Thị trấn Yên Sơn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thị trấn Yên Sơn đã tạo được những chuyển biến tích cực trong việc cưới, việc tang. 2 tổ dân phố của thị trấn là Đồng Quân và Tứ Quận đã được chọn triển khai mô hình điểm 'Tổ dân phố thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang' huyện Yên Sơn, giai đoạn 2023-2024.

Những năm gần đây, các loại hình dịch vụ phục vụ việc cưới, việc tang về cơ bản rất sẵn và tiện lợi, giúp các hộ gia đình hạn chế được khá nhiều thời gian, công sức trong tổ chức việc cưới, việc tang. Tuy nhiên, bên cạnh những phong tục tập quán lành mạnh, tốt đẹp, vẫn tồn tại nhiều hủ tục mang nặng tính hình thức, rườm rà, phiền toái, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền của của người dân. Cùng với đó, một số ít cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự gương mẫu trong thực hiện nội dung này.

Để có những quy định chung, thống nhất, tạo được sự đồng thuận của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Sơn đã có kế hoạch triển khai xây dựng mô hình điểm “Tổ dân phố thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” huyện Yên Sơn, giai đoạn 2023-2024 nhằm nâng cao nhận thức, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong thực hiện nội dung này.

Ban công tác mặt trận khu dân cư ký kết nội dung thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang với Ủy ban MTTQ thị trấn Yên Sơn.

Ban công tác mặt trận khu dân cư ký kết nội dung thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang với Ủy ban MTTQ thị trấn Yên Sơn.

Theo đó, kế hoạch đã định hướng những mục tiêu khá cụ thể để thực hiện. Về việc cưới: không sử dụng thuốc lá trong đám cưới; không mở nhạc, hát karaoke trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; khuyến khích cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc mình trong ngày cưới…

Về việc tang, với các mục tiêu thực hiện như: không tiếp khách bằng thuốc lá; sử dụng vòng hoa, lễ dâng hương luân chuyển; không rải tiền âm phủ, vàng mã, tiền VNĐ trên đường đưa tang; vận động thực hiện hỏa táng đối với người chết; xây mộ người chết đúng quy cách trong nghĩa trang được quy hoạch…

Đồng chí Bàn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Yên Sơn cho biết, được sự nhất trí của Đảng ủy thị trấn Yên Sơn về chủ trương xây dựng mô hình điểm. Ủy ban MTTQ thị trấn đã cụ thể hóa Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, ban hành văn bản thành lập Ban vận động của 2 tổ dân phố; tổ chức hướng dẫn 2 tổ dân phố xây dựng quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung này đến người dân thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp của các tổ dân phố, các tổ chức chính trị - xã hội… để người dân biết, thực hiện.

Là một trong 2 tổ dân phố được chọn xây dựng mô hình điểm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của huyện Yên Sơn, bà Lâm Thị Sinh, trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố Đồng Quân cho biết nét nổi bật nhất của khu dân cư là công tác tuyên truyền vận động người dân, giúp người dân thấy rõ lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, từ đó mỗi người dân đều tự giác hưởng ứng thực hiện.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả nội dung này, phải kể đến đội ngũ những người có uy tín, ông Trần Trung Điều, người có uy tín của tổ dân phố Đồng Quân cho biết: tổ dân phố Đồng Quân có trên 90% dân số là dân tộc Cao Lan, bản thân ông cũng là người Cao Lan. Là người có uy tín của khu dân cư, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống mới, giản lược các thủ tục rườm rà, lãng phí, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Cao Lan. Nhờ đó, 5 năm liên tục, tổ dân phố Đồng Quân đều đạt khu dân cư văn hóa tiêu biểu, được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…

Ông Phan Đức Sơn, tổ trưởng tổ dân phố Tứ Quận chia sẻ, thời gian qua nhận thức của người dân đã cởi mở, thực tế và phù hợp hơn trong việc tổ chức cưới xin, ma chay, giỗ chạp. Về việc cưới, các cặp đôi đều tổ chức đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật. Đám cưới được tổ chức vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán địa phương cũng như hoàn cảnh mỗi gia đình. Về việc tang, khi gia đình có người qua đời, tổ trưởng tổ dân phố sẽ phối hợp với Ban công tác mặt trận, các chi hội, chi đoàn, bà con Nhân dân khu dân cư thành lập Ban tổ chức lễ tang để giúp đỡ gia đình điều hành các công việc trong suốt thời gian tổ chức tang lễ. Phân công cụ thể nhiệm vụ các thành viên hỗ trợ, giúp đỡ gia đình... Chính từ những việc cưới, việc tang như này, đã giúp thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn bó ở cộng đồng khu dân cư...

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, còn cần phát huy mạnh mẽ vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện nội dung này. Thực hiện kế thừa có chọn lọc, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của từng dân tộc, loại bỏ các nội dung còn nặng về tính phô trương, hình thức, lãng phí… trên tinh thần đơn giản hóa các thủ tục, mang lại lợi ích tối đa cho người dân.

Khánh Vân

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/thi-tran-yen-son-thuc-hien-nep-song-van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-176412.html