Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, danh mục tài liệu ôn khiến GV choáng váng

Giáo viên trung học phổ thông Thành phố Hồ Chí Minh thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải học 37 văn bản quy phạm pháp luật, chưa kể tiếng Anh.

Kể từ khi Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều bài phản ánh về sự bất cập trong việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Người viết còn được biết, hiện nay việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có tình trạng mỗi tỉnh hướng dẫn giáo viên ôn tập một kiểu, thiếu sự thống nhất gây bất lợi cho viên chức.

Bài viết dưới đây so sánh danh mục tài liệu tham khảo môn thi kiến thức chung và môn thi nghiệp vụ của giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh và giáo viên tỉnh Quảng Trị.

Một phần nội dung công văn thông báo thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh: Ánh Dương)

Một phần nội dung công văn thông báo thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. (Ảnh: Ánh Dương)

Tài liệu tham khảo môn thi kiến thức chung

Bảng so sánh danh mục tài liệu tham khảo môn kiến thức chung của giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh (Thông báo số 4135/TB-HĐT ngày 7/9/2022 của Hội đồng thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2021 Thành phố Hồ Chí Minh) và giáo viên Quảng Trị (Thông báo số 95/TB-SNV ngày 30/12/2021 của Sở Nội vụ Quảng Trị). [1]

Bảng so sánh cho thấy, giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh phải học 31 tài liệu tham khảo cho môn kiến thức chung, còn giáo viên Quảng Trị chỉ học 11 tài liệu tham khảo và được giới hạn một số nội dung.

Tài liệu tham khảo môn thi nghiệp vụ

Bảng so sánh danh mục tài liệu tham khảo môn thi nghiệp vụ của giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh (Thông báo 4115/TB-HĐT ngày 7/9/2022 của Hội đồng thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2021 Thành phố Hồ Chí Minh) và giáo viên Quảng Trị. [1]

Bảng so sánh cho thấy, giáo viên Thành phố Hồ Chí Minh học 6 tài liệu tham khảo cho môn thi nghiệp vụ, còn giáo viên ở Quảng Trị học 8 tài liệu tham khảo.

Ngược lại, giáo viên ở Quảng Trị được giới hạn một số nội dung ôn tập, còn giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh thì không.

Nhìn chung, để thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II, Giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh phải học 37 văn bản quy phạm pháp luật để làm bài thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

Cùng với đó, giáo viên phải ôn tập môn Tiếng Anh, trình độ tương đương bậc 2 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Công việc chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh. Việc giáo viên phải học 37 văn bản quy phạm pháp luật và môn Tiếng Anh để thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là quá sức với thầy cô.

Cá nhân người viết cho rằng, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên cần được Bộ giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, thấu đáo trong thời gian tới để có phương án phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://noivu.quangtri.gov.vn/cong-chuc-vien-chuc/thong-bao-tai-lieu-on-tap-thi-thang-hang-cdnn-giao-vien-thpt-hang-ii-nam-2021-718.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-danh-muc-tai-lieu-on-khien-gv-choang-vang-post233479.gd