
Lịch thi cụ thể như sau:

Điểm xét tuyển = Tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2)
Trong đó, điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10. Chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.
Mỗi thí sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của 2 trong 4 trường chuyên, có thể đăng ký nguyện vọng vào cùng 1 môn chuyên của 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2. Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào trường (trực tuyến hoặc trực tiếp) từ ngày 10/7 đến ngày 12/7.
Cũng theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 do UBND TP ban hành, Hà Nội tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập trong hai ngày 7 - 8/6, sớm hơn năm ngoái 3 ngày. Kỳ thi gồm ba môn, trong đó Toán và Ngữ văn là hai môn bắt buộc. Với môn thi thứ ba, Sở GD&ĐT cho biết sẽ công bố trong tuần này, có thể là một môn thi riêng lẻ hoặc bài tổ hợp (Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lí).