Thi sử, nhìn từ thi tập
Những tập thơ nào góp phần chủ yếu làm nên lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại? Mỗi người đọc, bằng vào sức đọc, sức thẩm và gout thẩm mỹ của mình sẽ có một đáp án cụ thể, và chắc hẳn không phải ai cũng giống ai. Riêng tôi, xin được 'cả gan' đưa ra danh sách của mình như sau:
“Mấy vần thơ” của Thế Lữ (1935)
Tập thơ có cái vinh quang của tác phẩm khơi mở cho Thơ Mới tuôn trào thành một dòng chảy mãnh liệt trong thi ca Việt Nam tiền bán thế kỷ XX. Trên thực tế, để nói về sự hình thành của Thơ Mới, người ta phải nói tới những bài thơ “theo lối mới” của Phan Khôi, của Nguyễn Thị Manh Manh từ trước đó. Thậm chí, mươi bài thơ lãng mạn in trong tập “Người sơn nhân” của Lưu Trọng Lư còn xuất hiện trước “Mấy vần thơ” của Thế Lữ hai năm (1933). Thế nhưng, đó chỉ là những dấu hiệu của sự khác lạ trong thơ Việt lúc ấy mà thôi, nó đưa Thơ Mới vào thế phân tranh ảnh hưởng với thơ cũ, rồi dừng lại. Tình hình trở nên khác hẳn khi “Mấy vần thơ” xuất hiện.
Với tập thơ này “Thế Lữ đã đem lại chiến thắng quyết định cho Thơ Mới, đưa Thơ Mới vượt qua tình trạng non nớt chập chững tới chỗ vững vàng thuần thục” (“Từ điển văn học”, bộ mới. Trang 976, Nguyễn Hoành Khung). “Chiến thắng quyết định” ở đây chính là sự thuyết phục tuyệt đối về mặt nghệ thuật. Hàng loạt motif chủ đề và hình tượng cơ bản của thơ ca lãng mạn hiện diện trong “Mấy vần thơ”: sự chán ghét thực tại tầm thường nhàm chán; giấc mơ hướng về dĩ vãng hoặc thoát lên tiên giới; hình ảnh một con người yêu tự do và đi tìm cái đẹp lý tưởng trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong ái tình.
Tất cả những nội dung rất mới, phản ánh rất trúng tâm thế của thời đại đó lại được phô diễn bằng những hình thức ngôn ngữ và những thi ảnh thật tân kỳ. Không cần phải nhiều lời tung hô, những bài thơ xuất sắc trong tập- như “Nhớ rừng” hay “Tiếng sáo Thiên Thai”- đã đủ là một sự xiển dương cho Thơ Mới. Bởi thế, tập thơ tạo ra sức hấp dẫn rất mạnh đối với công chúng và những người làm thơ đương thời, tới mức Hoài Thanh phải quả quyết: “Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện, ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công của Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này” (“Thi nhân Việt Nam”).
“Tinh huyết” của Bích Khê (1939)
Sau sự khởi đầu của tập “Mấy vần thơ”, Thơ Mới phát triển rất nhanh và nó đạt tới cao trào với các tập “Thơ thơ” của Xuân Diệu (1938) và “Lửa thiêng” của Huy Cận (1940). Nhưng đó chỉ là một hướng vận động trong phong trào Thơ Mới - hướng lãng mạn chủ nghĩa - và vì thế tôi sẽ nhường vị trí của hai tập thơ này cho tập “Tinh huyết” của Bích Khê. Bởi lẽ, như một vài nhà nghiên cứu có uy tín đã khẳng định, “Tinh huyết” chính là tập thơ đánh dấu mốc mở màn cho giai đoạn thứ hai, cũng là hướng thứ hai của phong trào Thơ Mới: hướng siêu thực chủ nghĩa. Trước đó, trong tập “Gái quê” của Hàn Mặc Tử (1936) và tập “Điêu tàn” (1937) của Chế Lan Viên đã ít nhiều có màu sắc siêu thực chủ nghĩa, nhưng ở Bích Khê nó mới thực sự đậm đặc.
“Tinh huyết” không nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả đương thời, điều đó cho thấy rõ ràng có một “khoảng cách thẩm mỹ” giữa tác phẩm với “tầm đón đợi” của thời đại. Nhưng mặt khác, tập thơ lại phản ánh sự nỗ lực của thơ Việt trên đường cập nhật hóa những tìm tòi của thơ ca thế giới đương đại. Có thể nói, đây thực sự là một bước tiến mới trong thơ Việt Nam lúc ấy. Hoàn toàn không phải vô nghĩa khi sau Bích Khê, nhiều thi sỹ khác đã đi trên con đường thơ siêu thực: Nguyễn Xuân Sanh, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Đông Hoài, Trần Mai Châu, Hoàng Lộc... Đáng tiếc là với những biến cố lịch sử sau đó nữa, thơ siêu thực không có hoặc có rất ít đất để phát triển trong văn học Việt Nam. Dẫu sao đi nữa, sự tồn tại của thơ siêu thực với vai trò mở màn của tập “Tinh huyết” là một thực tế văn học sử không thể phủ nhận.
“Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm (1959)
Tập thơ xuất bản lần đầu năm 1994, nhưng thực ra đã được tác giả viết từ trên 30 năm trước, trong một hoàn cảnh cá nhân và một bối cảnh xã hội khá đặc biệt. Có thể cho rằng “Về Kinh Bắc” là một sự phát triển tiếp tục, nhưng là phát triển “ngầm”, mang tính “bí truyền”, của dòng thơ siêu thực đã có từ trước năm 1945. “Bốn tám dáng thơ đi tám nhịp/ Tuần du chưa vợi khối ân tình”. Câu thơ đầu nói về cấu trúc “nổi” của tập thơ: 48 bài, chia thành tám phần.
Câu thơ sau nói về cấu trúc “chìm”: “Về Kinh Bắc” là một giấc mơ, trong giấc mơ đó tác giả đã ngụp lặn, đã tận hưởng hồn vía quê hương Kinh Bắc của mình cho thỏa nỗi mong nhớ. Nói như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy: “Về Kinh Bắc là một giấc mơ. Giấc mơ với những liên tưởng đứt đoạn, những hình ảnh rời rạc và rất nhiều các khoảng trắng, các dấu lặng... Tất cả trôi đi trong nhịp điệu thôi miên. Giấc mơ Về Kinh Bắc này là sự siêu thăng trong mặc cảm Oedipe, một thực tại siêu thực trong vô thức của Hoàng Cầm” (“Sự ham muốn của bút pháp”. Tr 188).
Từ cái nền vô thức ấy, “Về Kinh Bắc” đã chồi lên như một sự thể hiện rất thơ và rất đậm đặc của những ẩn ức tình dục, ít có tập thơ Việt Nam nào mà “chất sex” lại được thể hiện đậm đặc và thơ đến thế! Với riêng người viết bài này, “Về Kinh Bắc” là tập thơ có những câu hay đến gai người: “Chùa Phật Tích duỗi mình trong lụa bạch/ Tượng Quan Âm má ửng bồ quân/ Chuông chiều cởi yếm, chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng” (“Đêm Thủy”). Sau hơn 30 năm mới được in ra và ngay lập tức đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn, có thể nói, “Về Kinh Bắc” là tập thơ được hưởng vinh quang muộn.
“Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên (1960)
Đối trọng với “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm là tập “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên. Đối trọng, vì được viết ra gần như cùng một thời điểm, cùng trong một bầu không khí xã hội, nhưng tập thơ của Chế Lan Viên thực sự là sản phẩm của một cái Tôi hữu thức, một tinh thần duy lý. Tính chất duy lý được thể hiện qua trạng thái dằn vặt, giằng xé liên tục giữa “cái Tôi” và “cái Ta”, giữa “trước kia” và “bây giờ” trong chủ thể trữ tình. Nhà thơ đối thoại với chính mình, tự mổ xẻ mình, tự trách mình, tự hạ nhục mình, tự nhận lỗi về mình - cái “mình” bé mọn của “ngày xưa” - để rồi từ đó bật lên niềm khao khát vươn tới ánh sáng lý tưởng của cách mạng, khao khát chất phù sa bồi đắp cho cuộc sống của con người đang “phá cô đơn ta hòa hợp với người”.
