Thi tốt nghiệp Ngữ văn: Kĩ năng mở bài, kết bài nghị luận văn học

Có nhiều yếu tố để làm nên một bài văn hay, và học sinh thường chú trọng phần nội dung (thân bài) mà quên đi mở bài và kết bài cũng rất quan trọng.

Theo sách giáo khoa Ngữ văn 12 hiện hành, mở bài thông báo chính xác, ngắn gọn vấn đề nghị luận; hướng người đọc (người nghe) vào nội dung bàn luận một cách tự nhiên và gợi sự hứng thú với vấn đề được trình bày trong văn bản.

Còn kết bài thông báo về sự kết thúc của việc trình bày vấn đề, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề; gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn.

Các yêu cầu để viết mở bài hay

Một mở bài hay cần có các yếu tố: ngắn gọn, đầy đủ, độc đáo và tự nhiên.

Ngắn gọn: Ngắn về số lượng câu và nội dung thể hiện (khoảng 4 - 6 câu, nội dung chỉ cần tóm tắt ngắn gọn). Mở bài dài dòng sẽ làm mất thời gian và cạn kiệt ý tưởng cho phần thân bài, có thể làm sai lệch ý trong cách thể hiện. Mở bài cần khơi nguồn nội dung để người đọc cảm nhận được sự tò mò và tiếp tục chinh phục nội dung ở phần thân bài.

Đầy đủ: Phải nêu được vấn đề cần nghị luận, câu nói dẫn dắt, ngắn gọn nhưng đầy đủ ý. Vấn đề chính và nội dung quan trọng bắt buộc phải nhắc đến trong phần mở bài.

Độc đáo: Gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng những liên tưởng khác lạ, tưởng tượng phong phú nhằm tạo sự thu hút bất ngờ cho người đọc. Sự độc đáo trong mở bài khiến bài viết trở nên nổi bật và nhận được sự chú ý của người khác.

Tự nhiên: Dùng ngôn từ giản dị, mộc mạc trong cách viết bài, đặc biệt thể hiện ở phần mở bài là cần thiết để có một mở bài hay.

Một mở bài hay thường sử dụng cách viết gián tiếp, nghĩa là người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến vấn đề cần nghị luận để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề. Người viết xuất phát từ một ý kiến, một câu chuyện, một đoạn thơ, đoạn văn, một phát ngôn của nhân vật nổi tiếng nào đó,... dẫn dắt người đọc đến vấn đề sẽ bàn luận trong bài viết.

Cách mở bài gián tiếp có thể sử dụng một số thao tác như: so sánh; đi từ đề tài, giai đoạn, thể loại hay trích dẫn một câu nói, một câu thơ hoặc từ một triết lí cuộc sống.

Ví dụ về viết mở bài cho đề văn - phân tích nhân vật thị trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân

Khi trao đổi về nghệ thuật truyện ngắn "Vợ nhặt", Kim Lân đã nói với nhà nghiên cứu - phê bình Văn học Hà Minh Đức: "Tôi quan niệm: truyện ngắn cũng là tiểu thuyết và điều quan trọng là nhân vật. Nhân vật phải có tính cách và phải hành động theo tính cách nhân vật một cách tự nhiên, không giả tạo, sáo rỗng". Mỗi nhân vật trong truyện được Kim Lân dựng mỗi cách khác nhau, dù thiên về tính cách hay nội tâm đều rất chân thực, sống động. Dung lượng viết về nhân vật "thị" - người đàn bà không tên - vợ Tràng, không nhiều nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. (Theo Lê Nhật).

Ví dụ viết mở bài cho đề văn: Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ nhặt" (Kim Lân).

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong thủy" ấy. Ngay sau cách mạng, ông đã bắt tay vào viết ngay tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy.

Và cuối cùng, truyện ngắn "Vợ nhặt" đã ra đời. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ. (Bài của Nguyễn Thị Thu Trang)

Các yêu cầu để viết kết bài hay

Phần kết bài chỉ nêu lên những ý khái quát, không trình bày lan man, dài dòng hoặc lặp lại sự giảng giải, minh họa, nhận xét một cách chi tiết như ở phần thân bài. Một kết bài thành công không chỉ là nhiệm vụ "gói lại" mà còn phải "mở ra", tức là khơi lại suy nghĩ, tình cảm của người đọc.

Một kết bài hay thường dùng cách bình luận mở rộng và nâng cao hoặc đưa ra nhận định của những nhà văn, nhà thơ khác về tác phẩm đó.

Ví dụ viết kết bài cho đề văn phân tích nhân vật trong tác phẩm "Vợ nhặt" (Kim Lân)

Gấp trang sách lại, chúng ta thêm quý trọng nhân phẩm người xưa, dù đói đến chết người ta vẫn giữ gìn đạo lý, vẫn bao bọc che chở cho nhau. Trong cái không gian u tối đau thương chết chóc mà Kim Lân đã hồi tưởng lại ấy, nhân vật "thị" là điểm sáng của truyện. Thị đã "làm cho Tràng nên người", khơi dậy tâm hồn héo úa của bà cụ Tứ bằng niềm tin vào tương lai, và giờ đây, càng làm cho chúng ta thêm tin yêu cuộc sống. (Theo Lê Nhật)

Ví dụ viết kết bài cho đề văn phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ nhặt" (Kim Lân).

"Cái đẹp cứu vớt con người" C.Đôtôiepki). Vâng, Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kỳ diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm, ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy. (Bài của Nguyễn Thị Thu Trang).

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thi-tot-nghiep-ngu-van-ki-nang-mo-bai-ket-bai-nghi-luan-van-hoc-179230503190856179.htm