'Thị thực vàng': Thỏi nam châm hút triệu phú của nhiều nền kinh tế

Từ châu Âu đến Mỹ, các chương trình 'thị thực vàng' đang trở thành con đường tắt cho giới siêu giàu mua quyền cư trú và quốc tịch tại các quốc gia lý tưởng. Tuy nhiên, chúng cũng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt về tính công bằng và rủi ro an ninh…

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch bán thẻ cư trú "gold card" trị giá 5 triệu USD cho người nước ngoài, kèm theo đó là một lộ trình dẫn đến quyền công dân một cách nhanh gọn nhất. Dự án này sẽ thay thế chương trình thị thực đầu tư EB-5 hiện tại của Mỹ, vốn được thiết kế cho những nhà đầu tư rót vốn lớn vào Mỹ và tạo ra việc làm cho người dân địa phương.

Trước mắt, có vẻ như chương trình “gold card” của chính quyền Trump chưa có giới hạn rõ ràng về số lượng, bởi chính Tổng thống Mỹ đã gợi ý rằng chính phủ có thể bán tới 10 triệu “gold card” để giúp giảm thâm hụt ngân sách quốc gia. Với mức giá khởi điểm 5 triệu USD, tấm thẻ này hiện là “thị thực vàng” đắt đỏ nhất thế giới.

Cũng có khá nhiều quốc gia khác cung cấp các lựa chọn “thị thực vàng”, hay thậm chí là “hộ chiếu vàng” cho các cá nhân nước ngoài, với mục tiêu lớn nhất là để thu hút vốn đầu tư quốc tế, tạo việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế.

RÓT VỐN ĐỂ LẤY QUYỀN CƯ TRÚ

“Thị thực vàng”, hay còn còn gọi là chương trình cư trú thông qua đầu tư, cho phép cá nhân có được quyền cư trú tạm thời hoặc vĩnh viễn tại một quốc gia, để sống và làm việc tại đó. Hình thức đầu tư có thể bao gồm mua nhà, lập công ty hoặc quyên góp tài chính.

Trong một số trường hợp, người mua thậm chí không cần phải sống toàn thời gian tại quốc gia. Điều này biến "thị thực vàng" thành một phương án dự phòng cực kỳ hấp dẫn cho những ai muốn có quyền đi lại nhưng không có ý định định cư lâu dài.

Nhiều chương trình "thị thực vàng" đã tồn tại trong hàng thập kỷ qua như một cách giúp chính phủ thu hút vốn và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Canada đã khởi động chương trình Nhà đầu tư Di trú Liên bang từ những năm 1980, còn Mỹ có chương trình EB-5 mở đường cho nhà đầu tư nước ngoài nhận thẻ xanh từ 1990 và gần đây nhất là “thẻ vàng” 5 triệu USD của chính quyền Donald Trump.

Ở châu Âu, "thị thực vàng" trở nên phổ biến nhất trong cuộc khủng hoảng nợ công, khi một số quốc gia bắt đầu bán quyền cư trú để thu hút tiền từ nước ngoài và bù đắp thâm hụt ngân sách. Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp và Hungary là những nước tiên phong sau khi nhận được cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cụ thể, Bồ Đào Nha bắt đầu cung cấp “thị thực vàng” vào năm 2012 cho công dân ngoài EU, yêu cầu đầu tư ít nhất 500.000 euro vào bất động sản, quỹ đầu tư, hoặc thành lập doanh nghiệp tạo việc làm. Sau đó, mức đầu tư bất động sản được giảm xuống còn 350.000 euro. Chính vì vậy, chương trình này từng thu hút giới đầu tư Trung Quốc đến mức các bảng quảng cáo nhà cao cấp ở sân bay Lisbon đều được viết bằng tiếng Trung.

Hy Lạp, Tây Ban Nha và Hungary ra mắt chương trình tương tự chỉ sau đó 1 năm nhưng chủ yếu xoay quanh phân khúc bất động sản.

Hầu hết những chương trình này thường đi kèm với quyền tự do di chuyển trong nhiều nước EU và cho phép người nộp đơn xin quốc tịch EU sau vài năm.

Tại châu Á, một số quốc gia cũng hòa mình vào cuộc đua, điển hình như Thái Lan cung cấp chương trình Thailand Privilege Residence cho phép cư trú lên đến 20 năm với khoản đầu tư tối thiểu 650.000 baht (khoảng 19.299 USD). Ngoài ra, chương trình thị thực Long Term Residence có chi phí rẻ hơn, chỉ yêu cầu đầu tư từ 50.000 baht, cho phép cư trú và làm việc lên đến 10 năm, kèm theo ưu đãi thuế và thủ tục đơn giản.

