Thi trên máy tính, điện thoại: Sẽ hạn chế chạy chọt, cho điểm đẹp?
Thi trên máy tính, được sử dụng điện thoại khi làm bài liệu có khả thi và tiến hành đại trà ở các môn và các trường không? Việc thi trên máy có hạn chế được việc chạy chọt, cho điểm đẹp...?
Thi máy tính bảng, có điểm luôn
Năm 2018, Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam tổ chức thi học kỳ trên máy tính bảng, giám sát bởi 100 camera, không cần giấy bút.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Y Hà Nội, năm 2010, trường tổ chức thi trắc nghiệm trên giấy, đến năm 2013, trường cho sinh viên tiến hành thi trắc nghiệm trên 200 máy tính và đến thời điểm năm 2018, đã được trang bị 780 máy tính bảng phục vụ thí sinh dự thi.
Vì thế, với hệ thống phần mềm hiện đại, được giám sát bởi 100 camera, độ bảo mật cao cho phép quản lý toàn bộ môn thi, lịch thi, điểm thi, thí sinh không cần phải mang giấy tờ tùy thân, chỉ cần chạm vân tay lên màn hình sẽ hiện lên thông tin cá nhân, vị trí ngồi và môn thi.
Theo trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục của trường này, năm học 2017-2018, Trung tâm đã tổ chức thi đánh giá học phần cho 1.436 lượt thi với 180.328 lượt thí sinh, với 359 ngân hàng câu hỏi với 70.000 câu trắc nghiệm; tỉ lệ các môn thi sử dụng trắc nghiệm khách quan chiếm gần 90%.
Với hệ thống phần mềm hiện đại, được giám sát bởi 100 camera, độ bảo mật cao cho phép quản lý toàn bộ môn thi, lịch thi, điểm thi, thí sinh không cần phải mang giấy tờ tùy thân, chỉ cần chạm vân tay lên màn hình sẽ hiện lên thông tin cá nhân, vị trí ngồi và môn thi.
Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) làm 25 câu trắc nghiệm môn toán trong 45 phút trên máy tính. Sau khi thi xong, các em học sinh có thể biết ngay điểm số của mình.
Mỗi phòng thi bao gồm 32 học sinh với nhiều mã đề khác nhau. Mỗi em sẽ làm bài độc lập trên máy tính được kết nối với website thi trực tuyến trong 45 phút.
Hồ sơ đẹp “mất đi”
Theo thạc sĩ Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên Môn địa của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thi theo hướng trực tuyến như các trường trên là nên làm.Việc thay đổi cách thi này cũng là thay đổi theo hướng tích cực đồng bộ từ quản lý đến giáo viên và học sinh, nhất là đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, theo bà Hiệp, việc này chắc chắn sẽ có áp lực nhưng là việc nên làm.
“Tôi ủng hộ cách thi này. Thi trực tuyến hạn chế được việc tiêu cực trong thi cử và không còn chuyện chạy chọt điểm cho hồ sơ học sinh đẹp. Thi trực tuyến sẽ không con chuyện gửi gắm con người này người kia nữa”- giáo viên này nhận định.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy sử ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc thi trên máy là khả thi. Đây là kiểu đón đầu cho kỳ thi THPT sắp tới của Bộ Giáo dục - Đào tạo là sẽ thi trên máy.
Cô Thảo cho rằng, tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… thì nhiều trường có đủ điều kiên để thực hiện. Nhưng hiện nay nhiều trường chưa tiến hành thực hiện mà thôi.
Cô Huyền Thảo cũng cho rằng, đây là một phương án khả thi cho việc “diệt” tiêu cực như người này người kia gửi gắp con của họ hay để tạo hồ sơ đẹp.
“Nhưng biết điểm luôn là điểm kiểm tra bài viết. Nếu còn điểm cộng và điểm thưởng cũng sẽ có thể thay đổi. Ngoài ra khâu nhập điểm là khâu sau cùng. Nên sai sót thường là khâu này chứ nếu điểm số hiện nguyên thì có thể tránh tiêu cực”- cô Thảo nhấn mạnh.
Trả lời báo chí, GS.TS Phạm Tất Dong cũng đưa ra quan điểm: "Cần đẩy nhanh đối với thi cử trên máy tính, một hệ thống giáo dục trong thời đại kỹ thuật số, một nhà trường thông minh cần có hình thức tổ chức thi tương ứng".