Thi trực tuyến vẫn chưa được công nhận kết quả, có nên kéo dài năm học?
Sau mỗi đợt học trực tuyến, khi các con quay trở lại trường thì các thầy cô đều phải dành một khoảng thời gian dài để củng cố thêm kiến thức.
“Việc chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp của học sinh là cả một kế hoạch mà ban giám hiệu nhà trường chúng tôi luôn đặc biệt chú trọng, hoàn toàn không phải là việc chỉ đối phó với các tình huống.
Thứ nhất là nhà trường đã có một lộ trình cho từng giai đoạn, vận hành song song cả việc học, hoàn thiện kiến thức và việc ôn tập. Chúng tôi đã chia làm 5 giai đoạn từ đầu tháng 1 cho đến tháng 5 và trong tất cả các giai đoạn đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch học tập cũng như các chuyên đề mà học sinh cần phải thực hiện.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngay từ đầu năm ban giám hiệu nhà trường đã chuẩn bị 2 việc, thứ nhất là bất cứ lúc nào cũng có thể chuyển sang học trực tuyến và thứ hai là nhà trường đã mua phần mềm học trực tuyến có bản quyền để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào”, nhà giáo Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, Hà Nội đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Theo cô Phương Anh: “Khối 12, khối 9 đồng thời tất cả các khối học luôn trong tinh thần bất cứ lúc nào đều sẵn sàn chuyển sang học trực tuyến, để đầy đủ như vậy thì tất cả sách vở, giáo trình cho học sinh… chúng tôi đã xây dựng thành chuyên đề, nhất là phần làm bài tập để khi triển khai học trực tuyến giáo viên vẫn kiểm soát được tình hình học tập của học sinh.
Về phía gia đình các em cũng hoàn toàn có thể nắm bắt được tiến trình học tập của các con khi học trực tuyến, nắm được hàng tuần các con cần phải hoàn thiện trong đề cương ôn tập giai đoạn tháng 4 hoặc tháng 5 là những vấn đề gì, gồm những hệ thống bài thế nào? Và hàng ngày chúng tôi cũng xác định được học sinh nào đã hoàn thành bài tập cũng như chưa hoàn thành. Việc này chính xác đến từng ngày và nhờ đó thầy cô động viên hoặc có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời”.
Cô Phương Anh chia sẻ: “Về lý thuyết nhà trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ từ cơ sở vật chất, giáo viên, về phía phụ huynh học sinh cũng vậy để sẵn sàng đáp ứng việc học trực tuyến của các con. Nhưng có một việc ai cũng hiểu rằng học trực tuyến nếu các con học sinh nắm bắt được 50% khối lượng kiến thức mà giáo viên truyền tải là đã quá tốt rồi.
Thứ nhất việc học theo hình thức trực tuyến rất mới, thầy cô và cả học sinh đôi khi cũng có lúng túng. Cách dạy truyền thống từ bao lâu nay đã quá quen thuộc nhưng giờ đây dạy trực tuyến không giống như vậy, việc này khiến cả thầy và trò đều phải thích nghi, thay đổi và trên cả là tinh thần mọi người cùng cố gắng.
Chưa nói đến việc khi học trực tuyến ở nhà như vậy, đối với học sinh có ý thức tự giác cao thì việc tiếp thu kiến thức ít có sự ảnh hưởng. Nhưng với các con ý thức tự giác chưa cao bởi đôi khi trên lớp những học sinh này thường xuyên khiến các thầy cô phải để ý, vậy nên với những trường hợp này rất cần sự phối hợp sát sao của phụ huynh, đây cũng là quyền lợi của các con.
Chính vì thế sau mỗi đợt học trực tuyến, khi các con quay trở lại trường thì các thầy cô đều phải dành một khoảng thời gian dài để củng cố thêm phần kiến thức lỏng lẻo mà các con tiếp nhận trong thời gian học trực tuyến ở nhà thiếu hẳn sự kiểm soát của giáo viên.
