Thi tốt nghiệp THPT: Lo ngại nơi coi lỏng, nơi coi chặt
Thay vì cử cán bộ, giảng viên các trường ĐH về coi thi, chấm thi ở các địa phương như năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giao cho địa phương tổ chức, giáo viên địa phương coi thi. Điều này khiến nhiều người lo ngại về tính công bằng, khách quan của kỳ thi khó có thể đảm bảo.
Khác với năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các tỉnh, TP chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi ở địa phương. Trong đó, các Hội đồng thi thực hiện tất cả các khâu từ in sao đề thi, coi thi, chấm thi… Điều đáng nói, việc coi thi được giao hoàn toàn cho địa phương tự bố trí lực lượng giáo viên tại chỗ.
Nhiều ý kiến băn khoăn, kỳ thi THPT quốc gia đến thời điểm này phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, tuy nhiên, nhưng đa số các trường ĐH “quay đầu”, hủy kế hoạch tuyển sinh riêng thì kỳ thi gần như giữ nguyên 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Bởi vì, đa số các trường ĐH, cao đẳng vẫn sẽ tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Do đó, việc tổ chức kỳ thi phải đảm bảo công bằng, khách quan.
Trần Quỳnh Chi, học sinh lớp 12 một trường THPT ở quận Hà Đông Hà Nội chia sẻ: “Năm nay, nếu giao việc coi thi cho giáo viên địa phương, liệu có chuyện xuê xoa, coi dễ để tạo điều kiện cho học sinh địa phương có điểm cao. Nếu xảy ra như vậy, sẽ rất thiệt thòi cho học sinh ở điểm thi hoặc địa phương coi chặt trong khi nơi khác nới lỏng để học sinh quay cóp tài liệu”.
Cô Nguyễn Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, nếu giao việc coi thi cho địa phương thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng nơi coi lỏng, nơi coi chặt. Dù có đổi chéo giáo viên vẫn có thể dẫn đến tình trạng giáo viên giải đề, gửi vào phòng thi cho học sinh. Đặc biệt những địa phương càng vùng sâu vùng xa càng có thể dẫn tới chuyện coi lỏng, chấm lỏng.
Giáo viên coi thi tại chỗ, thanh tra của địa phương, thanh tra của Bộ lực lượng mỏng, khó có thể giám sát hết được tất cả tình huống có thể xảy ra trong và ngoài phòng thi. Cô Nga cho rằng thực tế chấm thi, điểm thi qua các năm cho thấy, học sinh Hà Nội dù có điều kiện học tập tốt nhưng điểm thi không cao so với một số địa phương. Kể đến như môn Ngữ Văn, Hà Nội có nhiều trường THPT chuyên, học sinh giỏi nhiều nhưng điểm 9 rất ít, hiếm có điểm 9,5 trong khi đó nhiều địa phương khác số điểm này rất nhiều là điều vô lý. “Điều này sẽ rất thiệt thòi cho học sinh khi điểm này xét tuyển vào các trường ĐH top đầu”, cô Nga nói.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, kỳ thi năm 2017 có chuyện tiêu cực thi cử rúng động dư luận nên năm ngoái, Bộ đã cử hàng chục nghìn cán bộ, giảng viên về địa phương cùng coi thi, chấm thi. Tuy nhiên, để tăng tính minh bạch, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ đề xuất Bộ GD&ĐT phải tăng cường lực lượng thanh tra kỳ thi, đặc biệt là lực lượng thanh tra xã hội. Trong đó, bất kỳ ai quan tâm đến kỳ thi đều có thể thu thập thông tin như ghi âm, quay video để gửi lên cơ quan quản lý xử lý.
Ông Khuyến cũng cho rằng, đa số các trường ĐH vẫn sẽ dựa trên kết quả kỳ thi năm nay để tuyển sinh do đó Bộ phải thực hiện nhiều kỹ thuật để đảm bảo tính an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi. Giao cho giáo viên địa phương coi thi phải coi chéo, giáo viên không biết trước phòng thi, tăng cường lực lượng thanh tra…
Điều quan trọng nhất là giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, nếu để xảy ra gian lận sẽ bị xử lý. “Chính việc phân cấp trách nhiệm rõ ràng như thế, người đứng đầu địa phương chỉ đạo quyết liệt, không dung túng ngay từ đầu chúng ta mới yên tâm về tính nghiêm túc, minh bạch của kỳ thi. Điều tôi lo nhất trong kỳ thi năm nay chính là việc các địa phương can thiệp vào điều chỉnh hồ sơ, học bạ của học sinh. Bộ trưởng có nói đến chuyện đối sánh điểm thi và học bạ tuy nhiên việc này chỉ làm được ở phạm vi tổng thể, khó có thể đối sánh từng em vì hiện nay chúng ta chưa có cơ chế kiểm định trường phổ thông”, ông Khuyến phân tích.
Trước đó, trả lời câu hỏi của học sinh lớp 12 về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng, để giáo viên địa phương coi thi chính học sinh tại chỗ có thể dẫn đến chuyện bắt tay xuê xoa, coi dễ coi chặt khác nhau là có cơ sở thực tiễn để học sinh băn khoăn. Bộ GD&ĐT đã nhận thấy vấn đề này nên sẽ có những giải pháp kỹ thuật chặt chẽ, đảm bảo phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi công bằng, nghiêm túc.
Ví dụ như, đổi chéo giáo viên, thậm chí giáo viên môn nào sẽ không được coi thi môn đó. Ngoài ra, thi trắc nghiệm mỗi thí sinh có một mã đề riêng, các em khó có thể trao đổi bài với nhau. Năm nay, Bộ cũng tăng cường lực lượng thanh tra, trong đó thanh tra của UBND tỉnh/ TP là lực lượng hoàn toàn mới đưa vào để thanh tra, giám sát kỳ thi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đang lên các phương án giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng.