Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Đề xuất Bộ giữ ổn định cấu trúc đề ít nhất 5 năm

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị đề xuất giữ ổn định cấu trúc đề thi ít nhất 5 năm để các đơn vị trường học thuận lợi hơn trong quá trình dạy học, ôn tập cho HS.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 11/3, đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo và giáo viên đều bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với Bộ trong việc kịp thời ban hành phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi,... Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến khâu tổ chức đề thi như đội ngũ ra đề, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức nội dung đề thi,...

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Tâm đắc với định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi

Trên cơ sở đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đã tổ chức nghiên cứu đề thi của Bộ, từ đó triển khai việc dạy học, kiểm tra đánh giá bám sát đề thi minh họa.

“Đề thi minh họa và cấu trúc định dạng đề thi thực sự có tác động rất mạnh đến việc dạy học của giáo viên và học sinh”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, với cách ra đề thi mới sẽ đảm bảo việc hạn chế tối đa yếu tố may rủi, kết quả thi phản ánh chính xác quá trình dạy và học.

“Chúng tôi rất tâm đắc với định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Theo cách làm mới, đề thi từ cơ sở cung cấp cho ngân hàng đề, việc qua cơ sở sẽ định hình rõ được các cấp độ của câu hỏi. Nếu tích cực, chủ động và có chỉ đạo đồng bộ thì cả nước sẽ nhanh chóng có được ngân hàng câu hỏi sát thực tiễn từ cơ sở xây dựng nên. Đồng thời, nếu sử dụng khéo, ngân hàng đề thi này sẽ có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho các nhà trường trong việc đánh giá học sinh khách quan, độc lập”, ông Đinh Văn Khâm nêu ý kiến.

Với những tín hiệu tích cực trên, ông Đinh Văn Khâm đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai việc xây dựng ngân hàng đề thi, trong đó, ngoài mục đích sử dụng cho kỳ thi tốt nghiệp, có thể xây dựng thêm để các nhà trường sử dụng cho việc kiểm tra đánh giá trong nhà trường, giúp đảm bảo tính khách quan, độc lập trong đánh giá học sinh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đề xuất giảm tỉ lệ xét tốt nghiệp qua điểm học bạ, bởi theo ông, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn bạc thêm về tính chính xác của kết quả điểm học bạ.

Từ kết quả triển khai đề thi thử nghiệm với học sinh lớp 10 và 11 tại địa phương, cô giáo Trịnh Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định cho rằng, để làm được bài, học sinh phải có kiến thức chắc chắn, kĩ năng thành thạo.

Đề thi kiểm tra lớp 10, 11 môn Sinh học tại tỉnh Nam Định đã được thử nghiệm trên 1000 học sinh. Đề thi minh họa được đánh giá có tính phân hóa rất cao, hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình, trong đó điểm phổ biến là 6,5. Số học sinh đạt điểm 8 và 9 giảm dần. Chỉ có 1/1000 học sinh đạt điểm 10.

Bên cạnh đó, để ra được đề, người giáo viên cần phải mất nhiều công sức, đưa ra các vấn đề thực tiễn để đánh giá năng lực của học sinh, ngữ liệu mang tính mở cao, phát huy năng lực người học, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của người học và người dạy.

Theo đó, cô Xuân cho rằng người giáo viên cũng cần phải nâng cao năng lực, dạy cho học sinh vững vàng kiến thức, cả phương pháp tư duy và thực tiễn, quy trình tính toán, không còn tình trạng dạy mẹo, không còn những vấn đề hóc búa, xa rời thực tiễn,…

Đại biểu tham dự hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào chiều ngày 11/3. Ảnh: Trần Hiệp

Mong muốn các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả tốt nghiệp để tuyển sinh

Cũng chia sẻ ý kiến tại hội thảo, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ nhất trí và đánh giá cao những công việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông, Bộ đã kịp thời ban hành phương án thi tốt nghiệp, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo,... là cơ sở để các địa phương, học sinh, phụ huynh có định hướng, từ đó chuẩn bị tinh thần và chủ động triển khai các phương án phục vụ kỳ thi.

Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, môn Tin học và Công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc định hướng đề thi.

Bên cạnh đó, chương trình có tính mở cao, các đơn vị được tự do lựa chọn công cụ, chủ đề, tài liệu tham khảo,... để dạy học. Do đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần xác định phạm vi thi, nội dung, thời điểm để đảm bảo phù hợp với tất cả các thí sinh.

Với các cơ sở giáo dục đại học, vị lãnh đạo Sở hy vọng các trường sớm triển khai việc xây dựng các nhóm môn xét tuyển để học sinh có định hướng học phù hợp, tránh hoang mang.

Cuối cùng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới, và việc tổ chức một kỳ thi với 36 tổ hợp thi là không hề đơn giản. Do đó, ông mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có thêm các hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, sớm tổ chức tập huấn triển khai thực hiện kỳ thi và phổ biến phần mềm chấm thi cho các địa phương.

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Hiệp

Cũng quan tâm đến nội dung đề thi, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị chia sẻ, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện trên tinh thần một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, do vậy khi làm đề thi cần có sự thống nhất một số nội dung diễn đạt. Điều này vừa giúp học sinh tránh nhầm lẫn, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho công tác ra đề thi.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đề xuất hàng năm Bộ thực hiện công bố sớm đề thi minh họa, đồng thời giữ ổn định cấu trúc đề thi ít nhất 5 năm để các đơn vị trường học thuận lợi hơn trong quá trình dạy học, ôn tập cho học sinh.

Ngoài ra, đối với 2 dạng thức trắc nghiệm mới (đúng/sai và câu trả lời ngắn), Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục thử nghiệm theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, đảm bảo tính phân loại.

Ngoài ra, bà Lê Thị Hương cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tới đội ngũ ra đề thi bởi đây là yếu tố quan trọng và quyết định đến chất lượng của đề thi. Đội ngũ phải đảm bảo năng lực về chuyên môn, phẩm chất trung thực, có kinh nghiệm tốt từ khâu biên soạn, biên tập, thẩm định đề thi,... Cần đảm bảo số lượng thành viên và thời gian tổ chức đề thi nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng đề thi, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ ra đề. Bên cạnh đó, cần đánh giá, khen thưởng thi đua, động viên các Sở, cá nhân tham gia vào quá trình này.

Cuối cùng, nhấn mạnh đến lợi ích của kỳ thi tốt nghiệp với học sinh và xã hội, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng trị mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì việc tổ chức định hướng kỳ thi 2 trong 1. Với các cơ sở giáo dục đại học, vị lãnh đạo Sở bày tỏ mong muốn các trường tiếp tục tin tưởng, lựa chọn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp làm căn cứ để xét tuyển vào các trường, giúp giảm áp lực cho học sinh và chi phí cho xã hội.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Trước các ý kiến góp ý từ đại biểu đến từ các Sở, thầy cô giáo, chuyên gia,... Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại hội thảo để tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp tục bổ sung cho phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi nếu thấy hợp lý, khoa học.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý chất lượng sớm xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai tập huấn xây dựng ngân hàng đề thi và ra đề thi cho cán bộ cốt cán của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Xây dựng kế hoạch chi tiết về đề thi minh họa và sớm công bố để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy và học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ; các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu để công bố sớm phương án tuyển sinh.

Đối với Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Thường xuyên, Thứ trưởng đề nghị sớm tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phổ thông về nội dung kiểm tra, đánh giá theo định dạng cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Đồng thời, tổ chức kiểm tra thực tế và định hướng chuyên môn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo các cơ sở giáo dục.

Về phía các Sở Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, trên cơ sở phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trong quá trình chỉ đạo chuyên môn cần chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; chủ động ra đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ; chủ động trong công tác truyền thông tại cơ sở để tạo sự thấu hiểu từ giáo viên, học sinh, phụ huynh. Trong quá trình làm, nếu có khó khăn các Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin kịp thời về các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-de-xuat-bo-giu-on-dinh-cau-truc-de-it-nhat-5-nam-post241386.gd