Thí sinh tươi cười rạng rỡ với đề thi 'suy nghĩ bằng trái tim' ở môn Ngữ văn

Trưa 6-6, thí sinh tại TPHCM đã hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập là môn Ngữ văn. Hầu hết thí sinh đều ra về với vẻ mặt tươi cười hớn hở với đề thi được đánh giá không khó, chủ đề rất gần gũi nên tạo được cảm hứng cho học sinh.

Có mặt tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), ghi nhận cho thấy có 4 thí sinh nộp bài trước khi kết thúc thời gian làm bài.

Võ Đăng Khoa, học sinh lớp 9A10, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) là một trong 4 thí sinh hoàn thành bài thi sớm hơn thời gian quy định. Đăng Khoa cho biết, câu hỏi nghị luận xã hội năm nay khá hay với yêu cầu "Biết nghĩ bằng con tim", chứ không phải bằng khối óc, suy nghĩ, nhận thức, đánh giá.

Chủ đề này, theo Đăng Khoa không mang tính chất đánh đố bởi xoay quanh 2 vấn đề rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của các em là tình cảm và lý trí. Do đó, học sinh có thể lấy dẫn chứng từ chính kinh nghiệm sống hoặc những mối quan hệ bạn bè xung quanh mình.

Ở phần đọc hiểu, chủ đề "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" được thí sinh này nhận xét "không cần học cũng có thể viết được" do các em được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau từ sách báo, ti vi, các chương trình xã hội...

"Em dự đoán mình được ít nhất 7 điểm môn Ngữ văn. Nhìn chung, đề thi năm nay ngắn hơn năm ngoái nhưng có nhiều "đất" cho thí sinh thể hiện quan điểm của mình, kết hợp vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được học trong chương trình", Đăng Khoa bày tỏ.

 Những thí sinh đầu tiên hoàn thành bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản. Ảnh: THU TÂM

Những thí sinh đầu tiên hoàn thành bài thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản. Ảnh: THU TÂM

Với Lê Ngọc Khánh Linh, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), chủ đề câu hỏi nghị luận xã hội không gây bất ngờ đối với em. Thí sinh này đã lấy dẫn chứng từ chính cuộc sống hàng ngày, nếu không có tình cảm tích cực thì không vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.

"Em liên hệ thói vô tâm của một bộ phận giới trẻ hiện nay, từ đó nêu lên tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sống và suy nghĩ bằng trái tim, biết nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp để vươn lên trong cuộc sống. Em dự đoán mình được 8,5 điểm với bài thi dài 2 đôi giấy", Khánh Linh tự tin chia sẻ.

 Thí sinh vui vẻ chia sẻ với nhau sau giờ làm bài môn Ngữ văn. Ảnh: THU TÂM

Thí sinh vui vẻ chia sẻ với nhau sau giờ làm bài môn Ngữ văn. Ảnh: THU TÂM

Riêng với Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 9/3, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), em đã liên hệ dẫn chứng từ câu chuyện anh shipper dũng cảm cứu người trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội để nêu bật ý nghĩa của việc sống và hành động bằng trái tim, từ đó gieo mầm cho những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.

Ở câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh được chọn 1 trong 2 đề thi gồm: phân tích tình cảm cha con trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và khổ cuối trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu.

Phần lớn thí sinh đều cho biết chọn đề 1 phân tích tình cảm cha con qua tác phẩm "Chiếc lược ngà" vì chủ đề tình cảm gia đình vốn khá gần gũi, dễ tìm liên hệ dẫn chứng trong thực tế.

Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên Trường THCS Minh Đức (quận 1) cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay trở lại định dạng của những năm trước. Nhìn chung, đề thi vừa sức, ngữ liệu giàu tính nhân văn.

Đối với phần đọc - hiểu, câu hỏi a, b cụ thể rõ ràng, học sinh chỉ cần nhìn vào văn bản là trả lời được. Câu c, d đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ để trả lời, riêng câu d phải biết cách nêu vấn đề và lập luận vì sao em chọn tổ chức hoạt động này.

Riêng phần nghị luận xã hội không dễ đối với học sinh trung bình. Nếu các em không giải thích được vấn đề thì sẽ không biết cách lập luận và sẽ không làm rõ được yêu cầu đề.

Còn phần nghị luận văn học, cả hai đề đều là trọng tâm kiến thức học kỳ 1. Ở đề 1, học sinh có thể lựa chọn một trong hai dạng là liên hệ thực tế hoặc liên hệ tác phẩm cùng chủ đề. Còn ở đề 2, liên hệ những tác động đến bản thân, những tình cảm mà bài thơ hoặc đoạn thơ gợi lên trong em.

Chiều nay, thí sinh tiếp tục dự thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 90 phút.

Ngày mai (7-6), thí sinh dự thi môn thi cuối cùng trong 3 môn thi bắt buộc là môn Toán. Thời gian làm bài môn Toán là 120 phút.

Chiều cùng ngày, thí sinh dự thi môn chuyên hoặc tích hợp (nếu có nguyện vọng đăng ký lớp 10 chuyên hoặc tích hợp). Thời gian làm bài môn chuyên hoặc tích hợp là 150 phút.

>>> Một số hình ảnh thí sinh tươi cười hớn hở sau khi kết thúc giờ làm bài môn Ngữ văn tại điểm thi THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6). Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Rời khỏi điểm thi với tâm trạng hân hoan

Rời khỏi điểm thi với tâm trạng hân hoan

 Vui mừng chia sẻ đề thi với bố mẹ

Vui mừng chia sẻ đề thi với bố mẹ

 Các thí sinh cho biết rất tự tin với kết quả làm bài môn Ngữ văn

Các thí sinh cho biết rất tự tin với kết quả làm bài môn Ngữ văn

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-sinh-tuoi-cuoi-rang-ro-voi-de-thi-suy-nghi-bang-trai-tim-o-mon-ngu-van-post743312.html