Thị trấn Cửa Tùng tiếp bước truyền thống quê hương anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng) có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là điểm giao thông huyết mạch của khu vực Vĩnh Linh, nơi đưa đón bộ đội vào các chiến trường miền Nam, cũng là nơi tiếp tế vũ khí, hàng hóa cho đảo Cồn Cỏ. Đặc biệt từ năm 1954-1973, xã Vĩnh Quang còn là căn cứ địa nuôi giấu, che chở, bảo vệ đội ngũ cán bộ khu đông của huyện Gio Linh. Vì vậy, Vĩnh Quang và các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh phải hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn của kẻ thù.

Từ năm 1965 đến năm 1972 đế quốc Mỹ đánh phá lên địa bàn vô cùng ác liệt, cướp đi sinh mạng 345 người. Đỉnh cao tội ác giặc Mỹ gây ra trên đất Vĩnh Quang là vụ tàn sát dã man, trong 6 ngày đêm đánh phá, từ đêm 19 đến ngày 25/6/1967, địch đã sát hại 123 người dân vô tội, trong đó có 61 cụ già, phụ nữ và trẻ em bị chôn vùi trong hầm địa đạo vào 9 giờ sáng ngày 20/6/1967.

Đánh phá Vĩnh Quang, giặc Mỹ đã hủy diệt toàn bộ thành quả về kinh tế, cơ sở vật chất của tập thể và nhân dân gây dựng trong 10 năm hòa bình. Suốt một dải đất từ thôn Lộc Đức đến Hòa Lý, giặc Mỹ đã biến thành vành đai trắng, chằng chịt hố bom đạn. Được sự chỉ đạo của Khu ủy Vĩnh Linh, trực tiếp là Đảng ủy xã Vĩnh Quang đã triển khai kế hoạch phòng tránh, đánh trả quyết liệt kẻ thù, với khẩu hiệu: “Quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực”, chiến dịch đào địa đạo và giao thông hào được phát động khắp toàn xã. Từ cuối năm 1965, Vĩnh Quang đã hình thành tuyến giao thông hào nối liền các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Tân, Vĩnh Giang trong khu vực phòng thủ. Hệ thống địa đạo trong lòng đất sâu trên 15m, dài hàng chục ngàn mét từ Lộc Đức đến Hòa Lý, với hàng trăm tiểu đạo và hầm chữ A, được gia cố vững chắc. Nhân dân tình nguyện hiến cho lực lượng dân quân 600 nóc nhà làm hầm chiến đấu và sinh hoạt trong lòng đất.

Trên địa bàn trong những năm 1967 đến 1972 chỉ còn lực lượng dân quân trực chiến ở lại phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an vũ trang Cửa Tùng chuẩn bị cho những đợt chiến đấu mới. Tại xã Vĩnh Quang, đơn vị phòng không được thành lập gồm 25 người. Năm 1968 thành lập một khẩu đội phòng không nữ. Đây là lực lượng nòng cốt cùng với dân quân chiến đấu 892 trận, bắn rơi 4 máy bay, bắn bị thương 4 chiếc, phối hợp với bộ đội chủ lực, dân quân các xã bắn rơi và bị thương 7 chiếc.

Những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ dân quân, công an vũ trang làm nhiệm vụ trên Bến đò A, trực chiến đấu để bảo vệ lực lượng dân quân ngày đêm tổ chức hàng trăm chuyến đò đưa vũ khí, hàng hóa và bộ đội vào Nam đánh Mỹ, đón thương binh, tử sĩ từ chiến trường ra Bắc để cứu chữa và mai táng. Bến đò A trở thành tuyến đường huyết mạch quan trọng, một địa danh hào hùng của đất thép Vĩnh Linh.

Trên tuyến biển, địch thường xuyên cho tàu tuần tiểu, hạm đội 7 bắn pháo vào đất liền. Được sự phối hợp tác chiến của đơn vị 1A Hải quân, Vĩnh Quang đã thành lập 1 tổ đánh tàu gồm 7 người. Ngày 25/5/1968 tổ đánh tàu đã đặt 2 quả thủy lôi tiêu diệt 2 tàu Vê đét cùng toàn bộ số Mỹ- ngụy trên tàu. Với chiến công xuất sắc, xã Vĩnh Quang đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, là đơn vị dân quân đầu tiên trên miền Bắc đánh chìm tàu chiến địch.

Sau cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân năm 1968, chiến trường Quảng Trị diễn ra ngày càng khốc liệt, xã Vĩnh Quang thành lập một khẩu đội ĐKZ gồm 12 người, nhận lệnh xuất quân chi viện cho chiến trường Gio Linh. Sau hai lần xuất kích vào làng Mai Xá, xã Gio Mai, khẩu đội ĐKZ đã bắn chìm 4 tàu vận tải, bắn cháy 2 xe bọc thép M113, 1 xe tăng, phá hủy 3 lô cốt, tiêu diệt 54 tên Mỹngụy, phối hợp đơn vị bạn bắn rơi một máy bay trực thăng, lập nên những chiến công vang dội. Tiểu đội bắn tỉa sau gần một tháng bám trụ ở địa bàn Dốc Miếu đã tiêu diệt 40 tên Mỹ- ngụy.

