Thi tốt nghiệp THPT: Học sinh thực học, phụ huynh đồng hành
'Học tới đâu, ôn thi tới đó' là phương châm của nhiều trường THPT nhằm nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thế nên, ngay từ đầu năm học, các trường vừa triển khai chương trình dạy học, tổ chức ôn tập 3 môn Toán – Ngữ văn – Ngoại ngữ, vừa thăm dò tình hình đăng ký tổ hợp môn tự chọn của HS để chủ động lập kế hoạch ôn thi tốt nghiệp.
Giảm áp lực, tăng chất lượng
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Với đặc điểm đầu vào thấp, chúng tôi chủ trương “học tới đâu, ôn thi tới đó” ngay từ đầu năm học. Với 3 môn Toán – Ngữ văn – Anh văn, nhà trường tổ chức ôn tập trái buổi từ đầu năm học. Với các môn thuộc tổ hợp môn tự chọn, bắt đầu học kỳ II, Trường THPT Nguyễn Hiền cho HS đăng ký nguyện vọng để sắp xếp lớp ôn tập, vào 3 tiết sau của ngày thứ Năm hàng tuần.
Theo cô Huệ, các lớp ôn tập được chia theo năng lực của HS. Do vậy, trường có 2 lớp ôn tập. Trong đó, một lớp chủ yếu để GV củng cố kiến thức và luyện những dạng bài cơ bản cho HS. Một lớp ôn tập nâng cao, hướng tới mục tiêu xét tuyển sinh ĐH. Cứ sau một tháng, HS có một bài kiểm tra năng lực để sắp xếp lại lớp ôn tập.
Có khoảng 90% HS đăng ký theo học các lớp ôn tập phục vụ thi tốt nghiệp THPT tại trường. Nhà trường bố trí những GV có đủ năng lực, kinh nghiệm giảng dạy đứng lớp. Trước đó, từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường thông báo cho HS khối 12 tỉ lệ đậu từng môn của những năm thi gần đây để tham khảo.
Với các môn nằm trong bài thi tổ hợp, Trường THPT Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức cho HS đăng ký ôn tập theo nguyện vọng. Thầy Huỳnh Văn Long – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thường có 1 hoặc 2 môn trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên nằm trong tổ hợp môn đăng ký xét tuyển sinh ĐH.
Tâm lý chung của HS là dành nhiều thời gian cho các môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển ĐH, với môn xét tốt nghiệp THPT chỉ cần đủ điểm là được. Chính vì vậy, nếu HS được đăng ký ôn tập theo đúng nguyện vọng của mình sẽ nâng cao hiệu quả của tiết ôn tập, chất lượng xét tuyển sinh ĐH vì vậy cũng được cải thiện. Riêng 3 môn Toán – Ngữ văn – Anh văn, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS từ đầu năm học.
Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) trước khi cho HS đăng ký bài thi tổ hợp đã tổ chức một đợt thi thử. Dựa trên phân tích kết quả bài thi và điểm tổng kết học kỳ I, giáo viên sẽ phân tích để tư vấn cho HS chọn môn đăng ký dự thi.
“Ngoài tư vấn chọn môn thi, những HS có kết quả học tập thấp, có nguy cơ rớt tốt nghiệp được GV chú ý hơn trong quá trình dạy học ở trên lớp như tăng cường dò bài cũ, gọi phát biểu xây dựng bài… Lớp ôn tập cũng được tổ chức trên cơ sở phân hóa trình độ và nguyện vọng của HS. Nhà trường không tổ chức cho HS chọn GV các lớp ôn tập mà bố trí những GV dạy chính khóa đảm nhiệm đứng lớp ôn tập để có kế hoạch “lấp” kiến thức cho HS phù hợp hơn” – thầy Nguyễn Cửu Huy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Rèn luyện kỹ năng cho học sinh
Phân tích trình độ của HS để đưa ra phương pháp, chương trình ôn tập phù hợp là kinh nghiệm chung được nhiều trường THPT áp dụng. Ban giám hiệu Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị) chủ trương, bên cạnh ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình trong các tiết củng cố kiến thức, GV cần tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh theo từng chủ đề.
Nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các bài, chương khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. GV chủ nhiệm lớp phối hợp với GV dạy các môn thi tốt nghiệp phân loại học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức. Với những HS yếu, nhà trường sẽ tập trung ôn tập nhiều hơn theo hướng giúp các em nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.
Thầy Phạm Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chia sẻ: HS nhà trường có xu hướng chọn bài thi tổ hợp theo ban Khoa học xã hội vì cho rằng đây là những môn học thuộc. Dù là môn học thuộc nhưng nếu không biết cách học cũng khó đạt được kết quả như mong đợi. Chính vì vậy, các trường THPT đều chú trọng hướng dẫn HS những kinh nghiệm học bộ môn.
Về phương pháp ôn tập, các môn Toán, Hóa, Anh, Vật lý, Địa lý, phần bài tập, ít nhất HS phải hiểu dạng bài ôn tập tại lớp bằng cách ngay trong ngày, các em phải làm đi làm lại nội dung mà thầy cô đã ôn tại lớp. Với môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và phần Tiếng Việt, tác giả, tác phẩm, HS phải ghi nhớ kiến thức theo hướng dẫn của GV. GV cùng HS cần lập kế hoạch cho từng môn, từng ngày và tăng cường thời gian dò bài. Một số trường còn tổ chức ôn tập theo từng nhóm vấn đề, chuyên đề để HS nắm kiến thức một cách có hệ thống.
Một điểm chung trong kế hoạch tổ chức ôn thi của các trường THPT là song song với việc ôn tập kiến thức, GV phải chú trọng hướng dẫn HS cách học và làm bài thích hợp với đề thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận, từ cách phân tích đề, trình bày bài làm, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm… Nếu không làm được điều này, những nỗ lực của cả nhà trường và HS trong giai đoạn “nước rút” sẽ không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, những nỗ lực, công sức của GV chỉ có thể có hiệu quả thực sự khi HS chịu học và phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường trong việc theo dõi, nhắc nhở HS tự học ở nhà.