Trên thực tế giáo trình dạy và học trực tuyến cho đến nay vẫn chưa một trường nào có, tất cả vẫn chỉ đơn thuần là bài soạn của các thầy cô, nhưng rất may là việc đó giờ đây đã có công nghệ hỗ trợ, từ những chiếc bút điện tử giúp giáo viên viết thẳng vào màn hình và học sinh theo dõi có cảm giác như cô đang viết lên bảng trực tiếp, việc này giúp các con tiếp thu kiến thức rất thực tế hơn hẳn những file trình chiếu toàn chữ đơn thuần, nhàm chán.
Phần bài tập thì theo lý thuyết có thể ra bài trực tuyến theo phần mềm có sẵn, các con cũng làm trực tuyến nhưng thực tế là cũng chưa sử dụng được những phần đó một cách hiệu quả bởi việc ôn tập của nhà trường đã nằm trong lộ trình ôn tập riêng và có sắp xếp từng bài, từng phần cụ thể chi tiết.
Còn nếu sử dụng các bài ôn tập trực tuyến khai thác từ ngân hàng dữ liệu ôn tập chung thì lại khá lộn xộn, có những bài chúng tôi cho học sinh ôn tập rồi chả lẽ cứ để các con làm đi làm lại mãi? Và cũng có những bài chưa ôn tập tới nhưng cũng đã nằm trong lộ trình ôn tập riêng của nhà trường và thầy cô đã chuẩn bị sẵn để chuyển tới học sinh”.
Giám sát học sinh khi học trực tuyến hiệu quả
Cô Phương Anh cho biết: “Hàng ngày các con vẫn phải báo cáo, phải nộp lại cho giáo viên những phần làm việc trong ngày, giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp kiểm soát việc này nhưng cũng chỉ về mặt số lượng mà thôi, còn chất lượng thực tế các con thực hiện bài tập lại phải nhờ đến các giáo viên trực tiếp dạy bộ môn đó đánh giá thì mới biết được.
Thực chất còn rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng làm bài tập của học sinh khi học trực tuyến, trừ khi các con làm trực tiếp để thầy cô kiểm soát qua camera mà việc này thì các giáo viên không đủ thời gian để kiểm tra toàn bộ học sinh trong một lớp học vào cùng một thời điểm.
Vậy nên ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô và phụ huynh đều lo lắng bởi những lý do riêng như vậy. Nhưng hiện nay tất cả đều hiểu với hoàn cảnh như vậy thì dạy và học trực tuyến cũng là một biện pháp tối ưu, mọi người đều nỗ lực cố gắng hết sức rồi, còn hiệu quả đạt được đến đâu thì còn đợi thời gian trả lời.
Khối 12 năm nay của trường chúng tôi tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hơn 400 học sinh nên ban giám hiệu và các thầy cô khối lớp này khá lo lắng, nhưng tất cả đều quyết tâm để làm sao các con có được lượng kiến thức đầy đủ nhất, đáp ứng cho kỳ thi chất lượng, hiệu quả”.
Đợt nghỉ học để phòng chống dịch lần này, và với diễn biến như vậy thì cũng chưa biết đến khi nào các con được quay trở lại trường để học trực tiếp, trước tình huống này, cô Phương Anh chia sẻ thêm: “Chúng tôi vẫn đợi sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho đến giờ phút này nhà trường vẫn triển khai việc dạy và học trực tuyến.
Và cũng cho đến nay, văn bản chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép giáo viên cho điểm kiểm tra thường xuyên khi dạy trực tuyến, nhưng với các bài thi kết thúc học kỳ thì Bộ vẫn chưa công nhận kết quả kiểm tra trực tuyến.
Theo tôi việc này cũng đúng bởi khi học sinh làm bài thi kết thúc học kỳ tại nhà, các em nộp một bài thi qua mạng nhưng ai dám chắc rằng bài thi đó do chính học sinh đó làm mà không có sự giúp đỡ của người khác? Vậy nên cũng khó công nhận kết quả thi học kỳ theo hình thức trực tuyến.
