Thi tốt nghiệp THPT trên máy tính 2027: Chuẩn bị nguồn nhân lực cho kinh tế số

Từ 2027, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tổ chức trên máy tính, là bước đột phá trong chuyển đổi số giáo dục, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế số.

Từ năm 2027, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được thí điểm triển khai trên máy tính, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục. Chuyên gia cho rằng việc thi trên máy tính không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra động lực phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để hiểu rõ hơn về tác động của việc chuyển đổi này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số

- Thưa ông, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thí điểm tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính tại các địa phương từ 2027, một số chuyên gia cho rằng, việc này như một mắt xích trong chuyển đổi số toàn diện của ngành giáo dục, đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, xã hội số. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Tiến sĩ Tôn Quang Cường: Chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số trong giáo dục nên bắt đầu từ đâu thì đây chính là thời điểm. Cần phải nói thêm rằng, đây không hẳn là việc chuyển từ thi trên giấy sang trên máy, từ kĩ năng viết và làm bài sang kĩ năng gõ bàn phím và bấm chuột của học sinh. Đằng sau đó là một hệ thống đổi mới, sáng tạo được vận hành đồng bộ trên nền tảng số, tạo thành trục xoay chuyển các phương diện khác của hoạt động giáo dục.

Sẽ thí điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính từ năm 2027. Ảnh minh họa

Sẽ thí điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính từ năm 2027. Ảnh minh họa

Tôi cho rằng, việc thi trên máy tính mang lại nhiều lợi ích. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, tư duy, nguồn nhân lực, thể chế và chính sách. Việc triển khai thi trên máy tính giúp học sinh, sinh viên làm quen với công nghệ, phát triển kỹ năng số và nâng cao khả năng sử dụng công cụ số trong học tập, từ đó chuẩn bị cho họ một nền tảng vững chắc để tham gia vào nền kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, kỳ thi này tạo ra một yêu cầu về kỹ năng số cho cả học sinh và giáo viên. Học sinh sẽ phải làm quen với việc thao tác trên máy tính, sử dụng phần mềm kiểm tra và xử lý thông tin trong môi trường số, giúp các em nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong công việc và nền kinh tế số.

Đối với giáo viên, việc chuyển đổi này đòi hỏi họ phải thiết kế các bài giảng, tài liệu và ngân hàng đề thi số, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Hơn nữa, kỳ thi trên máy tính tạo ra một hệ sinh thái giáo dục số, liên kết các lực lượng xã hội như doanh nghiệp, công ty công nghệ giáo dục, từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế.

Các nền tảng số và cơ sở dữ liệu từ kỳ thi này không chỉ giúp nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá mà còn tạo ra cơ hội để phân tích, trích xuất thông tin phục vụ cho việc hoạch định chính sách giáo dục và phát triển nhân lực trong tương lai.

Tóm lại, kỳ thi trên máy tính không chỉ là công cụ hỗ trợ việc đánh giá năng lực học sinh mà còn là một yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai.

Hợp tác với doanh nghiệp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trên máy tính

- Việc học sinh được tiếp cận với môi trường thi cử số hóa từ sớm có tác động thế nào đến tư duy công nghệ, kỹ năng số và khả năng thích ứng của các em trong tương lai, thưa ông?

Tiến sĩ Tôn Quang Cường: Việc chuyển đổi kỳ thi giúp các em có khả năng hội nhập nhanh, có tư duy chủ động thích ứng với những thay đổi mới.

Thứ nhất, về tư duy công nghệ: Khi học sinh được làm quen với việc thi cử trên máy tính và môi trường số hóa, các em sẽ phát triển tư duy phản xạ nhanh, linh hoạt và sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề. Điều này giúp các em nhận thức rõ hơn về sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong đời sống, từ đó hình thành một tư duy công nghệ mạnh mẽ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ hai, về kỹ năng số: Việc tiếp xúc với môi trường thi số sẽ giúp học sinh nâng cao các kỹ năng số, chẳng hạn như kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin, làm việc với dữ liệu số, tìm kiếm thông tin và giải quyết tài liệu trực tuyến. Đây là những kỹ năng quan trọng trong kỷ nguyên số và sẽ hỗ trợ các em rất nhiều trong học tập và công việc sau này.

Thứ ba, về khả năng thích ứng: Việc trải nghiệm môi trường thi cử số hóa giúp học sinh phát triển khả năng thích ứng với các thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và các phương thức làm việc mới. Khi các em quen với việc sử dụng công nghệ trong thi cử, sẽ dễ dàng hơn cho các em khi bước vào các môi trường làm việc hiện đại, nơi công nghệ đóng vai trò then chốt.

- Được biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nhiều năm nay, ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm từ nhà trường?

Tiến sĩ Tôn Quang Cường: Đại học Quốc gia Hà Nội đã áp dụng hình thức thi đánh giá năng lực trên máy tính hơn 10 năm nay và có nhiều kinh nghiệm quý báu. Để giảm thiểu chi phí, cần thiết lập một hệ thống hoàn chỉnh, thiết lập mạng lưới các trung tâm khảo thí ở các địa phương, huy động các nguồn lực xã hội và kiểm soát vấn đề ngân hàng đề thi, quy trình thi cũng như các quy định pháp lý.

Chúng ta không nên quá lo ngại về sự chênh lệch hạ tầng công nghệ các vùng miền, vì có thể hợp tác với các doanh nghiệp làm công nghệ, mời họ tham gia. Họ có thể bố trí, cung cấp các nguồn lực liên quan đến thiết bị phần cứng, thiết bị hạ tầng, còn chúng ta sẽ quản lý phần mềm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việc áp dụng kỳ thi tốt nghiệp trên máy tính không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục mà còn giúp chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế và xã hội số. Đây là bước quan trọng trong việc trang bị kỹ năng số cho học sinh và giáo viên, đồng thời tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành giáo dục trong tương lai.

Minh Khánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tren-may-tinh-2027-chuan-bi-nguon-nhan-luc-cho-kinh-te-so-410213.html