Thi THPT Quốc gia 2018: Khắc phục những lỗi thường gặp trong môn Văn

Th.S Phan Trắc Thúc Định chỉ ra những lỗi thường gặp phải khi làm bài thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đang đến rất gần, các em học sinh đang gấp rút ôn luyện với mong muốn đạt được kết quả cao nhất.

Th.S Phan Trắc Thúc Định (tốt nghiệp bằng Giỏi ngành sư phạm Ngữ văn, Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Thạc sĩ Văn học Việt Nam) đã có những chia sẻ nhằm giúp thí sinh khắc phục những lỗi sai thường gặp trong khi làm bài Văn để đạt điểm cao môn Văn - kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

 Th.S Phan Trắc Thúc Định.

Th.S Phan Trắc Thúc Định.

1. Xác định không đúng yêu cầu đề

Một trong những lỗi học sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia là việc xác định không đúng yêu cầu của đề.

Việc xác định không đúng yêu cầu của đề có nhiều nguyên nhân như thí sinh không đọc kỹ đề trước khi làm bài, do yếu tố tâm lý căng thẳng áp lực trong phòng thi, do sự chuẩn bị ôn luyện chưa kỹ, còn học tủ, học vẹt, học rập khuôn một cách máy móc, lười tư duy rèn luyện...

Đề thi năm 2018, ngoài nội dung kiến thức lớp 12 có thêm nội dung kiến thức lớp 11, vì vậy, học sinh còn lơ là, chủ quan với kiến thức lớp 11. Dạng đề mới này cũng được mở rộng với nhiều câu hỏi mở, có thể đánh lừa nên học sinh không nhận ra dẫn đến làm sai yêu cầu.

Để khắc phục điều này, học sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng khi vào phòng thi. Sau khi nhận đề thi, các em hãy lấy bút gạch chính xác vào những cụm từ chính, cụm từ yêu cầu của đề, tránh hiểu nhầm, hiểu sai ý hỏi, làm thiếu ý hỏi...

Hơn hết, học sinh nên dành 5 hoặc 10 phút cho việc gạch dàn ý ra nháp, hệ thống các luận điểm, luận cứ, luận chứng cho mạch lạc, rõ ràng rồi mới bắt tay vào viết bài.

2. Lỗi thừa - thiếu ý, thiếu dẫn chứng, luận điểm không rõ ràng, tính logic liên kết giữa các phần của bài viết lỏng lẻo

Một trong những lỗi học sinh hay mắc phải khi làm bài thi môn Văn là viết thừa - thiếu ý, thiếu dẫn chứng, hoặc luận điểm bài viết không rõ ràng.

Điều này xuất phát từ việc học sinh không đọc kỹ cũng như không xác định đúng yêu cầu đề. Điều này hay mắc phải đối với các câu hỏi vận dụng, câu hỏi yêu cầu học sinh tạo lập văn bản, tức là diễn đạt, trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng, mạch lạc.

Cách khắc phục từng câu trong đề thi:

- Với 3,0 điểm cho phần Đọc hiểu: Cấu trúc đề thường có một câu nhận biết, hai câu thông hiểu và một câu vận dụng.

Câu hỏi nhận biết thường dễ, số điểm dành cho câu này là 0,5; câu hỏi thông hiểu và vận dụng thường khó hơn nên mỗi câu thường từ 0,5 đến 1,0 điểm, tùy vào mức độ cụ thể.

Với câu hỏi nhận biết – nghĩa là nhận ra được sự vật, hiện tượng (là gì?), học sinh không cần nêu chính xác định nghĩa khái niệm mà chỉ cần nêu đúng tên gọi sự vật, hiện tượng ấy.

- Với 2,0 điểm cho câu Nghị luận xã hội viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), nội dung thường là trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu hoặc trình bày suy nghĩ về vấn đề chính mà văn bản Đọc hiểu đề cập đến.

- Với 5,0 điểm là số điểm cao nhất cho phần Nghị luận Văn học trong đề thi. So với năm 2017, năm nay, phạm vi kiểm tra đánh giá có mở rộng liên hệ tới kiến thức của lớp 11.

Các câu hỏi phần này thường rất đa dạng nhưng học sinh cần phân biệt và xác định rõ được yêu cầu cơ bản và yêu cầu nâng cao có tính chất phân loại của đề thi.

Ví dụ như trong đề thi khảo sát ngày 15/3/2018 của Sở GD-ĐT Hà Nội có cho 2 đoạn thơ (đoạn cuối bài “Vội vàng” – Xuân Diệu và 3 khổ cuối bài “Sóng” – Xuân Quỳnh) và yêu cầu học sinh “Cảm nhận về khát vọng tình yêu tuổi trẻ ở các đoạn thơ trên”.

Ở đây, học sinh cần xác định được các mức độ yêu cầu cụ thể của đề như: yêu cầu cơ bản là cảm nhận được khát vọng tình yêu tuổi trẻ ở các đoạn thơ trên và yêu cầu nâng cao (phân loại thí sinh) là chỉ được ra những nét khác biệt trong cách biểu đạt khát vọng tình yêu tuổi trẻ của hai nhà thơ ở các đoạn thơ trên. Từ việc xác định đúng yêu cầu như vậy, học sinh sẽ khai triển bài viết với các luận điểm rõ ràng, không bị thiếu – thừa ý và có những dẫn chứng liên hệ phù hợp.

Đặc biệt ở câu nghị luận văn học, học sinh không có thói quen suy nghĩ kỹ, chú ý đề bài yêu cầu, mà cứ thấy tên tác giả, đúng vấn đề “tủ” là viết tất cả những gì mình biết về tác giả, tác phẩm ấy nên bài viết rất dài nhưng không đúng trọng tâm, lan man.

Việc đổi mới đề thi môn văn những năm gần đây hướng theo đánh giá năng lực, yêu cầu học sinh phải biết suy luận, vận dụng nên lối học theo văn mẫu, chép lại nguyên bài giảng sẽ không có hiệu quả.

Học sinh cũng nên biết cách khai triển ý, dùng các quan hệ từ để liên kết các phần của bài làm với nhau; các đoạn trong mỗi phần với nhau, tránh lan man không đúng trọng tâm yêu cầu của đề.

Video: Đề thi Ngữ văn THPT Quốc gia 2017: "Sự thấu cảm" không làm khó thí sinh

3. Không phân chia thời gian làm bài hợp lý

Bài thi môn Văn có 120 phút nhưng có tới 2 phần nội dung: Đọc hiểu và Làm văn, (riêng câu Đọc hiểu lại có 4 câu hỏi nhỏ). Chính vì vậy, việc học sinh không phân chia thời gian hợp lý sẽ dẫn đến làm thừa thời gian (điều này ít xảy ra) hoặc thiếu thời gian.

Nhiều bạn có thói quen đọc đề là viết ngay, không gạch dàn ý ra nháp; khi gặp các câu có bài ôn “trúng tủ” là cứ say mê viết mà quên không để ý thời gian, dẫn đến bỏ các câu còn lại. Thang điểm cho các câu hỏi môn Băn năm 2018 sẽ là: Đọc hiểu - 3 điểm; Nghị luận xã hội (viết đoạn văn khoảng 200 chữ) - 2 điểm; Nghị luận văn học - 5 điểm.

Như vậy, học sinh nên dùng nửa thời gian hoặc hơn nửa thời gian để viết phần Nghị luận văn học (5 điểm); nửa thời gian cho những phần còn lại.

Kinh nghiệm đi chấm thi nhiều năm chúng tôi cũng nhận thấy học sinh dành nhiều thời gian và công sức cho phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội (viết rất dài) nhưng lại viết sơ sài phần Nghị luận văn học .

Để khắc phục điều này, trong quá trình ôn luyện, học sinh cần luyện đề kỹ càng, có ý thức căn thời gian phù hợp.

Các em cần luyện đề thi hoàn chỉnh, nghiêm túc giống thi thật để làm quen với tâm lí trong phòng thi và phân chia thời gian hợp ý.

Khi quen với việc luyện tập thành kỹ năng, khi vào phòng thi, các em sẽ chủ động phân bổ được thời gian hợp ý, làm bài hiệu quả ở tất cả các câu hỏi.

Các em không nên dàn ý “quá chi tiết” hay “viết nháp quá kỹ” các đoạn văn rồi mới chép lại vào bài thi.

Để tránh mất thời gian, học sinh nên xác định làm câu dễ trước, câu khó làm sau. Các câu khó nên vạch thành các ý chính, rồi vừa viết vừa nghĩ bổ sung thêm, bám theo nội dung đề cho phù hợp.

Thầy giáo Ths Phan Trắc Thúc Định, tốt nghiệp bằng Giỏi ngành sư phạm Ngữ văn – Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Thạc sĩ Văn học Việt Nam, khoa Văn, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Hiện tại, thầy đang dạy tại trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội. Thầy Định là người có nhiều năm giảng dạy, ôn luyện và chấm thi THPT Quốc gia môn Văn, giải các đề thi THPT Quốc gia.

>>> Đọc thêm: Bài văn liên hệ nhân vật Tràng với Chí Phèo ấn tượng của nam sinh Vũng Tàu

Th.S Phan Trắc Thúc Định

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thi-thpt-quoc-gia-2018-khac-phuc-nhung-loi-thuong-gap-trong-mon-van-d396849.html