 Một góc thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: Ngô Thủy

Một góc thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: Ngô Thủy

Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, quân và dân Vĩnh Quang vinh dự được nhận nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là tiếp tế hàng hóa, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ. Đáp lại lời kêu gọi của Khu ủy Vĩnh Linh “Tất cả vì đảo”, với quyết tâm sắt đá “Vĩnh Quang còn, thì đảo còn”, bất chấp hiểm nguy, đạn pháo, tàu chiến quân thù chặn đánh, hàng trăm chuyến thuyền vẫn chở hàng ngàn tấn hàng hóa ra đảo, đảm bảo lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho bộ đội đánh giặc, giữ đảo. Nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ của xã Vĩnh Quang đã góp phần quan trọng cùng đơn vị C22, dân quân các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang giữ vững mạch máu giao thông giữa đất liền với đảo cho đến ngày toàn thắng. Quá trình tiếp tế cho đảo, Vĩnh Quang có 24 chiến sĩ và nhân dân anh dũng hy sinh, 42 người bị thương, 15 người bị địch bắt, giam cầm tra tấn dã man trong các nhà tù Mỹ- ngụy.

Với những cống hiến xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) xã Vĩnh Quang được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng vào ngày 22/12/1969; tặng 7 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong sản xuất cho tập thể. Hai năm 1967, 1971 đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng, 16 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.350 người có công với nước, hàng trăm người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến và chiến công các loại.

Đi qua những tháng ngày đạn bom khói lửa của chiến tranh, nhân dân trở về quê hương trên hoang tàn đổ nát. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ, nhân dân Vĩnh Quang bắt đầu công cuộc xây dựng, từng bước đưa quê hương vượt qua gian khó, phát triển đi lên. Tháng 8/1987, thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Vĩnh Quang tiếp đón 30 hộ của xã Gio Hải, huyện Gio Linh, gồm các gia đình có nhiều công lao với cách mạng ra tham gia xây dựng quê hương. Trước xu thế phát triển của đất nước và yêu cầu thực tiễn của địa phương, ngày 24/8/2009, thực hiện Nghị quyết số 39 của Chính phủ, thị trấn Cửa Tùng chính thức được thành lập, gồm toàn bộ xã Vĩnh Quang với 4 thôn Cổ Thạch của xã Vĩnh Thạch.

Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là 10 năm xây dựng, phát triển, thị trấn Cửa Tùng đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10-12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tính đến cuối năm 2018, tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ tăng lên 70,3%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 12,6%; tỉ trọng nông, ngư nghiệp giảm xuống còn 17,1%. Thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/ người/ năm. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng. Tổng giá trị đầu tư toàn thị trấn đạt 272 tỉ đồng. Riêng 12 tháng phát động các tập thể, nhân dân đã đầu tư xây dựng 44 tỉ đồng, nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phúc lợi xã hội, tạo diện mạo mới khang trang cho thị trấn. Văn hóa- xã hội được các cấp quan tâm, đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Có 11 khu phố, 2 trường học đạt đơn vị văn hóa, trong đó có 6 khu phố đạt danh hiệu văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, dịch bệnh được kiểm soát. Thị trấn liên tục nhiều năm đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đặc biệt năm 2018 là đơn vị đứng đầu toàn huyện về tổng số điểm các tiêu chí đạt chuẩn. Về giáo dục đã có những chuyển biến tiến bộ, cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư kiên cố, đảm bảo cho việc dạy, học của con em. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững thường xuyên được quan tâm. Hộ nghèo đến nay chỉ còn 4,63%. Công tác chính sách, an sinh xã hội được các cấp quan tâm, đã giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho đối tượng có công, bảo trợ xã hội. Phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tương thân tương ái để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ tết. Đã huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 531,4 triệu đồng, tặng 350 sổ tiết kiệm cùng hàng trăm suất quà cho người có công, người nghèo; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 35 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Công tác quốc phòng- an ninh được chăm lo củng cố. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được chú trọng. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đạt kết quả tốt, nhiều năm liền Cửa Tùng được xếp tốp đầu các xã, thị trấn trong toàn huyện. Đảng bộ, Mặt trận, các đoàn thể đạt trong sạch, vững mạnh, được các cấp khen thưởng.

Với những thành tích xuất sắc qua 10 năm thành lập, phát triển, nhân dân và cán bộ thị trấn Cửa Tùng được Chủ tịch nước tặng 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Chính phủ tặng 1 cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”, UBND tỉnh tặng 4 cờ “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua”. Nhiều tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.

Tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, cán bộ, nhân dân thị trấn Cửa Tùng nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng thị trấn trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của vùng đông huyện Vĩnh Linh.

Lê Thanh Cường

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Cửa Tùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141541