Còn nếu tình huống dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kéo dài thời gian kết thúc năm học để cho học sinh có thêm thời gian học trực tiếp, bổ sung phần kiến thức còn yếu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, và đặc biệt để thực hiện trực tiếp tại trường việc thi học kỳ II kết thúc năm học. Theo lộ trình là đầu tháng năm mới thực hiện việc kiểm tra học kỳ II và hiện nay tới 90% các trường đều chưa tiến hành kiểm tra”.
Dạy và học trực tuyến cần theo phương pháp 5 đúng
Thực hiện chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch và đây cũng là việc đột xuất, có thể nói là cả ngành giáo dục đứng trước một tình huống chưa bao giờ xảy ra như vậy.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội), chia sẻ: “ Để triển khai tốt việc dạy học trực tuyến như hiện nay thì bắt buộc phải có một số điều kiện về mặt kỹ thuật công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ phải được chuẩn bị trước.
Trường Đông Đô của chúng tôi đã triển khai việc xây dựng trường học thông minh từ năm 2018 và đưa vào hoạt động trang mạng giáo dục Đông Đô, hệ thống mạng này được kết nối với hệ thống chung nên đã giúp cho việc triển khai học trực tuyến của nhà trường như hiện nay một cách hiệu quả.
Qua trang mạng này khi học trực tuyến thì thầy và trò đều nhìn thấy nhau, các em học sinh cũng nhìn thấy các bạn trong lớp, kết nối được âm thanh nên thầy giáo và học sinh có thể trao đổi với nhau một cách thuận tiện, khi thầy giảng bài thì cả lớp nghe được.
Nếu giáo viên cần chỉ định học sinh nào phát biểu thì cả lớp đều nghe thấy em học sinh đó nói, như vậy là âm thanh và hình ảnh giúp cho tất cả thầy trò giao tiếp dễ dàng”.
Thầy Quân cho biết: “Hiện nay, chúng tôi thực hiện theo những nguyên tắc như: Thứ nhất học trực tuyến đúng với thời gian thực như học trực tiếp tại trường, buổi sáng từ 7h30 phút là tất cả học sinh phải ngồi vào bàn học ở nhà.
Nguyên tắc thứ 2 là học sinh ở lớp nào thì học đúng lớp đó, giáo viên dạy lớp nào thì cũng đến đúng phòng học của lớp đó tại trường hàng ngày để dạy mặc dù trong lớp không có học sinh, giáo viên vẫn quản lý đầy đủ học sinh lớp của mình qua các công cụ dạy học trực tuyến.
Thứ 3 tất cả học sinh trong lớp đều xuất hiện trên màn hình máy tính của giáo viên trên lớp, qua đó giáo viên nắm bắt được em nào học, và em nào vắng mặt đều phải có lý do, nếu không sẽ được coi là nghỉ học không xin phép. Tất cả học sinh học trực tuyến đều học đúng thời khóa biểu bình thường và học tất cả các môn, kể cả môn thể dục.
Thứ 4 là học đúng tiến độ của học phần, hiện nay quy định đến ngày đấy là học bài nào thì hiện nay học sinh của trường chúng tôi vẫn học đúng như vậy.
Vấn đề thứ 5 cũng rất quan trọng, để đảm bảo chất lượng và đúng sĩ số học sinh, đúng 7h30 phút là học sinh đều phải ngồi vào bàn học ở nhà và trước máy tính đã được nối mạng với lớp học của trường, lớp nào vào lớp đó và bật Webcam để giáo viên nhìn thấy, cũng như các em đều nhìn thấy các bạn trong cùng lớp. Nếu em nào chậm kết nối thì giáo viên sẽ gọi điện cho phụ huynh em đó để hỏi thăm tình hình.
Tuy nhiên khi học trực tuyến thì vấn đề tổ chức, quản lý các hoạt động lại không làm được, hạn chế những sinh hoạt tập thể và đó là nhược điểm của việc học trực tuyến.
Trong công tác giáo dục không phải chỉ có mỗi việc lên lớp dạy học, mà nó còn cả hệ thống tổ chức hoạt động tập thể cho học sinh, nhưng việc này khi các em được đi học trở lại thì nhà trường sẽ bù đắp, có như vậy thì mới tạo ra được môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh đầy đủ. Học như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, khó đảm bảo được chất lượng”.