Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: Vững tâm thế từ thành công đợt thi đầu
Nhiều kinh nghiệm rút ra từ đợt 1 thi tốt nghiệp THPT năm nay được cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia kỳ thi gửi đến thí sinh và cán bộ coi thi trong đợt 2.
Không chủ quan
Tham gia coi thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1, lời khuyên mà cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) gửi gắm đến thí sinh: Giữ sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái, loại bỏ mọi ý định gian lận và không chủ quan.
“Chắc chắn thí sinh thi đợt 2 đã nghiên cứu đề thi, đáp án ở đợt 1. Nhưng các em tuyệt đối không nên học loại trừ, cho rằng đề đã ra rồi thì không cần học, như vậy rất nguy hiểm. Cũng đừng thấy kết quả thi đợt 1 khá cao mà chủ quan. Bên cạnh đó, với môn Ngữ văn, trong đợt đầu, một số thí sinh viết bài văn sơ lược do phân phối thời gian làm bài không hợp lý, từ đó kết quả chưa cao” – cô Dung lưu ý.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) lại đặc biệt nhấn mạnh việc thí sinh chuẩn bị tốt về sức khỏe để vượt qua kỳ thi một cách an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Cụ thể, thí sinh cần chú ý đến chế độ ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ hợp lý, không thức quá khuya để ôn bài. Cùng với đó là chuẩn bị tâm lý thật tốt, tinh thần thoải mái và tự tin là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng bài làm.
Để có tâm lý tự tin, thí sinh trước hết cần vững kiến thức, kỹ năng làm bài. Thí sinh thi đợt 2 có thể rút kinh nghiêm từ bạn bè vừa thi đợt 1. Một trong những kinh nghiệm là nên hệ thống hóa lại kiến thức một cách khoa học. Mỗi môn cần có kế hoạch và lộ trình ôn tập riêng để tránh chồng chéo và nhầm lẫn kiến thức. Phân loại môn học, xem môn nào là thế mạnh, môn nào cần cố gắng để có kế hoạch cho phù hợp. Tăng cường trao đổi với thầy cô, bạn bè trong những ngày chuẩn bị thi để đỡ căng thẳng, cũng như để khắc ghi kiến thức tốt hơn.
“Cuối cùng, các em hãy lưu ý về đồ dùng mang theo khi vào phòng thi. Đối với thí sinh thi môn Ngữ văn, vì đặc thù bài thi tự luận nên chuẩn bị nhiều bút, thường khoảng 3 chiếc cùng loại, cùng màu mực, để tránh rủi ro vì bút hết mực, tắc mực... Bên cạnh đó, thí sinh chuẩn bị thêm bút khác màu, miễn là không dùng màu đỏ và thước kẻ. Bút khác màu thí sinh có thể dùng để gạch chân những từ khóa trong đề thi môn Ngữ văn, thước kẻ có thể dùng để kẻ đánh dấu mép lề lùi vào khoảng 1-1,5 cm khiến cho việc viết không bị sát lề quá và làm bài thi trông sẽ thoáng hơn. Về thời gian, sĩ tử nên đến trước giờ thi khoảng 60 phút, vừa tránh những sự cố ngoài mong muốn, vừa có thời gian kiểm tra lại đồ dùng để có được tâm thế vững chắc khi vào phòng thi” – cô Hằng chia sẻ.
Cũng tham gia kỳ thi đợt 1, cô Lê Thị Biên (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Điện Biên) cho biết: Có thí sinh mắc lỗi tô số báo danh trong phiếu trả lời trắc nghiệm, lỗi viết hai loại mực. Lưu ý thí sinh với môn thi Ngữ văn, cô Biên cho rằng: Các em cần phân bố thời gian hợp lý giữa 3 phần: Đọc hiểu, viết đoạn văn và nghị luận văn học. Phần đọc hiểu nên viết ngắn gọn, rõ ràng, thời gian dành cho phần này tối đa 20 phút. Phần viết đoạn văn cần đầy đủ bố cục với 4 thao tác: Giải thích, phân tích chứng minh, bàn luận, bài học nhận thức và hành động. Phần nghị luận văn học, thí sinh cần biết tách đoạn, lập ý và diễn đạt mạch lạc.
