Thí sinh tuồn đề thi tốt nghiệp THPT ra ngoài: Dễ dính tội làm lộ bí mật nhà nước

Theo các luật sư, hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để tuồn đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, theo Điều 337 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt bí mật nhà nước liên quan một thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

 Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt bí mật nhà nước.

Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt bí mật nhà nước.

Sử dụng tai nghe hạt đậu, camera không dây siêu nhỏ

Theo đó, sáng 26-6, tại phòng thi 2206, điểm thi trường THPT Thăng Long, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, giám thị coi thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phát hiện thí sinh NPTS (sinh năm 2007, ngụ Lâm Đồng) có biểu hiện bất thường, nghi vấn sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử nên đã báo cáo Trưởng điểm thi kiểm tra, lập biên bản đình chỉ thi.

Qua điều tra, xác minh ban đầu cơ quan công an ghi nhận: Vào khoảng tháng 6-2025, do áp lực thành tích thi cử, S lên Facebook đặt mua bộ thiết bị điện tử gồm tai nghe hạt đậu, camera không dây siêu nhỏ dạng cúc áo để chuẩn bị cho việc gian lận trong kỳ thi THPT 2025.

Sau khi nhận được các thiết bị nêu trên, S đã gặp, hướng dẫn cho BTQ (sinh năm 2008, trú Lâm Đồng) cách sử dụng các thiết bị, nhờ Q hỗ trợ giải, đọc đáp án đề thi.

Sáng ngày 26-6, S lắp đặt các thiết bị điện tử giấu kín trong người và đem theo 1 điện thoại di động có thiết lập sẵn cuộc gọi thoại thông qua ứng dụng Facebook Messenger với Q rồi vào phòng thi để thi môn Ngữ Văn.

Sau khi giám thị phát đề thi chính thức khoảng 15-20 phút, S sử dụng camera cúc áo để quay đề thi chính thức môn Ngữ Văn và tự động gửi ra ngoài cho Q thông qua ứng dụng LookCam (ứng dụng IOT cài đặt tự động gắn với camera giấu kín).

Lúc này, Q ngồi ở quán internet chờ sẵn. Tuy nhiên, do mải chơi game nên khoảng hơn 45 phút sau (chưa hết 2/3 thời gian làm bài thi) thì Q mới phát hiện đã có video quay trực tiếp đề thi môn Ngữ Văn trên ứng dụng LookCam.

Sau đó, Q đã thao tác chụp từng ảnh đề thi, tuy nhiên chỉ chụp được trang 2 của đề thi, sau đó tải về, sử dụng ứng dụng Chat GPT để giải đề, đọc đáp án qua cuộc gọi Messenger cho S trong phòng thi để chép đáp án.

Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt bí mật nhà nước, quy định tại khoản 2 Điều 337 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên đã ra quyết định khởi tố vụ án. Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục điều tra.

Trách nhiệm pháp lý ra sao?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng hành vi của 2 học sinh có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt bí mật nhà nước, được quy định tại Điều 337 BLHS.

Theo Quyết định 531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023, đề thi tốt nghiệp THPT được xác định thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật” cho đến khi kết thúc thời gian làm bài chính thức.

Việc cố tình thu thập, truyền tải, giải đề trong khoảng thời gian đề thi vẫn đang được bảo vệ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo luật sư Thanh, hành vi này không còn dừng lại ở mức độ vi phạm quy chế thi hay kỷ luật hành chính trong nhà trường, mà đã xâm phạm đến bảo vệ bí mật nhà nước - một lĩnh vực được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Đây là cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.

 Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: YC

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: YC

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, nói thêm: Theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 24/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Tối mật".

Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” của đề thi đối với đề thi tự luận chỉ kết thúc khi hết 2/3 thời gian làm bài; đối với đề thi trắc nghiệm chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của buổi thi.

Vì vậy, hành vi chủ đích sử dụng các thiết bị điện tử quay đề thi rồi gửi cho Q giải đề, đọc đáp án qua cuộc gọi Messenger khi chưa kết thúc 2/3 thời gian làm bài (chưa hết thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước) của thí sinh S là hành vi có dấu hiệu phạm tội làm lộ bí mật nhà nước, theo khoản 2 Điều 337 BLHS.

Về TNHS, luật sư Thanh cho biết sẽ căn cứ cụ thể vào độ tuổi, mức độ tham gia và vai trò của từng người tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội.

Luật sư Thanh phân tích: Em S sinh năm 2007, đến thời điểm thực hiện hành vi (tháng 6-2025), nếu đã đủ 18 tuổi, em này phải chịu TNHS đầy đủ như một người thành niên (đủ 18 tuổi).

Còn đối với em Q (sinh năm 2008), tại thời điểm thực hiện hành vi chưa đủ 18 tuổi (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) thì pháp luật sẽ áp dụng các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

Theo Điều 91 BLHS, việc xử lý người chưa thành niên phải đảm bảo nguyên tắc ưu tiên giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm và tạo điều kiện tái hòa nhập xã hội.

Tòa án có thể xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự như giáo dục tại xã phường, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc cải tạo không giam giữ nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội.

“Ở đây, việc truy cứu TNHS phải xem xét động cơ, hoàn cảnh phạm tội và mức độ nhận thức của các em. Nếu hành vi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, bị tác động từ bên ngoài hoặc do áp lực thi cử thì đó có thể là những tình tiết giảm nhẹ mà cơ quan tiến hành tố tụng xem xét”, luật sư Thanh nói.

Theo luật sư Hòa, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều 91 BLHS, nếu tòa án áp dụng hình phạt tù phải theo Điều 101 BLHS. Cụ thể, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Khởi tố vụ án vô ý làm lộ bí mật nhà nước

Ngày 1-7, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm lộ bí mật nhà nước, theo Điều 338 BLHS - để điều tra, làm rõ vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT 2025 xảy ra trên địa bàn.

Công an bước đầu xác định thí sinh NVK đã lén mang điện thoại di động vào phòng thi rồi chụp ảnh một phần đề thi môn Toán, đăng tải lên ứng dụng StudyX để giải đề thi nhưng chỉ chép được đáp án của 2 câu hỏi thi. Ngoài ra, NVK còn chụp ảnh và đăng tải đề thi môn Hóa học, Vật lý trong buổi thi vào ngày 27-6.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện một trường hợp khác cũng sử dụng điện thoại để gian lận thi cử. Tương tự như NVK, thí sinh LTMA đã lén mang điện thoại vào phòng thi để chụp ảnh đề thi môn Toán, môn Lịch sử, môn Tiếng Anh rồi sử dụng ứng dụng AI Gemini trên điện thoại giải đề thi. Hội đồng coi thi đã phát hiện, lập biên bản vi phạm quy chế thi, đình chỉ thi.

Lời khuyên cho các thí sinh và phụ huynh

Theo hai luật sư, vụ việc này là một lời cảnh báo nghiêm túc đối với các em học sinh, phụ huynh và cả nhà trường trong việc sử dụng công nghệ một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt trong môi trường thi cử - nơi yêu cầu sự trung thực, minh bạch và ý thức trách nhiệm cao.

Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM. Ảnh: YC

Trong vài năm gần đây, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao như tai nghe siêu nhỏ, camera ngụy trang, phần mềm giải đề tự động và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để gian lận trong thi cử ngày càng gia tăng.

Điều đáng lo ngại là không ít em cho rằng đây chỉ là “mẹo vặt” để vượt qua kỳ thi mà không nhận thức được rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Càng không ít trường hợp, các em bị lôi kéo, dụ dỗ bởi người khác, thậm chí trở thành công cụ cho một hệ thống tổ chức gian lận tinh vi đứng phía sau.

Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT hay các ứng dụng công nghệ khác chỉ nên là công cụ hỗ trợ học tập, không phải là phương tiện để gian lận.

Một bài thi đạt điểm cao bằng gian lận công nghệ không thể che lấp một nhân cách thiếu trung thực. Mỗi em cần hiểu rằng thi cử không chỉ là kiểm tra kiến thức, mà còn là một phép thử về đạo đức.

Một phút sử dụng công nghệ sai cách có thể để lại hậu quả cả đời không chỉ trên lý lịch pháp lý, mà còn trong lương tâm.

Với các bậc phụ huynh, hãy đồng hành với con không chỉ bằng việc đầu tư cho học thêm, luyện thi, mà quan trọng hơn là định hướng giá trị sống đúng đắn, giúp con hiểu rằng thành công thực sự chỉ có thể đến từ nỗ lực chính đáng.

Với nhà trường và ngành giáo dục, cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật, tổ chức các buổi tập huấn về đạo đức học đường, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển quá nhanh. Phòng ngừa, giáo dục và cảnh báo từ sớm chính là cách bảo vệ các em tốt nhất, tránh cho các em phải gánh chịu hậu quả pháp lý khi tuổi đời còn quá trẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là dấu mốc lớn trong cuộc đời, nhưng không phải là đích đến duy nhất. Các em có quyền mơ ước, được phép sai sót, nhưng không có quyền gian dối, nhất là khi gian dối ấy có thể đánh đổi bằng cả tương lai.

Hãy nhớ rằng một phút “khôn lỏi” trong phòng thi có thể dẫn tới một bản án hình sự và một quyết định sai hôm nay có thể để lại vết sẹo dài suốt đời.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-sinh-tuon-de-thi-tot-nghiep-thpt-ra-ngoai-de-dinh-toi-lam-lo-bi-mat-nha-nuoc-post858221.html