Tập thơ của Chế Lan Viên khẳng định mạnh mẽ tư thế và ý thức trách nhiệm của con người nhà thơ - công dân trong thời đại mới. Tư tưởng ấy tạo được sức hấp dẫn rất lớn. Bởi cảm xúc thành thực của nhà thơ, bởi một lối thơ giàu chất suy tưởng, một lối thơ luôn lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ, bởi những câu thơ luôn vận động hướng đến dáng vẻ của những câu châm ngôn mang chân lý phổ quát (ví dụ: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn), bởi cả trình độ giả kim thuật ngôn từ ở mức điêu luyện của người viết. Với thành công vang dội của tập “Ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên đã xác lập một vị trí rất cao và vững chắc trên thi đàn cách mạng: ông gần như trở thành người phát ngôn (bằng thơ) cho lý tưởng cách mạng. Nhiều nhà thơ sau đó, như bị một hấp lực đầy ma mị, đã viết như họ không thể thoát khỏi từ trường ảnh hưởng của tập “Ánh sáng và phù sa”.
“Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều (1992)
Tập thơ của Nguyễn Quang Thiều tạo một quãng cách thời gian trên 30 năm so với tập thơ của Chế Lan Viên. Khoảng thời gian đó ghi nhận lịch sử của 15 năm thơ ca kháng chiến chống Mỹ và gần 20 năm thơ ca thời hậu chiến, nhìn chung, ít có một khác biệt nào đáng kể, nhất là về mặt tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ thơ. Sự khác biệt có ý nghĩa đầu tiên, theo tôi, bắt đầu từ tập thơ này của Nguyễn Quang Thiều. (Trước đó, tập “Ngôi nhà tuổi 17” của anh cũng bị lẫn vào diện mạo chung kia). Trong cách đọc cũ, “Sự mất ngủ của lửa” rất trúc trắc, có người nói nó như thơ dịch, mà là dịch “mộc” từ thơ Tây.
Đã vậy, những liên tưởng nghệ thuật trong tập thơ thường xuyên là những liên tưởng “trái khoáy”, theo kiểu những tương quan đối lập để làm nên sắc màu lập thể trong thơ (ví dụ: Tôi trở lại nhặt vành nón gẫy/ Những chân trời gập khúc xuống mùa đông, hoặc: Người nông dân già chiều nay rút rơm khô thổi lửa/ Xa tít một lưỡi cày mơ tên gọi vì sao).
“Sự mất ngủ của lửa” gây sốc cho dư luận, nó “xẻ” người đọc ra làm hai chiều hướng đối lập: khen thì thật khen, mà chê thì cũng thật chê. Chưa nói chuyện thích hay không thích, khen hay chê, nhưng chỉ như vậy, Nguyễn Quang Thiều đã khiến cho những người muốn hiểu anh buộc phải đọc anh bằng một “ngữ pháp thơ” khác, khác với “ngữ pháp thơ” cũ.
Một đóng góp đáng quý của Nguyễn Quang Thiều ở tập thơ này, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp: “Anh thường trăn trở về sự suy kiệt của cõi thế và khả năng tái sinh của nhân loại” (“Vọng từ con chữ”. Tr 263). Vào thời điểm đó, riêng điều này cũng đã là một giá trị: nó vượt lên sự trăn trở về những vấn đề của một quốc gia dân tộc cụ thể, những vấn đề của cuộc sống con người trong một xã hội cụ thể (khá đặc trưng cho 30 năm thơ trước đó). Có lẽ, nó đã chạm tới cái trăn trở muôn thuở của tồn tại người?
Kể từ “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều đến nay, theo ý tôi, chưa xuất hiện một tập thơ nào mang ý nghĩa ngang bằng về mặt văn học sử như vậy, và bởi thế, việc của chúng ta là phải chờ đợi. Cái nhìn của những người khác có thể sẽ khác chăng? Và từ những cái nhìn khác, danh sách những tập thơ làm nên lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại cũng sẽ khác chăng?
Để kết bài, xin được nói thêm rằng: đưa ra danh sách này, người viết không làm nhiệm vụ phân định cao thấp cho các tập thơ (vả chăng, đó thực sự là điều không thể), mà chỉ đơn giản là liệt kê, theo trật tự tuyến tính của thời gian và theo cái nhìn chủ quan, những tập thơ đánh dấu mốc trên các chặng vận động của thơ ca Việt Nam hiện đại mà thôi.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/thi-su-nhin-tu-thi-tap-i616475/