Rút kinh nghiệm từ những sai sót
Tổng kết một số sai sót thường gặp phải của thí sinh và cán bộ coi thi trong đợt 1, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, lưu ý đầu tiên đến thí sinh cần nắm vững quy định những vật dụng được và không được mang vào phòng thi; đặc biệt không mang theo điện thoại, tài liệu vào phòng thi.
“Đã có trường hợp, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi nhưng không dùng. Gần hết giờ, người nhà gọi điện hỏi tình hình làm bài, thí sinh bị đình chỉ thi. Đó là tình huống vô cùng đáng tiếc. Nên trước giờ thi, cán bộ coi thi nên nhắc nhở một lần nữa với thí sinh về nội dung này. Việc mang tài liệu vào phòng thi cũng khiến thí sinh bị phân tâm, nghĩ cách đối phó để sử dụng, ảnh hưởng đến chất lượng làm bài; nếu bị phát hiện cũng sẽ chịu hình thức kỷ luật đình chỉ” – ông Nguyễn Việt Hà cho hay.
Trong quá trình làm bài thi, ông Nguyễn Việt Hà lưu ý các em cần làm bài thận trọng, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Có thí sinh do tâm lý chưa tốt nên dù đã làm trên đề nhưng lại quên không tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm; hoặc có thể làm ra nháp nhưng lại không chép vào bài làm, bỏ sót câu, sót ý.
Với cán bộ coi thi cũng có thể rút kinh nghiệm từ đợt 1. Ở đợt thi đầu, một số thí sinh phải làm bài thi bổ sung do lỗi của giám thị. Cụ thể, trong buổi thi Ngữ văn ở Bắc Ninh, cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi”. Trong buổi thi bài tổ hợp ngày 10/8, giám thị ở Điện Biên đã phát đề thi môn Địa lý chậm 5 phút. Nhắc lại điều này, ông Nguyễn Việt Hà cho rằng: Cán bộ coi thi phải được tập huấn kỹ về quy chế thi và phải được lưu ý những lỗi hay mắc phải, cũng như cách xử lý tình huống.
“Việc ký nhầm ô đôi khi vẫn xảy ra. Nếu trường hợp này, giáo viên lo lắng và yêu cầu thí sinh chép lại bài làm sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm bài, tâm lý thí sinh. Tôi cho rằng, với tình huống này, thầy cô nên cho thí sinh tiếp tục làm bài bình thường, sau đó lập biên bản và bài thi đó sẽ được hội đồng chấm chung. Một lỗi nữa giám thị cũng có thể mắc là không chú ý đến hiệu lệnh trống. Quy định về hiệu lệnh trống dành cho gọi thí sinh vào phòng thi khác với hiệu lệnh trống phát đề, hiệu lệnh trống bắt đầu tính giờ làm bài. Nếu chỉ chút lơ đễnh, không để ý, giám thị có thể nhầm giờ” – ông Nguyễn Việt Hà lưu ý.
Với bài thi tổ hợp, theo ông Hà, cần đặc biệt chú ý kiểm tra mã đề của các môn thi thành phần; bởi các môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp có cùng một mã đề thi. Khi thu bài, thầy cô nên kiểm tra kỹ mã đề và thông tin trên tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, nếu thiếu phải khắc phục luôn.
Năm nay, thí sinh dự thi trong điều kiện dịch bệnh nên ý thức phòng chống dịch cũng rất quan trọng. Ý thức của mỗi cá nhân tham gia kỳ thi sẽ góp phần đạt được mục tiêu kép của kỳ thi là an toàn phòng chống dịch và an toàn kỷ cương trường thi.