Indonesia cũng ra mắt chương trình thị thực dài hạn vào năm 2024 nhằm thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài. Trong đó, với khoản đầu tư lên tới 10 triệu USD, cá nhân sẽ nhận được visa 10 năm và quyền tiếp cận nền kinh tế lớn nhất nhì Đông Nam Á.

MẶT TRÁI CỦA “THỊ THỰC VÀNG”

Hiện nay, nhiều biến thể của hình thức trả tiền để lấy quyền cư trú đã được áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều làn sóng phản đối gay gắt chương trình này vì lo ngại mang đến lợi thế cho những cá nhân muốn lách luật để rửa tiền hoặc lừa đảo. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể đẩy giá nhà ở leo thang tại các thành phố lớn, gây ra tình trạng nhiều nhà bỏ hoang và liên quan cả tới các cáo buộc tham nhũng.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), từ lâu đã cảnh báo rằng chương trình “thị thực vàng” có thể khiến EU đối mặt với vấn nạn rửa tiền và rủi ro an ninh.

Nhiều người chỉ trích “thị thực vàng” càng làm thực trạng bất bình đẳng gia tăng khi chỉ trao cơ hội cho người giàu có, trong khi công dân và quyền cư trú là những quyền cơ bản, do vậy không nên bán cho người trả giá cao nhất.

Chính những mối quan ngại này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh, Hà Lan, Hy Lạp và Malta phải thu hẹp hoặc rút lại chương trình thị thực vàng của họ trong những năm gần đây, theo Bloomberg đưa tin.

Hy Lạp từ ngày 1/9/2024 đã tăng mức đầu tư tối thiểu vào bất động sản lên 400.000 euro để đủ điều kiện nhận thị thực vàng. Đồng thời, chính phủ nước này dự kiến mở rộng chương trình cho các nhà đầu tư sẵn sàng rót ít nhất 250.000 euro vào các công ty khởi nghiệp trong nước.

Tây Ban Nha cũng thông báo chấm dứt chương trình “thị thực vàng” nhằm tăng nguồn cung nhà ở giá cả phải chăng cho người dân địa phương.

Trong khi đó, nước láng giềng Bồ Đào Nha chọn cách điều chỉnh lại chương trình, loại bỏ hẳn yếu tố bất động sản nhưng vẫn khuyến khích đầu tư ít nhất 500.000 euro vào quỹ đầu tư, tài trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, hoặc góp vốn vào các công ty tạo ra việc làm.

Ngoài Châu Âu, Australia vào tháng 1/2024 đã tạm dừng cấp thị thực cho những người đầu tư từ 5 triệu AUD (khoảng 3,5 triệu USD) trở lên. Đây là một phần trong cuộc cải cách chính sách nhập cư nhằm thu hút nhiều lao động kỹ năng hơn.

Ở vùng Caribe, chi phí để có quốc tịch thông qua đầu tư cũng đang tăng lên. Các chương trình này chiếm hơn một nửa nguồn thu ngân sách của một số quốc đảo nhỏ. Một số hộ chiếu Caribe cho phép du lịch miễn visa đến Anh và EU nhờ các thỏa thuận song phương, khiến các cơ quan quản lý châu Âu lo ngại tội phạm có thể lợi dụng kẽ hở này. Vì vậy mà chính phủ châu Âu đang gây áp lực buộc các nước Caribe phải siết chặt chương trình.

Cả năm quốc gia Caribe cung cấp “thị thực vàng”, bao gồm Dominica, Grenada, St. Kitts & Nevis, Antigua & Barbuda, Saint Lucia, đều đồng ý sẽ áp mức giá tối thiểu 200.000 USD cho hộ chiếu của họ. Các nước cũng cam kết tăng cường kiểm tra lý lịch và thắt chặt quy trình xét duyệt để đáp ứng yêu cầu từ EU và Mỹ.

Trong khi đó, New Zealand lại đi ngược với xu hướng toàn cầu, tuyên bố nới lỏng điều kiện của chương trình thị thực vàng, nhằm thu hút giới siêu giàu và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đợt suy thoái nghiêm trọng kể từ đại dịch. Kế hoạch mới loại bỏ hẳn yêu cầu kiểm tra tiếng Anh, mở rộng danh mục đầu tư được chấp nhận và điều chỉnh thời gian lưu trú bắt buộc cho nhà đầu tư.

Hạnh Chi

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/thi-thuc-vang-thoi-nam-cham-hut-trieu-phu-cua-nhieu-nen-kinh-te-post558758.html