Thi tốt nghiệp THPT: Xây dựng phương án cho các thí sinh là F1, F2
Cả nước hiện có 412 thí sinh là các F0, F1. Trong đó, có 18 thí sinh diện F0, 394 thí sinh là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.
Ngày 27/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 63 tỉnh, thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định về phương thức như năm 2020. Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức vào các ngày 7-8/7/2021.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Kế hoạch tổ chức kỳ thi.
Trước đó, Hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được tổ chức vào các ngày 12,13/4/2021 tại Hải Phòng với sự tham gia của đại diện các sở GD&ĐT và phòng an ninh PA03 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị quán triệt Quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thuộc Hệ thống phần mềm quản lý thi tốt nghiệp và tuyển sinh.
Đề thi tham khảo của 15 môn thi đã được công bố vào ngày 31/3/2021, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi. Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác đề thi để tổ chức kỳ thi.
Phần mềm quản lý thi (phục vụ đăng ký, tổ chức thi, hỗ trợ tuyển sinh) và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được đánh giá để trước khi tập huấn, sử dụng theo kế hoạch.
Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi (từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5/2021).
Việc giải đáp các câu hỏi trong thời gian đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sinh được thực hiện qua điện thoại và email tại Bộ GD&ĐT và các địa phương được thực hiện nghiêm túc.
Công tác đăng ký dự thi được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để kịp thời hỗ trợ các vấn đề phát sinh (nếu có) nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Các bài thi được tổ chức tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; một bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân.
Căn cứ mục đích tham dự kỳ thi và Quy chế thi, thí sinh thuộc các đối tượng khác nhau sẽ đăng ký bài thi phù hợp quy định.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (các bài thi tổ hợp thi cùng một buổi).
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 trong năm học 2019-2020 và 2020-2021 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.
Các địa phương có kế hoạch ứng phó cụ thể
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh cho hay, theo thống kê từ các sở giáo dục và đào tạo, tính đến hết ngày 26/5, cả nước có 412 thí sinh là các F0, F1. Trong đó có 18 thí sinh diện F0, 394 thí sinh là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng kịch bản tổ chức kỳ thi ứng phó với dịch, đề nghị các địa phương cũng có kịch bản cụ thể, phân loại học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và có giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh.
Theo đó, các thí sinh diện F0 sẽ được miễn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và được xét đặc cách tốt nghiệp, vì theo quy chế thi, đây là các thí sinh thuộc diện bị ốm đột xuất không thể tham dự kỳ thi.
Đối với các thí sinh diện F1, F2, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xây dựng các giải pháp tổ chức kỳ thi an toàn. Cụ thể, các địa phương bố trí điểm thi riêng cho đối tượng thí sinh diện F1; bố trí phòng thi riêng cho thí sinh diện F2. Với mỗi đối tượng đều phải có giải pháp y tế kèm theo, trong đó có tính toán đến việc hỗ trợ thí sinh di chuyển. Trong trường hợp bất khả kháng, Bộ sẽ tính đến phương án tổ chức thêm đợt thi.