Nỗi niềm sau kỳ thi khó
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã để lại không ít nỗi niềm trong lòng mỗi học sinh. Tuy đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng khi đối mặt với đề thi, không ít em vẫn cảm thấy hụt hẫng. Song những cảm giác ấy cũng chính là bước đệm để các em học cách đối diện với thử thách, vươn lên và tiếp tục chinh phục những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Các thí sinh trước giờ làm bài trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Là một người mẹ có con dự thi năm nay, ca sĩ Ngọc Khuê, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chia sẻ: Các con là những đứa trẻ đặc biệt, lớn lên trong đại dịch, học online suốt một quãng dài, hụt hẫng kiến thức, thiếu thốn tương tác, gián đoạn hành trình học tập nhưng vẫn kiên cường bù đắp bằng ý chí và nỗ lực không ngơi nghỉ. Vậy mà khi bước vào kỳ thi năm nay, đặc biệt ở hai môn Toán và Tiếng Anh, những môn đòi hỏi khả năng tư duy và nền tảng kiến thức ổn định nhiều con đã thực sự kiệt sức...
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn, lo lắng khi con em mình dù học lực khá nhưng vẫn không làm được bài chỉ vì “không đủ thời gian đọc hiểu đề”. Với đề Toán, nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn nhưng cách đặt vấn đề dài, yêu cầu phân tích nhiều bước mới có thể đưa ra đáp án chính xác.
Chị Nguyễn Thị Thoan, phường Phan Đình Phùng, chia sẻ: Con tôi học khá vững trong 3 năm THPT. Vậy mà khi bước ra khỏi phòng thi, cháu đã rất buồn. Cháu bảo đề thi dài, khó, cảm thấy như bị “đuối sức” giữa chừng...
Tiếp đó, hàng loạt diễn đàn mạng xã hội đã "nóng lên" với các chia sẻ từ học sinh, phụ huynh và cả giáo viên về độ khó của đề thi Toán và Tiếng Anh. Đây là hai môn thi quyết định nhiều đến kết quả xét tuyển vào các trường đại học. Trong khi đề Ngữ văn, Giáo dục công dân được đánh giá sát với chương trình, phù hợp năng lực học sinh.
Đa phần học sinh cảm thấy “choáng”, vì khối lượng bài tập quá lớn, nhất là với phần kiến thức tích hợp. Nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng buồn bã, mệt mỏi.
Em Miêu Văn Tâm, học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, lựa chọn Toán, Vật lý, Hóa học để xét tuyển đại học, bày tỏ: Kết quà làm bài thi, không được như kỳ vọng ban đầu của em. Đề Toán dài, em cắm cúi làm cũng chỉ được 8 câu, 2 câu cuối gần như không có thời gian để ngó đến...

Thí sinh trao đổi kết quả sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT 2025.
Đề thi môn Toán năm nay, điều gây khó khăn cho học sinh là mức độ phức tạp và tính toán nhiều ở các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Trong tổng số 50 câu hỏi trắc nghiệm, khoảng 25 câu đầu được đánh giá ở mức độ nhận biết và thông hiểu, tương đối cơ bản và giúp học sinh trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm nếu ôn tập tốt. Nhưng từ câu 26 trở đi, đề bắt đầu “tăng tốc” với những yêu cầu đòi hỏi khả năng tư duy logic, kỹ năng biến đổi linh hoạt và kiến thức liên môn....
Đề thi tiếng Anh năm nay được nhận định là khó đồng đều ở tất cả các phần, từ ngữ pháp, từ vựng cho tới kỹ năng đọc hiểu. Trong đó, phần từ vựng sử dụng nhiều từ mang tính học thuật, thuộc nhóm ít xuất hiện trong sách giáo khoa. Hai bài đọc hiểu cuối đề đều có nội dung dài, câu hỏi mang tính suy luận cao, kiểm tra khả năng phân tích, xác định ý chính và hiểu ngữ cảnh.
Một giáo viên dạy tiếng Anh tại Thái Nguyên cho rằng: Đề thi năm nay có nhiều câu kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, vốn từ vựng rộng và cấu trúc phức tạp, dễ khiến học sinh "choáng", mất điểm đáng tiếc, nhất là với những em học lực khá. Trong khi đó, phần lớn học sinh ở các trường phổ thông chưa có đủ điều kiện học tiếng Anh bài bản ngay từ đầu.

Thanh niên tình nguyện hỏi thăm, động viên thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Kỳ thi THPT quốc gia đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong từng suy nghĩ, từng giấc mơ của học sinh. Đề thi khó, đặc biệt là môn Toán, Tiếng Anh đã khiến không ít bạn cảm thấy bối rối, hụt hẫng.
Những câu hỏi dài, phức tạp, và đầy sự đòi hỏi về tư duy khiến không ít thí sinh phải đổ mồ hôi và giở lại từng trang sách đã lướt qua từ lâu. Có em đã phải làm bài trong sự lo lắng, có em ngồi lại với tờ giấy trắng, không biết phải bắt đầu từ đâu.
Thế nhưng, đằng sau sự khó khăn ấy là một nỗi niềm không thể nói thành lời. Là sự tiếc nuối vì không thể làm trọn vẹn bài thi mà mình đã chuẩn bị bao lâu nay. Là những cảm giác bất lực khi biết mình đã cố gắng hết sức nhưng lại vẫn không thể vượt qua được thử thách mà đề thi đặt ra.
Không ít bạn cảm thấy mình đã không đủ may mắn để gặp được câu hỏi dễ, câu hỏi quen thuộc. Họ cảm nhận được sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế, giữa những gì đã được học và những gì đã xuất hiện trong đề.
Song bên cạnh nỗi buồn, vẫn còn đó những giọt nước mắt mừng vui. Dù kết quả ra sao, Kỳ thi này cũng đã đánh dấu một chặng đường trưởng thành của các em. Mỗi bài học, mỗi giờ ôn luyện, dù có khó khăn đến đâu, cũng là một phần của hành trình.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202507/noi-niem-sau-ky-thi-kho-1f31549/